Có hay không việc kéo, xả cổ phiếu HVG?

Có hay không việc kéo, xả cổ phiếu HVG?

(ĐTCK) Cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương tăng vọt từ mức giá 2.800 đồng/cổ phiếu (phiên 1/10/2019) lên 8.990 đồng/cổ phiếu (phiên 6/1/2020) với thanh khoản tăng đột biến, trong đó có nhiều đợt tăng trần liên tiếp không đi kèm với thông tin kết quả kinh doanh khởi sắc. 

Chỉ đến khi gần đây, HVG công bố bán 5 triệu cổ phiếu quỹ và lộ ra thông tin sẽ ký kết hợp tác chiến lược với THADI vào ngày 9/1/2020 thì thị trường mới tạm tìm được lý do để lý giải cho đà tăng này. 

Đợt tăng lần này của HVG là ẩn số với thị trường. Thông tin chính thức duy nhất là việc HVG công bố quyết định bán 5 triệu cổ phiếu quỹ nhằm tăng lượng cổ phiếu lưu hành, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Thời gian giao dịch dự kiến từ 11/12/2019 đến 9/1/2020. Lưu ý rằng, trong giai đoạn tăng giá, khối lượng giao dịch của HVG tăng đột biến, nhiều phiên đến cả triệu đơn vị, trong khi trước đó thì rất ảm đạm.

Khi thông tin trên được công bố, trên nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư mới “vỡ lẽ” dần ra và cho rằng, đây là “lời giải” cho đà tăng giá của cổ phiếu HVG.

Theo báo cáo tài chính gần nhất của HVG, số cổ phiếu quỹ có giá trị ghi sổ 50,96 tỷ đồng, tạm tính bình quân mỗi cổ phiếu quỹ có giá trị ghi sổ nhỉnh hơn 10.000 đồng.

Nhiều luồng thông tin trên thị trường nghiêng về kịch bản, cổ phiếu sẽ được kéo lên trên mệnh giá thì Công ty mới có được thặng dư dương từ bán cổ phiếu quỹ. Bởi nếu tất toán cổ phiếu quỹ với giá thấp hơn, HVG sẽ phải ghi nhận lỗ - một tình huống mà có lẽ không cổ đông nào mong đợi.

Theo dự kiến của HVG, giá bán không thấp hơn 4.000 đồng/cổ phiếu và tuân theo quy chế giao dịch của HOSE.

Như vậy, Công ty dự kiến thu về ít nhất 20 tỷ đồng nếu như bán hết 5 triệu cổ phiếu quỹ tại giá này. Nếu bán ở giá 4.000 đồng/cổ phiếu, HVG mất gần 60% giá trị cổ phiếu quỹ so với giá mua vào.

Nhưng nếu bán được với mức thị giá như hiện nay (tạm tính 8.900 đồng/cổ phiếu) thì HVG có thể thu về 44,5 tỷ đồng.

Rõ ràng, nếu thực hiện được thì Công ty có được khoản tiền không nhỏ, dù tính trên giá vốn vẫn lỗ.

Những nhà đầu tư lão luyện cho rằng, động lực tăng thị giá HVG nếu chỉ nhờ tin bán cổ phiếu quỹ thì không chuẩn, vì đà tăng khó có thể kéo dài.

Thực tế, tình hình kinh doanh của HVG rất bết bát, cần một cú gột rửa mạnh mới mong thay đổi hiện trạng này.

Ngay cả khi có thu về 40 - 50 tỷ đồng từ bán cổ phiếu quỹ thì cũng không thấm tháp vào đâu trong câu chuyện vực dậy HVG.

Một lý do khác được bàn thảo rằng, có nhóm cổ đông muốn tận dụng thông tin bán cổ phiếu quỹ của HVG để kéo giá cổ phiếu, kích thích lòng tham của các nhà đầu tư khác, rồi từ đó xả hàng dần ra thị trường.

Đầu tuần này, truyền thông rộ lên thông tin HVG sẽ ký kết chiến lược cùng với Công ty Sản xuất Chế biến và Phân phối nông nghiệp THADI vào ngày 9/1/2020.

Nội dung chi tiết chưa được công bố, nhưng lãnh đạo HVG cho biết, sẽ hợp tác đầu tư ở mảng chăn nuôi của HVG.

THADI là công ty con do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), thành lập vào tháng 3/2019, với vốn điều lệ 900 tỷ đồng. Trong đó, THACO nắm 70%, ông Trần Bá Dương nắm 19% và ông Đỗ Xuân Diện nắm 11%.

Cuối tháng 12/2019, THADI thực hiện tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.

Đây là thông tin có “sức nặng”, có tính thuyết phục hơn cho đà tăng của cổ phiếu HVG.

Có hay không việc kéo, xả cổ phiếu HVG? ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu HVG trong 6 tháng qua.

Trong giả thuyết này, những nhà đầu tư “ăn” trọn sóng tăng vừa qua quả là thắng đậm trong bối cảnh không ít nhà đầu tư đại chúng đã rơi rụng khỏi HVG sau nhiều đợt tăng sốc, giảm sâu trước đó.

Vấn đề đặt ra là, sự tài tình của những người “ăn” theo sóng tăng là nhờ đâu?

Nếu chỉ dựa vào phân tích kỹ thuật và tình hình kinh doanh của HVG thì không có lý do gì để cổ phiếu tăng giá hơn 3 lần trong chưa đầy 3 tháng.

Còn nếu dựa vào “nguồn tin” tích cực - thì nguồn tin đó ở đâu, những ai được biết trước khi mà nội dung hợp tác đến giờ phút này vẫn còn bảo mật?

Không phải lần đầu tiên giá HVG tăng phi lý như vậy trong suốt thời kỳ dài Công ty chìm trong nợ nần và thua lỗ.

Năm 2018, mã HVG cũng tăng từ mức giá dưới 3.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 9.000 đồng/cổ phiếu, để rồi sau đó nhà đầu tư bẽ bàng ôm trái đắng khi Công ty công bố báo cáo tiêu cực, thậm chí báo sau kiểm toán lỗ thêm vài trăm tỷ đồng.

Gần nhất là trong đợt Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả cuối cùng của kỳ xem xét thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam, cổ phiếu HVG cũng "lau sàn" khi nội dung công bố trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của Ban lãnh đạo HVG.

Điểm mạnh của HVG, như thông tin do doanh nghiệp công bố, là đang có trong tay diện tích vùng nuôi cá 713 ha, trại chăn nuôi lợn hơn 500.000 con/năm, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công suất 1,5 triệu tấn/năm, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi 600.000 tấn/năm, hệ thống các kho thức ăn chăn nuôi diện tích 80.000 m2, các nhà máy chế biến tôm (7.000 tấn/năm), cá (400.000 tấn/năm)… 

Kết thúc năm tài chính 2019 (30/9/2019), HVG có lỗ lũy kế 892 tỷ đồng. Tổng tài sản hơn 8.777 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên đến 7.214 tỷ đồng, tương đương 82% tổng tài sản.

Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với hơn 2.000 tỷ đồng nợ cho vay ngắn và dài hạn, tương đương 67% tổng nợ vay ngân hàng của HVG.

Diễn biến tăng giá cổ phiếu HVG trên nền thông tin ít ỏi như trên khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Có hay không có một nhóm người biết tin sớm đã “kéo, xả” cổ phiếu HVG, tạo nên hiện tượng tăng dựng đứng để trục lợi?

Tin bài liên quan