Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ngày 10/8/2017

Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ngày 10/8/2017

Có gần 2.000 tài khoản mở giao dịch chứng khoán phái sinh trong 1 ngày

(ĐTCK) 2 phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã có 615 giao dịch mua bán thành công. Thực tế này cho thấy, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến sản phẩm mới của thị trường.

Cả 4 mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 được niêm yết là VN30F1708, VN30F1709, VN30F1712, VN30F1803 đều có giao dịch khá sôi động trong 2 phiên giao dịch đầu tiên.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong phiên giao dịch đầu tiên có 1.161 lệnh của nhà đầu tư được đưa vào hệ thống, 392 giao dịch đã được thực hiện. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 487 hợp đồng, với giá trị giao dịch tương ứng theo quy mô hợp đồng 36,51 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 11/8, giá các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 ở mức 745-760 điểm, cao hơn so với mức 744,99 của chỉ số VN30. Điều này thể hiện kỳ vọng vào sự tăng giá của nhà đầu tư trong thời gian tới.

Về lý thuyết, biến động giá sản phẩm trên thị trường phái sinh, ở đây là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, sẽ chịu tác động từ diễn biến của chỉ số này trên sàn cơ sở. Theo ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), giá của hợp đồng tương lai giao dịch trong ngày đầu tiên giảm mạnh một phần là vì chịu tác động của  phiên sụt giảm của chỉ số VN30 trong ngày trước đó, bên cạnh đó là do giá tham chiếu của hợp đồng ở mức khá cao (758 điểm).

Biến động của các hợp đồng tương lại VN30 trong phiên giao dịch đầu tiên cho thấy kỳ vọng ngắn hạn trong vòng 1 tháng thiên về chiều đi xuống của VN30-Index. Tuy nhiên, sang phiên giao dịch thứ hai, mức độ biến động đã dần thu hẹp và mức điểm sát hơn với chỉ số cơ sở.

Theo ông Hiển, ở thời điểm hiện tại, khi quy mô thị trường nhỏ và mới ở giai đoạn đầu, thì biến động của giá hợp đồng tương lai ít có ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường cơ sở, mà sẽ chịu ảnh hưởng theo chiều hướng ngược lại.

Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Phát triển sản phẩm phái sinh của VNDIRECT cho rằng, để có lợi nhuận trong thị trường phái sinh, nhà đầu tư nên lựa chọn chiến thuật đầu tư phù hợp với phong cách và phương pháp đầu tư của mình. Với nhà đầu tư ưa rủi ro, thích giao dịch ngắn có thể giao dịch trong ngày hay đóng vị thế trước khi đáo hạn.

So sánh sự tương quan với thị trường chứng khoán phái sinh của các nước trong khu vực, ông Cường nhận định, thị trường phái sinh Việt Nam sẽ biến động tương tự với thị trường phái sinh của Thái Lan.

Nhìn vào giao dịch phái sinh của thị trường Thái Lan cho thấy, số hợp đồng giao dịch bình quân trong năm đầu tiên chỉ là 1.204 hơp đồng, nhưng đã tăng mạnh từ năm thứ hai lên 5.219 giao dịch (tức tăng 333%).

Sau 5 năm, số lượng hợp đồng giao dịch bình quân của thị trường Thái đạt 18.676 giao dịch/ngày, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 73%.

Chiếm hơn 40% thị phần giao dịch chứng khoán phái sinh (tính trong 2 phiên đầu tiên), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, khá nhiều nhà đầu tư “khoái” thị trường này, thể hiện ở sự gia tăng về tài khoản sau 2 ngày mở cửa và tổng số tiền trong tài khoản sẵn sàng cho giao dịch phái sinh tại Công ty đạt 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích, SSI cho biết, dù giao dịch trong hai phiên đầu tiên có phần dè dặt, nhưng sản phẩm mới đang nhận được sự quan tâm rất lớn, bởi tính hấp dẫn riêng có. Hơn nữa, rủi ro khi tham gia TTCK phái sinh ở giai đoạn đầu là thấp, bởi hiện tại, TTCK phái sinh tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn của chỉ số VN30.

Con số cập nhật tài khoản nhà đầu tư từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tính đến hết ngày 11/8, số tài khoản mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đạt gần 3.900 tài khoản, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các phiên giao dịch tới.

Ở góc độ nhà tổ chức vận hành thị trường, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội cho biết, việc ra đời của thị trường phái sinh sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK cũng như thị trường tài chính Việt Nam.

Thị trường mới cũng góp phần tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, vì đây là công cụ phòng ngừa rủi ro, đa dạng danh mục. Với nhà đầu tư, kênh đầu tư mới mẻ này cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và thận trọng để tìm kiếm những cơ hội phù hợp cho mình.

Sản phẩm mới, thị trường mới, cơ chế giao dịch mới là những điểm tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên của chứng khoán phái sinh. Được sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, có thể đóng mở vị thế ngay lập tức và giao dịch mua bán 2 chiều, thị trường phái sinh “mở hàng” suôn sẻ và được kỳ vọng sẽ nhận nhiều hơn dòng tiền đầu tư trong tương lai gần. 

Tin bài liên quan