CPH còn hình thức, nên phần nào thành công về chiều rộng, chưa đạt yêu cầu về chiều sâu

CPH còn hình thức, nên phần nào thành công về chiều rộng, chưa đạt yêu cầu về chiều sâu

Cổ phần hóa đang gặp trở ngại lớn

(ĐTCK) Theo một kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, tiến trình cổ phần hóa (CPH) DNNN của Việt Nam đang rơi vào chậm trễ do “chạm” đến các DN lớn, với nhiều khoản nợ thiếu rõ ràng, quản trị DN kém minh bạch… Điều này khiến NĐT nản lòng.

CPH còn hình thức

Kết quả nghiên cứu về cải cách DNNN tại Việt Nam do ADB phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện, vừa được ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, công bố tại Hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công năm 2015, do Bộ Tài chính tổ chức.

Theo đó, giai đoạn 2003 - 2009, Việt Nam CPH được 2.389 DN, nhưng từ năm 2009 - 2013 chỉ CPH được 69 DN. Năm 2015, trong số gần 300 DN phải CPH xong như mục tiêu đề ra, thì 6 tháng đầu năm mới CPH được 61 DN.

“Những con số trên cho thấy, CPH đang diễn ra chậm và ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là tiến trình CPH bắt đầu đụng chạm đến các DNNN lớn, có nhiều khoản nợ không rõ ràng, gây khó cho xác định giá trị DN; quản trị yếu kém; hoạt động thiếu minh bạch, nên làm nản lòng NĐT…”, ông Aaron Batten nói và lý giải thêm, sở dĩ những năm trước đây CPH diễn ra nhanh vì đa phần đó là các DN nhỏ, tỷ lệ cổ phần Nhà nước bán ra bên ngoài rất thấp.

Nói cách khác, vì CPH còn hình thức, nên phần nào thành công về chiều rộng, chứ chưa đạt yêu cầu về chiều sâu. Hệ quả là sau CPH, NĐT tư nhân trong và ngoài nước gần như không có tiếng nói gì tại DN. Họ lại càng ít quyền trong thúc đẩy tái cấu trúc công ty để trở thành những DN có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Một hệ quả nữa là sau CPH, các DN khó thu hút NĐT chiến lược.

Theo đại diện ADB, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khác khiến việc triển khai CPH chậm là do quy trình, thủ tục ra quyết định CPH quá kéo dài. Theo tính toán, thời gian hoàn tất CPH một DN trung bình mất 17 tháng. Lãnh đạo nhiều DN thiếu năng lực trong tổ chức triển khai CPH, cũng là lý do khiến CPH đang diễn ra chậm.

Để khắc phục những hạn chế trên, qua đó tạo sự thay đổi về chất trong tiến trình CPH vốn đang đi vào giai đoạn nhiều thách thức, các chuyên gia quốc tế đến từ WB, ADB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… khuyến nghị, cùng với CPH theo chiều rộng (đẩy nhanh tiến độ), Việt Nam cần đặc biệt chú ý cải thiện chất lượng CPH theo chiều sâu, tránh CPH theo kiểu “đổi tên”.

Muốn vậy, tỷ lệ cổ phần Nhà nước bán ra bên ngoài cần gia tăng mạnh so với thời gian qua, để cổ đông ngoài Nhà nước thực sự có tiếng nói tại DN. Như vậy mới thúc đẩy DN triển khai các cải cách để hoạt động hiệu quả hơn. Cần có chính sách mạnh mẽ trong thu hút NĐT nước ngoài tham gia vào quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN khi tiến hành CPH. 

“Chính phủ sẽ yêu cầu kiểm điểm các DN chậm CPH…”

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định với các chuyên gia quốc tế như vậy. Ngoài 61 DN đã CPH trong 6 tháng đầu năm nay, theo kế hoạch, trong quý III/2015 sẽ hoàn thành CPH 44 DN. Riêng với 57 DN chưa triển khai CPH, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 sắp diễn ra, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành kiểm điểm các DN này, đồng thời sẽ đưa ra biện pháp chấn chỉnh.

“Trước đây, việc đôn đốc CPH có phần lúng túng, nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm nay, nội dung này được kiểm điểm định kỳ hàng tháng tại các phiên họp của Chính phủ và hàng quý tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp…”, ông Tiến nói và cho biết thêm, điều này sẽ đảm bảo cho hoàn thành kế hoạch CPH 289 DN đề ra cho năm nay, cũng như thực hiện thành công mục tiêu mà Chính phủ đề ra là đến năm 2020 còn khoảng 200 DNNN.

Giải đáp quan ngại của ADB rằng tỷ lệ cổ phần Nhà nước bán ra bên ngoài quá ít đang khiến cho quá trình CPH diễn ra thiếu thực chất, không tạo động lực cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia quá trình này, ông Tiến cho hay, chính sách khắc phục tình trạng này đã và sắp được ban hành.

Khi cơ chế nới room cho NĐT nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, sẽ tạo động lực kích thích gia tăng sức cầu trên thị trường. Khi đó, Nhà nước sẵn sàng gia tăng tỷ lệ cổ phần chào bán cho các cổ đông bên ngoài, mặc dù hiện rất muốn làm việc này, nhưng do sức hấp thụ của thị trường hạn chế nên khó triển khai.

Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cũng đang được khẩn trương sửa đổi theo hướng, với những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, sẽ bán 100% cổ phần cho các cổ đông bên ngoài.

Cùng với đó, cơ chế bán cổ phần theo lô cũng sắp được ban hành, tạo thuận lợi tối đa cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư vào các DNNN CPH để nắm quyền sở hữu, quyết định phương án tái cơ cấu DN hậu CPH, góp phần đẩy sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn.

Để hỗ trợ NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài thuận lợi hơn trong nắm bắt thông tin trước khi tham gia các đợt IPO DNNN, ông Tiến cho biết, việc thúc đẩy minh bạch thông tin đang được chú trọng, nhất là trong giai đoạn IPO.

“Cách thức xúc tiến đầu tư vào các DNNN CPH theo hình thức Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư như tổ chức tại Nhật Bản, mới đây là tại Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường. Bộ sẽ giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động lên chương trình xúc tiến đầu tư theo hình thức này, nhằm cung cấp cho giới đầu tư nước ngoài các thông tin đầy đủ và tin cậy, từ đó thu hút họ tham gia vào các đợt IPO thời gian tới…”, ông Tiến cho hay.           

CPH cần thay đổi về chất

Cổ phần hóa đang gặp trở ngại lớn ảnh 1

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam
 

Cải cách DNNN nói chung, CPH nói riêng rất quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần là thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực trong các khu vực kinh tế, mà quan trọng hơn là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không nên vì thế mà quá chạy theo số lượng các DN được CPH như thời gian qua, mà cần chú trọng hơn đến thay đổi về chất CPH.

Để việc CPH đi vào thực chất hơn cần thay đổi tư duy theo hướng, với những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, cần gia tăng tối đa tỷ lệ cổ phần chào bán cho khu vực tư nhân, để thực sự tạo ra các bước cải cách về quản trị, minh bạch thông tin, đổi mới công nghệ…, qua đó giúp DN cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Để thu hút mạnh mẽ khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các đợt IPO, điều quan trọng nhất là cần minh bạch thông tin về DN trước và sau IPO. Các thắc mắc của giới đầu tư cần được DN giải trình kịp thời, có trách nhiệm và tin cậy.

Nên mở rộng danh mục DN Nhà nước bán 100% vốn

Cổ phần hóa đang gặp trở ngại lớn ảnh 2

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam
 

Khi NĐT bỏ tiền, nhất là đầu tư giá trị lớn vào DN IPO, thì họ có nhu cầu tham gia quản trị DN, để giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn đầu tư. Nhu cầu này đang khó được đáp ứng do tỷ lệ cổ phần mà cổ đông Nhà nước bán ra bên ngoài, nhất là ở các DN có hiệu quả kinh doanh cao, hiện rất thấp.

Do đó, để cải thiện mức độ hấp dẫn cho các đợt IPO, kích dòng vốn tư nhân, trong đó có dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình CPH, Việt Nam cần xác định rõ ràng và chi tiết hơn danh mục ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần. Trên cơ sở đó mở rộng diện các DN được bán đến 100% cổ phần ra công chúng. Một khi tín hiệu này được phát đi rõ ràng, giới đầu tư sẽ nhận diện được cơ hội làm chủ DN hậu CPH, qua đó sẽ kích thích họ tham gia quá trình CPH.

Cần làm rõ vai trò của NĐT chiến lược

Cổ phần hóa đang gặp trở ngại lớn ảnh 3

Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam
 

Để thu hút NĐT, nhất là NĐT nước ngoài tham gia các đợt IPO, ban chỉ đạo CPH ở các DN cần làm rõ vai trò của NĐT chiến lược tại DN là như thế nào. Họ được mua cổ phần với tỷ lệ tối đa là bao nhiêu, có được tham gia HĐQT, ban điều hành không… Nếu có thì điều này phải được thể hiện tại điều lệ công ty, để tạo sự tin cậy với giới đầu tư, qua đó thu hút họ trở thành cổ đông chiến lược của DN.

Kinh nghiệm cho thấy, vai trò của cổ đông chiến lược tại các DN Việt Nam cần tiếp cận tối đa theo thông lệ quốc tế mới hấp dẫn họ tham gia đầu tư vào DN, nếu Việt Nam vẫn “một mình một chợ” sẽ khó thu hút họ bỏ tiền đầu tư vào DN.

Tin bài liên quan