Cơ hội trên TTCK là có nhưng không đồng đều ở tất cả các cổ phiếu - Ảnh: Hoài Nam

Cơ hội trên TTCK là có nhưng không đồng đều ở tất cả các cổ phiếu - Ảnh: Hoài Nam

Cơ hội không chia đều!

(ĐTCK-online) Hơn một tháng nay, bản tin của nhiều CTCK tư vấn rằng, NĐT trung và dài hạn nên mua vào. Nhưng liệu có bao nhiêu NĐT dài hạn đủ tiền rải ra mua cổ phiếu trong 1 tháng qua, nếu theo đúng những tư vấn trên? Thị trường tiếp tục giảm mạnh trong các phiên đầu tuần, VN-Index phá vỡ ngưỡng 440 điểm từng được kỳ vọng là đáy của năm nay. Vậy đã có tín hiệu nào báo hiệu thị trường sắp đến đáy?

Tín hiệu từ DN

Bất chấp thông tin về việc giá cổ phiếu quá rẻ tính theo chỉ số P/E, thị trường vẫn giảm. Hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản đang ở mức định giá P/E dự kiến 2010 chỉ có 4 lần.

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) sau khi giảm sàn cả phiên ngày 16/11 ở mức 21.500 đồng/CP đã tăng trần vào cuối phiên lên 23.700 đồng/CP. Với tài sản lớn, nợ ngân hàng thấp và ít nhất hai dự án đã bán hàng đang thu tiền nhưng chưa đến kỳ hạch toán với số lợi nhuận dự kiến khoảng 600 tỷ đồng, QCG được đánh giá là rẻ so với tài sản mà tập đoàn này sở hữu.

VST - cổ phiếu của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam đã giảm về dưới mệnh giá, dù trong 10 tháng đầu năm, VST đạt doanh thu 1.657 tỷ đồng, bằng 93,5% kế hoạch, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch. VST còn khoản lợi nhuận 2,8 triệu USD từ bán tàu Phương Đông 2 sẽ được hạch toán vào quý IV, cộng với lợi nhuận của hai tháng cuối năm sau khi trừ đi khoản lỗ do chêch lệch tỷ giá chưa thực hiện (9 tháng đầu năm đã trích chênh lệch tỷ giá là 93,9 tỷ đồng) thì lợi nhuận cả năm nay của VST vẫn đạt được kế hoạch đề ra.

Được biết, theo kế hoạch, VST chia cổ tức năm 2010 ở mức 12%/năm. Như vậy, ở mức giá dưới mệnh giá, NĐT mua cổ phiếu VST được hưởng lợi suất cổ tức tương đương lãi suất ngân hàng cộng với cơ hội đầu tư cổ phiếu của một DN mà giá trị tài sản (chủ yếu là đội tàu) lớn hơn nhiều giá trị trên sổ sách. Ước tính, đến ngày 31/12/2010, giá trị sổ sách của đội tàu VST còn lại sau khấu hao là 148,757 triệu USD, nhưng thực tế thì vào khoảng trên 200 triệu USD. Đồng thời, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo VST cũng đã và đang thực hiện mua vào cổ phiếu.

Các cổ đông nội bộ của SSI cũng đã phát đi tín hiệu tích cực đối với cổ phiếu này bằng việc công bố mua vào của 1 thành viên HĐQT, sau đó đến CTCP Xuyên Thái Bình Dương và mới đây nhất là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT công bố mua 1 triệu cổ phiếu SSI. Theo các NĐT lớn trên thị trường thì cổ phiếu SSI hấp dẫn bởi có danh mục tiền mặt và tương đương tiền khoảng gần 7.000 tỷ đồng. Trừ đi một khoản vay và tiền gửi khách hàng thì tối thiểu tiền mặt cũng tương đương vốn điều lệ, chưa kể giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu của SSI.

 

Tín hiệu vĩ mô

Không ai phủ nhận giá cổ phiếu đã rẻ, nhưng vì bức tranh nền kinh tế còn chưa rõ ràng nên mức giá rẻ của một cổ phiếu ngày hôm nay có thể là đắt nếu DN gặp khó khăn trong một vài tháng tới. Thứ nhất, tác động của tỷ giá biến động, của lãi suất cao sẽ tiếp tục phản ánh vào kết quả lợi nhuận của DN trong quý IV. Theo ghi nhận của phóng viên ĐTCK, chi phí lãi vay của nhiều DN đã tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, dù thời điểm hiện tại, sức khỏe DN không đến nỗi bi đát như giai đoạn khủng hoảng năm 2008, nhưng TTCK không thể kỳ vọng vào một dòng tiền mới đủ mạnh để thay đổi cục diện thị trường, là dòng tiền vốn vay hỗ trợ lãi suất chống suy giảm kinh tế như năm 2008.

Vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam không đáng kể vì các yếu tố nội tại của nền kinh tế là bất ổn vĩ mô, quy mô TTCK nhỏ bé và số DN đủ tiêu chuẩn thu hút đầu tư như VNM, HPG, HAG, FPT… còn rất ít. Vốn đầu tư tư nhân trong nước lại vẫn đang trú ẩn ở nhà đất, vàng, ngoại tệ và mới đây nhất là gửi tiết kiệm.

Nhìn dài hạn hơn là đến năm 2011, theo các chuyên gia, sau giai đoạn tăng trưởng cao, trong đó tăng trưởng dựa nhiều vào tăng đầu tư, đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cao, mục tiêu của kinh tế Việt Nam sẽ là chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. Tức là nền kinh tế, DN phải vận hành trong một môi trường kinh doanh mà cung tiền ra thị trường thấp hơn trước. Nền kinh tế, mỗi DN phải cơ cấu lại hoạt động để tăng năng suất, đầu tư chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ suất lợi nhuận.

TTCK có thể kỳ vọng điều chỉnh tăng trở lại tương ứng với tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%, mục tiêu đặt ra cho năm 2011 và thêm chút hy vọng thị trường sẽ sôi động hơn khi dòng vốn nóng đã tràn đầy ở thị trường khu vực sẽ tìm đến Việt Nam.

Nhưng một sự bùng nổ của thị trường mang tính cơ học do tác động của dòng tiền lớn là vốn nước ngoài, vốn tín dụng lãi suất thấp như các giai đoạn trước đây khó xảy ra. Vì thế, cơ hội trên TTCK là có nhưng không đồng đều ở tất cả các cổ phiếu. Đừng quên rằng, một nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh là chất lượng hàng hóa niêm yết chưa cao, hay nói nôm na là “nhiều hàng lởm” với việc DN phát hành cổ phiếu quá nhiều mà lợi nhuận không thể tăng trưởng bù đắp được mức độ pha loãng giá trị cổ phiếu.