Cơ hội thị trường dịch vụ ngân hàng đầu tư vô cùng lớn

Cơ hội thị trường dịch vụ ngân hàng đầu tư vô cùng lớn

(ĐTCK) Dưới góc nhìn của bà Hoàng Hải Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, với chương trình tái cấu trúc, cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, chương trình phát triển khởi nghiệp được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, thị trường dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) của khối công ty chứng khoán đứng trước những cơ hội rất lớn. 

Bà từng chia sẻ cơ hội thị trường IB vô cùng rộng lớn, nhưng thực tế, ở hầu hết các công ty chứng khoán, mảng dịch vụ môi giới và đi cùng với đó là cho vay ký quỹ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận. Vì sao các công ty chứng khoán chưa tận dụng được cơ hội to lớn này từ thị trường?

Sau gần chục năm theo đuổi và phát triển nghề này, tôi nhận thấy có 2 vấn đề là rào cản khá lớn cho việc phát triển dịch vụ IB. Đó là trình độ của đội ngũ hành nghề còn ở giai đoạn sơ khai, trong khi nghề IB yêu cầu rất cao về nhân sự, cả về mặt kinh nghiệm lẫn khả năng kết nối mạng lưới.

Thêm vào đó, thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính của các doanh nghiệp trong nước cũng chưa cao, dẫn đến thực tế tại Việt Nam vẫn chưa hình thành một mô hình IB độc lập, với đầy đủ chức năng của nó. Trong khi đó, lại có khá nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực IB thế giới đang hoạt động ở thị trường Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn, ít nhất là về tiềm năng để phát triển nghiệp vụ này.

Trong hai vấn đề rào cản mà tôi đã nêu ở trên, rào cản thứ nhất là đội ngũ hành nghề IB chưa đạt được trình độ cao một phần xuất phát từ cách hiểu chưa đầy đủ về nghiệp vụ này. Rất nhiều công ty chứng khoán coi nghiệp vụ IB chỉ bao gồm các hoạt động tư vấn xây dựng hồ sơ phát hành, niêm yết truyền thống. Với mức độ yêu cầu tư vấn đơn giản như vậy, cùng sự cạnh tranh của gần 100 công ty chứng khoán thì giá trị các hợp đồng tư vấn này “không đủ nuôi quân”.

Trong khi đó, hầu hết các đơn vị tư vấn quốc tế vào Việt Nam đều cần các đơn vị tư vấn nội địa như một điều kiện không thể thiếu để triển khai các thương vụ ở Việt Nam.

Khó khăn thứ hai rất khó gọi tên, nhưng là một rào cản vô cùng lớn. Tôi đã từng chứng kiến một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cuộc đàm phán có giá trị thương vụ gần tỷ USD, trong khi phía đối tác nước ngoài có đầy đủ các nhà tư vấn M&A, tư vấn luật, tư vấn kiểm toán, thì phía Việt Nam lại không sử dụng tư vấn. Cứ đến phần nội dung liên quan đến phòng, ban nào trong doanh nghiệp, đại diện phòng ban đó chịu trách nhiệm trả lời. Thực sự, tôi cảm thấy “khâm phục” họ!

Tôi cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp chịu hậu quả khá nặng nề giai đoạn hậu M&A, bao gồm thâu tóm, chuyển giá hay rơi vào tình trạng bế tắc…

Thời gian tới, với chương trình tái cấu trúc, cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, chương trình phát triển khởi nghiệp được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh thì tôi tin nhu cầu cho các hoạt động IB chắc chắn tăng cao.

Số lượng công ty chứng khoán đã giảm mạnh sau giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc ngành. Bà nhìn nhận thế nào về cơ hội của các công ty chứng khoán trong giai đoạn tới?

Với kết quả của việc triển khai Đề án Tái cấu trúc hệ thống thị trường chứng khoán 2012 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng công ty chứng khoán đã giảm đi đáng kể. Các công ty còn tồn tại tập trung vào nhóm có lợi thế về quy mô vốn lớn, thị phần môi giới ở Top đầu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời gian tới, thay vì áp dụng cơ chế pháp lý, chế tài pháp luật thì nên để cho các công ty chứng khoán tồn tại và hoạt động theo cơ chế cạnh tranh của thị trường. Đi kèm với đó, các công ty chứng khoán buộc phải tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự hành nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Cơ hội thị trường dịch vụ ngân hàng đầu tư vô cùng lớn ảnh 1

Tôi cho rằng, với quy mô vốn hóa thị trường ngày càng lớn, sản phẩm thị trường ngày càng đa dạng, giai đoạn tới sẽ là cơ hội quan trọng để các công ty chứng khoán gia tăng doanh thu các mảng doanh thu môi giới, dịch vụ tư vấn, tài chính… Điều này đòi hỏi các công ty chứng khoán phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về con người, về vốn, công nghệ, quản trị tốt và chiến lược rõ ràng để có thể tồn tại và phát triển được.

Chất lượng của nhân sự trong ngành chứng khoán là yếu tố tác động không nhỏ đến chất lượng dịch vụ trên thị trường chứng khoán. Theo bà, cần có những thay đổi nào để góp sức vào sự phát triển nói chung của thị trường?

Muốn phát triển được thị trường chứng khoán, thị trường tài chính bậc cao, yếu tố then chốt vẫn là trình độ của đội ngũ làm nghề, bao gồm đội ngũ xây dựng hành lang pháp lý, quản lý thị trường và  đội ngũ hành nghề.

Khi tham gia Hiệp hội Chứng khoán Châu Á, có những nghiên cứu khách quan về con người được công bố. Theo đó, người Việt Nam được đánh giá rất cao về trí tuệ và khả năng thích nghi. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, rộng hơn nữa nền kinh tế thị trường hội nhập của Việt Nam cũng mới ở những bước đi đầu, nên tất yếu là nguồn nhân lực cho thị trường chứng khoán còn khá non trẻ. Đây cũng là một trong những điểm trọng yếu trong chương trình hành động mà VASB đặt ra trong thời gian tới.

Theo quan sát của chúng tôi, những người hành nghề chứng khoán ở Việt Nam chủ yếu được qua đào tạo trình độ đại học. Chứng chỉ hành nghề là điều kiện bắt buộc để hành nghề ở Việt Nam. Về lý thuyết, chúng ta chỉ còn thiếu việc tổ chức đào tạo chuyên môn cao cho những chuyên gia cao cấp trong từng lĩnh vực hẹp. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi qua các báo cáo tư vấn đầu tư, báo cáo công bố thông tin, báo cáo tư vấn tài chính doanh nghiệp - là sản phẩm trực tiếp của đội ngũ hành nghề - thì chất lượng của các báo cáo này so với các sản phẩm tương tự trong khu vực còn nhiều hạn chế.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp là những đối tượng mà đội ngũ làm nghề cần đáp ứng yêu cầu chất lượng thì hiện nay gần như không được quan tâm đúng mức trong việc nâng cao trình độ. Cũng chính từ nguyên nhân này mà trong giai đoạn phát triển vừa qua chúng ta đã phải chứng kiến nhiều cổ phiếu “dởm” đem lại lợi nhuận cho một nhóm nhà đầu tư, nhưng cũng để lại hậu quả cho phần lớn các nhà đầu tư khác trên thị trường. Đây cũng là vấn đề được Diễn đàn ASF cùng Hiệp hội Đào tạo của châu Á quan tâm và luôn ưu tiên thời lượng.

Trong khi các nước có thị trường chứng khoán phát triển còn đang bàn đến những chương trình phổ cập kiến thức chứng khoán vào trường cấp 2, thậm chí cho các bà nội trợ thì chúng ta chỉ có một khóa đào tạo cho nhà đầu tư của Trung tâm Đào tạo chứng khoán theo cách nhà đầu tư quan tâm thì đăng ký học.

Vừa qua VASB đã thành lập các câu lạc bộ tập hợp đội ngũ hành nghề như Câu lạc bộ IB, Câu lạc bộ Phân tích, CLB Pháp chế nhằm tạo sân chơi cho những người hành nghề, xóa bỏ giới hạn cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán để người hành nghề có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và liên kết với các hiệp hội hành nghề trong khu vực, để phát triển chuyên môn sâu.

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Việt Nam có một lộ trình kế hoạch đào tạo mở rộng, có cơ chế linh hoạt đưa chứng khoán vào các môn học tại bậc đại học, bao gồm cả lý thuyết và thực hành tại các công ty chứng khoán, kết hợp với việc cấp chứng chỉ với một số trường đại học chuyên ngành.

Ngoài ra, VASB và Trung tâm Đào tạo chứng khoán nên phối hợp để đưa ra các giải pháp để phổ cập kiến thức chứng khoán cho từng đối tượng nhà đầu tư, dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Hiệp hội Đào tạo châu Á và các hiệp hội nghề khác ở các nước trong khu vực.

Tôi tin rằng, khi trình độ của nhà đầu tư được nâng cao, tất yếu đội ngũ hành nghề sẽ phải nâng cao trình độ và thị trường sẽ đạt được mục tiêu minh bạch hơn, ít phải chứng kiến những phản ứng mang tính bầy đàn, hay những giai đoạn tăng giảm chủ yếu bởi yếu tố tâm lý như giai đoạn đã trải qua.

Tin bài liên quan