Cơ hội và thách thức cho các DN CNTT VN thâm nhập thị trường EU

Mặc dù thị hiếu công nghệ thông tin tại EU rất lớn nhưng doanh nghiệp thuộc các nước ngoài EU khó có cơ hội xuất khẩu sản phẩm vào khu vực này, do chi phí tiếp thị và sản phẩm khu vực chưa có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, EU cũng đã chuyển hướng tìm nguồn gia công tại các nước đang phát triển để cắt giảm chi phí và tận dụng nguồn lao động có kỹ thuật.

Các doanh nghiệp thuộc ngành này của Việt Nam hiện chỉ có thể gia công một phần sản phẩm cho các công ty thuộc các nước phát triển. Làm thế nào để chen chân vào các thị trường gia công phần mềm cho các nước thuộc EU, vốn đang là thị trường của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga?

 

Yêu cầu của thị trường EU

Theo đánh giá của hai chuyên gia nghiên cứu thị trường là Gartner và For-Resterch, thị trường gia công phần mềm của EU từ những nước ngoài khối đã tăng 50% trong năm 2006 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo, ước đạt 145 tỷ EUR vào năm 2010. Trong đó Anh Quốc là thị trường gia công phần mềm lớn nhất khu vực EU, tiếp theo là Hà Lan, Thuỵ Điển.

Khi gia nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như: ISO, CMMI. Thuế nhập khẩu dịch vụ phần mềm và công nghệ thông tin vào EU bằng 0. Tuy nhiên, cũng có một số nguy cơ đến từ Đức và Pháp khi người dân tại đây đang dần sợ mất việc làm trong ngành CNTT.

Các khách hàng EU thông thường đánh giá lựa chọn các công ty gia công dựa trên một số tiêu chí sau: chi phí gia công, thông tin tham khảo (kinh nghiệm làm việc với các công ty tại EU), năng lực quản lý, khả năng công tác lâu dài, tính lâu dài, tính linh hoạt, khả năng tăng năng suất, tiếp cận nguồn nhân lực có trình độ cao, kinh nghiệm chuyên biệt, khả năng giao tiếp và ngoại ngữ cũng như chính sách bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ và bảo mật an ninh dự liệu.

 

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam ?

Ông Onno Roukens, chuyên gia CNTT của Tổ chức Xúc tiến Nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển (CBI) của Hà Lan, đã dẫn số liệu của Atkearney năm 2007 cho biết: “Theo chỉ số đánh giá về các thị trường gia công trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 17 trong danh sách 25 nước. Kết quả này dựa trên 3 tiêu chí về cơ sở hạ tầng, chi phí gia công và trình độ nguồn nhân lực. Đây là một kết quả đáng mừng cho Việt Nam khi cách đây vài năm, Việt Nam đã không hề có trong danh sách đánh giá này”.

Cũng theo ông Onno Roukens, ưu thế của Việt Nam so với các nước khác chính là khả năng cạnh tranh về chi phí. Tại châu Âu, đứng đầu vẫn là Ấn Độ, kế đến Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, rồi đến Việt Nam, Pakistan…

Một chuyên gia khác của CBI, ông Alfons Van Duijven Bode, khi đề cập đến vai trò của chính phủ cũng đã nêu rõ: Chính phủ Việt Nam cần phải đẩy mạnh tiếp thị hình ảnh đất nước như là điểm đến gia công dịch vụ phần mềm và CNTT. Ông dẫn ra trường hợp Ấn Độ đã tiếp thị thành công toàn bộ công nghiệp phần mềm của mình ra thế giới, bằng cách cung cấp các ấn phẩm về CNTT miễn phí ra nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng gợi ý Chính phủ Việt Nam nên có kế hoạch tổ chức và xây dựng chiến lược đồng bộ cho ngành CNTT dựa trên lợi thế so sánh của quốc gia.

Đặc biệt, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này thì doanh nghiệp Việt Nam không nên tự giới thiệu tất cả các dịch vụ của mình với khách hàng, chỉ nên lựa chọn một vài dịch vụ mà mình có lợi thế nhất để gia công, kết hợp với tìm hiểu thị trường và xác định thị trường trọng điểm. Ngoài ra, doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu khách hàng nơi nhận gia công, xem rõ họ chú trọng vào lĩnh vực nào: dịch vụ cộng thêm, chất lượng sản phẩm hay chi phí... Khi có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên xác định cách tiếp thị cho phù hợp, cần tập trung vào thị trường mục tiêu, chọn kênh phân phối phù hợp… Và điều quan trọng là ban quản trị doanh nghiệp phải thể hiện rõ quyết tâm cao nhất mới mong chinh phục được thị trường khó tính này.

Các DN cũng phải chú trọng đầu tư xây dựng trang web có chất lượng tốt. Bởi lẽ, khách hàng EU thường kiểm tra các DN nước ngoài thông qua trang web. Theo đó, một trang web có chất lượng chỉ nên tập trung giới thiệu các dịch vụ tốt nhất mà DN cung cấp, nên thể hiện lợi thế so sánh với các DN khác, giới thiệu danh sách các khách hàng nước ngoài mà mình đã từng gia công.

Một lời khuyên nữa cho các DN là nên tham gia các hội chợ chuyên ngành về CNTT tại châu Âu (Cebit) để quảng bá hình ảnh công ty cũng như tìm hiểu thông tin về những đối thủ cạnh tranh trong ngành mà mình có thể phải đối mặt.