Cơ hội với cổ phiếu ngành khai thác đá

Cơ hội với cổ phiếu ngành khai thác đá

(ĐTCK) Sử dụng công cụ mua bán - sáp nhập (M&A) để sở hữu các mỏ đá có trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài đang được các doanh nghiệp lớn trong ngành tích cực thực hiện.

Nhu cầu cao, nguồn cung hạn chế

Nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tại các tỉnh Đông Nam Bộ dự báo tiếp tục tăng cao, trong khi các mỏ đá đang khai thác gần như cạn kiệt, hoặc gần hết thời hạn khai thác và chủ trương của cơ quan chức năng là hạn chế cấp giấy phép mới, nhiều địa phương thậm chí không cho phép tăng công suất để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo này.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực khai thác đá, nhà đầu tư muốn khai thác một mỏ đá mới thì phải bỏ ra chi phí rất cao. Nếu khảo sát tốt, lựa chọn được cụm mỏ có vị trí đẹp, tầng phủ chỉ khoảng 5 m thì xem như thuận lợi, ngược lại, có những khu vực như cụm mỏ đá Tân Cang, phải bóc hết 25 m đất mới có đá.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, đơn vị khai thác phải có bãi thải để đổ thải. Với tầng phủ 25 m, doanh nghiệp cần ít nhất 5 ha đất để đổ phần đất đào lên, dẫn đến tốn kém chi phí và tốn kém thời gian (mất vài năm mới bóc xong).

Do đó, nhiều doanh nghiệp có quan điểm, chi tiền để mua mỏ đá hiện hữu và đầu tư máy móc, thiết bị khai thác sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để làm được, doanh nghiệp vừa phải có kinh nghiệm, năng lực, vừa có nguồn lực tài chính tốt.

Bởi lẽ, không chỉ mua mỏ đá, mà doanh nghiệp còn phải có tối thiểu 5 ha đất ngoài để làm bãi chế biến, rồi mua thêm đất để làm đường vận chuyển vì không được phép vận chuyển qua đường dân sinh… và còn hàng tá vấn đề khác mà doanh nghiệp phải thu xếp ổn thỏa mới có thể hiện thực hóa “giấy phép” để đi vào khai thác.

Các hoạt động này, thường phải mất 6 tháng mới có thể đưa mỏ đi vào khai thác.

Ngoài ra, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) cho biết, vẫn còn nhiều mỏ nhưng không phải mỏ nào cũng được mua, bởi yếu tố thị trường rất quan trọng.

Chẳng hạn, ở Ninh Thuận, Bình Thuận, mua một mỏ quy mô 30 ha cần chi ra tối thiểu 70 - 80 tỷ đồng, rồi còn phải đầu tư các khoản như trên, mà nếu chỉ bán cho vài khách hàng “loanh quanh” thì không đủ khấu hao. Còn tiêu thụ tại thị trường có nhu cầu cao nhưng xa hơn như Đông Nam Bộ thì bài toán chi phí vận chuyển là khó giải.

Tại Thái Lan, mỏ đá cách khu vực tiêu thụ khoảng 200 km là bình thường, nhưng ở Việt Nam thì không thể, bởi đơn giá của Thái Lan quy đổi ra VND chỉ 1.300 đồng/m3/km, còn Việt Nam lên tới 2.700 đồng/m3/km. Đó là chưa kể quy định tải trọng tại Việt Nam không quá 25 tấn/xe, còn ở Thái Lan có thể chở đến 40 tấn/xe.

Thực tế cho thấy, việc lựa chọn mỏ đá đáp ứng đủ tiêu chí về trữ lượng, chất lượng và thời hạn khai thác dài, nhưng đi kèm với vị trí gần khu vực tiêu thụ Đông Nam Bộ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. 

KSB và C32: Hai doanh nghiệp đáng chú ý

KSB và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2 (C32) là 2 doanh nghiệp cùng khai thác tại mỏ đá Tân Đông Hiệp - mỏ đá có trữ lượng lớn, chất lượng cao và vị trí thuận tiện, đã có được giấy phép khai thác đến độ sâu cote -150 m, với thời hạn khai thác là 31/12/2019.

Tân Đông Hiệp là mỏ đá mang lại doanh thu, lợi nhuận chính cho cả KSB và C32. Đơn cử, năm 2017, mỏ đá này đóng góp đến 50% tổng doanh thu và 40% tổng lợi nhuận cho KSB. Do vậy, việc gia hạn mỏ đá giúp các doanh nghiệp có thể đảm bảo được sản lượng và duy trì kết quả kinh doanh mảng đá xây dựng ít nhất cho đến hết năm 2019.

Đối với KSB, Công ty còn lên kế hoạch mua lại nhiều mỏ đá ở các khu vực trọng điểm, đồng thời tăng cường công suất khai thác cũng như độ sau khai thác ở mỏ đá Phước Vĩnh và Tân Mỹ, nhằm bù đắp dần sản lượng khai thác khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cuối tuần qua, ông Phan Tấn Đạt chia sẻ, mỏ đá Phước Vĩnh theo quy hoạch đã được phê duyệt là được khai thác đến độ sâu -70 m nhưng hiện Công ty mới khai thác ở cote -20 m, công suất trung bình 1,2 triệu m3/năm.

Trong vài năm tới, KSB sẽ xin khai thác xuống độ sâu -70 m. Còn mỏ đá ở Tân Mỹ mới được khai thác. Trong quy hoạch, khu vực này được cho phép cote -100 m, KSB đang được cấp phép -70 m, công suất 1,5 triệu m3/năm, thời hạn đến 28/8/2029.

Các mỏ đá mới được KSB mua lại vào đầu năm 2018 là Bãi Giang tại Nghệ An và Gò Trường tại Thanh Hóa. Trong đó, mỏ đá Bãi Giang có cường độ cũng như chất lượng đá tốt, nhắm đến các trạm trộn trong phạm vi bán kính 27 km - khu vực vốn hiếm mỏ đá. Trữ lượng của mỏ là 4,46 triệu m3, tương đương 6,7 triệu tấn đá, thời gian khai thác đến 16/8/2023, công suất 150.000 m3/năm.

Với mỏ Gò Trường, nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, chất lượng được xem là cao nhất ở cụm mỏ đá Tân Trường.

Ngoài cung cấp đá xây dựng, KSB còn có thể khai thác những khối đá có độ nguyên khối cao để làm đá xẻ, có giá trị kinh tế cao hơn và chất lượng đá từ mỏ đá vôi trắng đã được Formosa và Hòa Phát chấp nhận sử dụng làm đá nung trong luyện thép. Cả hai mỏ đá này sẽ đóng góp doanh thu, lợi nhuận từ năm 2019.

Đáng chú ý, KSB mới đây đã mua lại mỏ đá Thiện Tân có chất lượng và cường độ đá chỉ sau mỏ Tân Đông Hiệp, vị trí thuận lợi, trữ lượng 5,3 triệu m3, tương đương khoảng 1,7 triệu tấn đá, độ sâu khai thác -80 m, công suất 280.000 m3 và thời hạn đến năm 2035.

Ông Đạt cho biết, trong tháng 7, mỏ Thiện Tân đóng góp doanh thu 7 tỷ đồng, tháng 8 là 8 tỷ đồng và biên lợi nhuận của mỏ này khoảng 35% trên doanh thu.

Theo kế hoạch, KSB sẽ tiếp tục thăm dò, khai thác mỏ đá Tam Lập và mở rộng thêm khoảng 30 ha để thông luôn qua mỏ Phước Vĩnh. Ở khu vực Đồng Nai, Công ty cũng đang rà soát, đánh giá lại các mỏ đá thuộc khu vực Tân Cang.

Tương tự, C32 cũng có kế hoạch M&A các doanh nghiệp đang sở hữu các mỏ đá tiềm năng. Hiện Công ty sở hữu khoảng 28,9% vốn tại Công ty cổ phần Miền Đông (MDG).

Mục tiêu của C32 là nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 49% tại MDG, bởi doanh nghiệp này sở hữu quyền khai thác mỏ đá Tân Mỹ với diện tích 40 ha tại Bình Dương.

Nếu thành công, C32 có thể mở rộng sản lượng hàng năm và qua đó tạo động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh. Ngoài ra, C32 đang sở hữu gần 8% vốn tại Công ty cổ phần Đá Hóa An (DHA).

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, việc nâng sở hữu tại DHA của C32 đang gặp khó khăn, vì giá cổ phiếu tăng cao và không chỉ có C32 muốn mua lại cổ phần của DHA.

Hiện DHA sở hữu 3 mỏ đá (Núi Gió, Tân Cang 3, Thanh Phú 2) có vị trí thuận lợi, thời hạn khai thác dài, đặc biệt là mỏ Tân Cang 3 có vị trí thuận lợi nhất để cung cấp cho Dự án Sân bay Long Thành, thay thế cho hai mỏ Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ.

Trong đó, mỏ Núi Gió, DHA đang xin chuyển đổi trữ lượng nâng công suất khai thác từ 200.000 m3/năm lên 300.000 m3/năm. Với mỏ Tân Cang 3, Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ bóc đất phủ để kịp thời cung ứng đá nguyên liệu cho sản xuất.

Còn mỏ Thanh Phú 2, nhờ thuận lợi về vị trí, điều kiện khai thác, sản xuất và tiêu thụ, nên đây là mỏ chủ lực của Công ty.

Do nhu cầu về đá xây dựng tăng cao, đặc biệt để đón đầu các dự án trọng điểm như Sân bay Long Thành, Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, mở rộng Quốc lộ 20 lên Đà Lạt…, nên Công ty cổ phần Cường Thuận IDICO (CTI) - doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án BOT, BT ở Đồng Nai có kế hoạch đẩy mạnh mảng đá xây dựng từ năm 2017.

Hiện CTI sở hữu 4 mỏ đá Xuân Hòa, Tân Cang 8, Đồi Chùa 3 và Thiện Tân, với trữ lượng khai thác hàng năm có thể đạt 320.000 tấn. Hiện nay, các mỏ đều hoạt động ổn định, cho sản phẩm với chất lượng tốt và sản lượng tăng ổn định.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, Công ty sẽ đầu tư thêm các thiết bị máy xay, thiết bị khai thác mới và hiện đại để nâng cao năng suất khai thác, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tin bài liên quan