Một dự án BOT giao thông tại TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn.

Một dự án BOT giao thông tại TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn.

Có dự án BOT trong danh sách vi phạm, CII và HT1 nói gì?

(ĐTCK) Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật tại 6 dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP.HCM, hai doanh nghiệp niêm yết có dự án bị nêu tên trong danh sách vi phạm là CII và HT1 đã lên tiếng.

CII: TP.HCM đã phê duyệt số vốn bổ sung 1.410 tỷ đồng

Trong 6 dự án BOT bị nêu tên của TP.HCM, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có 2 dự án, đó là dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu II. Tổng số tiền sai phạm của 2 dự án này lên tới hơn 1.410 tỷ đồng. Sau kết luận thanh tra, CII đã công bố thông tin giải trình, tuy nhiên, thông tin công bố chưa được chi tiết. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức tuần qua, CII tiếp tục nhận được câu hỏi về sai phạm tại 2 dự án này.

Với dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM đã chỉ định thầu duy nhất cho một nhà đầu tư là CII.

Lý giải về câu chuyện này, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, trong bối cảnh năm 2008, tình trạng kẹt xe tại xa lộ Hà Nội diễn ra trầm trọng, do chỉ được thiết kế 4 - 6 làn xe, Thành phố đã kêu gọi đầu tư BOT.

Tuy nhiên, thời điểm đó, không doanh nghiệp nào dám làm vì dự kiến đến năm 2026 mới bắt đầu thu phí, chỉ CII sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Đây là lý do TP.HCM phải chỉ định đầu tư. Dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả, lưu lượng xe tăng rất tốt nên việc thu phí diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ năm 2018. 

Về con số sai phạm 1.410 tỷ đồng tại dự án này theo kết luận thanh tra, ông Bình cho biết, đây là chi phí đền bù giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thuộc phạm vi dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội. Dự án được thực hiện theo Nghị định 77/1997/NĐ-CP, trong đó quy định nhà đầu tư là đơn vị ký phê duyệt tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên, theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phê duyệt tổng mức đầu tư dự án, nhưng cũng nói rõ, các dự án được thực hiện theo Nghị định 77/1997/NĐ-CP sẽ được chuyển tiếp. Theo cách hiểu này, CII đã phê duyệt bổ sung số tiền 1.410 tỷ đồng vào tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư phải thuộc về UBND TP.HCM.

Theo ông Bình, sau khi có thông tin trên, CII đã báo cáo UBND Thành phố về ý kiến của Thanh tra Chính phủ. Ngày 4/8/2017, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng mở rộng Xa lộ Hà Nội; trong đó, có nội dung chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỷ đồng.

Đối với dự án BOT cầu Bình Triệu, theo giải trình của lãnh đạo CII, ngày 6/7/2016, Công ty đã chủ động đề xuất dừng thu phí và ngày 15/7/2016, UBND Thành phố chấp thuận. Con số 13,7 tỷ đồng là số tiền dư ra khi thu phí từ ngày 6 - 15/7/2016, CII đã nộp lại. Dự án này là công trình chuyển tiếp, trước đây giao cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thực hiện theo hình thức BOT.

Sau này, Thủ tướng Chính phủ có Công văn chấp thuận cho TP. HCM chấm dứt hợp đồng với Cienco 5 và điều chỉnh dự án theo quy định. CII đã ứng trước 49 tỷ đồng cho UBND TP.HCM để hoàn trả kinh phí Cienco 5 đã đầu tư và được phép triển khai thực hiện dịch vụ thu phí hộ để hoàn vốn cho khoản tiền đã ứng trước.

Ông Bình cho biết, UBND TP.HCM và CII đã làm việc và thống nhất: Phần tiền 49 tỷ đồng này không đưa vào dự án BOT, nhưng nếu xét về bản chất, đây là tiền chi ra để xây dựng cầu Bình Triệu 2 nên vẫn nằm trong chi phí công trình.

HT1: Đã xây dựng lại phương án thu phí

Cũng có dự án nằm trong danh sách bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm – Dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9, TP.HCM – CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) đã nhanh chóng giải trình với cổ đông, nhà đầu tư.

Theo kết luận thanh tra, UBND TP.HCM đã vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8, Nghị định 78/2007/NĐ-CP khi không thực hiện công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư, chỉ định nhà đầu tư với HT1.

Về công tác thực hiện đầu tư, theo quy định về thực hiện dự án theo hình thức BOT, đến thời điểm đàm phán hợp đồng, nhà đầu tư phải có cam kết hoặc thoả thuận bằng văn bản với các nhà cung cấp vốn, đầu tư phải huy động vốn phù hợp với tiến độ đầu tư ghi trong hợp đồng dự án và báo cáo việc huy động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng theo quy định.

Tuy nhiên, hợp đồng BOT được ký ngày 3/6/2012, nhưng đến ngày 9/10/2013 mới có thông báo tài trợ dự án của BIDV. Ngoài ra, HT1 chỉ thành lập Ban quản lý trong thời gian xây dựng, thay vì thành lập doanh nghiệp theo quy định; ký kết hợp đồng với các điều khoản không thống nhất sẽ ảnh hưởng đến việc xác định thời gian thu phí và bàn giao dự án BOT cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo giải trình của HT1, việc Công ty thành lập Ban quản lý dự án là đúng theo Điều 27, Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Liên quan đến hợp đồng BOT được ký ngày 3/6/2012, nhưng đến ngày 9/10/2013 mới có thông báo tài trợ dự án của ngân hàng. HT1 khẳng định, thời điểm thực hiện ký hợp đồng BOT, Công ty đang thương thảo và bổ sung thông tin để hoàn tất việc ký kết hợp đồng vay vốn với ngân hàng tài trợ dự án.

Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, phương án tài chính cả thuế VAT với giá trị 29 tỷ đồng trong thời gian xây dựng dẫn đến làm tăng thời gian thu phí không đúng thực tế, HT1 giải thích, theo quy định của hợp đồng BOT thì giá trị dòng tiền dự tính thu hồi là tạm tính. Hiện Công ty đã xây dựng lại phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dựa trên giá trị đầu tư chính thức, đảm bảo thu hồi vốn. Phương án thu phí đã được Công ty trình Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xem xét và thẩm định. Trong đó, thuế VAT đầu vào đã được loại bỏ khỏi phần giá trị đầu tư khi tính thu hồi vốn.

Ngoài CII, HT1, trong số doanh nghiệp có dự án BOT bị thanh tra kết luận có sai phạm tại TP.HCM, có 2 doanh nghiệp chưa niêm yết, gồm CTCP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (nhà đầu tư dự án Cầu Phú Mỹ); CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc).

Trên thị trường chứng khoán, hiện có một số doanh nghiệp đang là chủ đầu tư của dự án BOT như CTCP Tasco (HUT), CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận Idico (CTI), CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Idico (HTI), CTCP Licogi 16 (LCG)…

Những ồn ào xung quanh các dự án BOT thời gian qua đang khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán đặt câu hỏi: Liệu các doanh nghiệp trong danh sách dự án có sai phạm theo kết luận thanh tra có phải nộp trả lại khoản tiền sai phạm hay không? Việc đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có rủi ro?

Theo đánh giá của một số chuyên viên phân tích trong ngành, BOT là lĩnh vực khá nhạy cảm, thông tin công bố không rộng rãi, do vậy, để đo lường rủi ro tại các dự án, từ đó quyết định đầu tư cổ phiếu tại các doanh nghiệp này là điều không dễ thực hiện.

Trong khi đó, nhận định về tiềm năng của mảng đầu tư BOT giao thông, theo Tổng giám đốc CII Lê Quốc Bình, hiện không còn nhiều dự án BOT tốt, ngoại trừ một số dự án đòi hỏi quy mô đầu tư lớn và năng lực của nhà đầu tư tốt, chẳng hạn như dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng), đường đô thị trên cao số 1 (vốn đầu tư 21.500 tỷ đồng)… Với CII, Công ty sẽ nhắm tới các dự án BOT quy mô trên 10.000 tỷ đồng và tỷ suất sinh lời trên 15%.

Cổ phiếu HT1 có một số phiên bị bán tháo khi nhà đầu tư nhận thông tin về sai phạm tại dự án của công ty này. Cổ phiếu CII cũng có 3 phiên giảm liên tiếp trước khi Công ty lên tiếng giải thích. Đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp làm BOT có lẽ hợp với nhà đầu tư bản lĩnh, bởi tính nhạy cảm và mong manh trong ranh giới đúng sai của các dự án đang tạo dòng tiền cho doanh  nghiệp.

Tin bài liên quan