Cổ phần hóa: Phải quyết liệt mới đạt mục tiêu

Cổ phần hóa: Phải quyết liệt mới đạt mục tiêu

(ĐTCK) “Trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, với nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đang tăng cường các biện pháp kiểm tra, đôn đốc nhằm hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa khá nặng nề đặt ra cho năm nay…”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Đầu năm nay, bên cạnh các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn thành công như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam…, vẫn có những đợt IPO không thành công như trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Ngoài các yếu tố liên quan đến tính hấp dẫn của phương án cổ phần hóa như thông tin minh bạch, tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ thấp sau IPO, rộng cửa cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia IPO với tư cách là nhà đầu tư chiến lược…, thì yếu tố ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu và khẩu vị của nhà đầu tư là những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thành công hay thất bại của mỗi đợt IPO.

Theo dõi diễn biến của các đợt IPO vào đầu năm 2018, có thể thấy sức cầu của thị trường còn lớn. Bởi vậy, muốn IPO thành công, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đổi mới cách thức roadshow (tổ chức cả ở nước ngoài, nhất là ở những thị trường tài chính lớn), minh bạch thông tin, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, cũng như đăng ký tham gia IPO…

Có ý kiến cho rằng thương vụ IPO Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không thành công vì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa lớn (75%), đồng thời chưa mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia ở vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Ông có cho là như vậy?

Khác với các doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO đầu năm nay, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có đặc thù là quỹ đất rộng, trong đó có nhiều diện tích đất ở các vùng biên giới cần được quản lý tốt để góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống cho người dân còn nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Đó là lý do Nhà nước cần nắm tỷ lệ cổ phần chi phối hậu cổ phần hóa, cũng như trước mắt chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.

 Ông Đặng Quyết Tiến

Tuy lượng cổ phần đưa ra IPO được mua thấp, nhưng với mục tiêu là chuyển tập đoàn này sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì kết quả IPO là tạm chấp nhận được. Trên cơ sở kết quả IPO, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước cần khẩn trương thúc đẩy Tập đoàn hoàn tất thủ tục để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, để khi điều kiện thuận lợi Nhà nước sẽ “cổ phần hóa lần hai” thông qua thoái vốn.

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 về phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, trong năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa tới 64 doanh nghiệp. Kế hoạch này tới nay có thay đổi gì không?

Cho đến thời điểm này, do các bộ, các địa phương không đề xuất thay đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, nên năm nay kế hoạch cổ phần hóa vẫn giữ nguyên là 64 doanh nghiệp.

Nếu tính cả 21 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hoá theo kế hoạch năm 2017 chuyển sang thì sẽ danh sách này sẽ gồm 85 doanh nghiệp.

Trong số 85 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm nay, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Tổng công ty Phát điện 1 và 2; Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn… Với giá trị tài sản lớn, cơ cấu phức tạp, việc hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp này trong năm 2018 có khả thi?

Nếu các doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định hàng năm rà soát tài chính, đánh giá tài sản, trong đó có tài sản là đất đai, thường mất nhiều thời gian khi xác định giá trị doanh nghiệp; trích lập dự phòng rủi ro; minh bạch thông tin…, thì các bước tiến hành cổ phần hóa được rút ngắn nhiều.

Mặc dù các doanh nghiệp đã có thời gian đáng kể để tiến hành các bước chuẩn bị cổ phần hóa (bởi kể từ thời điểm các doanh nghiệp này được đưa vào danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 991/TTg-ĐMDN đến nay đã là gần 9 tháng), song như đã đề cập các bộ, ngành, địa phương chủ quản đến nay không đề xuất thay đổi kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp trên, nên phải rất quyết liệt mới có thể đạt mục tiêu kế hoạch năm nay.

Ở vai trò là tư lệnh cổ phần hóa được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đang làm gì để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa nặng nề trong năm nay do lượng doanh nghiệp cổ phần hóa nhiều, quy mô lớn?

Bám sát phương châm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm nay là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, với chức trách được giao, điểm mới trong triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa năm nay là Bộ Tài chính đang tập trung đôn đốc, giám sát tiến độ cổ phần hóa ở các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, để vừa kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh, vừa chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các cá nhân liên quan nếu để xảy ra cổ phần hóa chậm, trên cơ sở đó kiến nghị giải pháp xử lý nghiêm lên Thủ tướng Chính phủ.

Do việc siết kỷ cương trong tổ chức triển khai cổ phần hóa đang được tăng cường, nên năm nay sẽ tạo ra chuyển biến tích cực, rõ nét trong thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, qua đó sẽ góp phần đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm nay.

Được biết, tại cuộc họp của Đoàn giám sát của Quốc hội về giám sát cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 với Chính phủ mới đây, có ý kiến đề xuất cần ban hành luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, có cần thiết ban hành luật này?

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp (năm 2014) đã quy định những nguyên tắc rõ ràng về cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước theo nhiều hình thức, trong đó có cổ phần hóa.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa đã cơ bản hoàn thiện, giúp giải tỏa nhiều bất cập trong thực tế, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020.

Hơn nữa, thời gian xây dựng một luật phải mất nhiều năm, trong khi số lượng doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa đang ngày một giảm nhanh. Cụ thể, theo danh mục doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020, năm 2019 chỉ phải cổ phần hóa 18 doanh nghiệp, năm 2020 chỉ còn 1 doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Bởi vậy, việc xây dựng một luật riêng về cổ phần hóa là không cần thiết.

Tin bài liên quan