Cổ đông tổ chức được ủy quyền cho người dự họp ĐHCĐ như thế nào?

Cổ đông tổ chức được ủy quyền cho người dự họp ĐHCĐ như thế nào?

(ĐTCK) Cổ đông tổ chức được ủy quyền cho người dự họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) như thế nào? Điều lệ công ty có thể quy định như thế nào về việc này?

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên Tư vấn quản trị  doanh nghiệp phụ trách EzGSM (Đại hội đồng cổ đông trực tuyến), Công ty Chứng khoán FPT:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 - Thực hiện quyền dự họp ĐHCĐ: “Trường hợp cổ đông là tổ chức chưa có người đại diện theo ủy quyền quy định tại khoản 4 Điều 15 của Luật này thì ủy quyền cho người khác dự họp ĐHCĐ. Việc ủy quyền cho người đại diện dự họp ĐHCĐ phải lập thành văn bản theo mẫu do công ty phát hành. Người được ủy quyền dự họp ĐHCĐ phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp”.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014, cần phân biệt hai dạng đại diện theo ủy quyền, đó là ủy quyền thường xuyên (ủy quyền đại diện vốn) và ủy quyền theo vụ việc.

Về ủy quyền thường xuyên được quy định tại Điều 15, Luật Doanh nghiệp 2014:

“1. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổ chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện;

b) Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện.

3. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần, cho mỗi người đại diện. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền, phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho số lượng người đại diện theo ủy quyền.

4. Việc chỉ định người đại diện theo ủy quyền phải bằng văn bản, phải thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được thông báo”.

Như vậy, với cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông có quyền ủy quyền tối đa 3 người đại diện vốn và khi tham dự ĐHCĐ. Tuy nhiên, luật không quy định số lượng người đại diện trong trường hợp cổ đông là tổ chức sở hữu ít hơn 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty. Vì vậy, để rõ ràng, Điều lệ công ty nên quy định cụ thể số lượng người được đại diện theo ủy quyền trong trường hợp cổ đông là tổ chức sở hữu ít hơn 10% tổng sổ cổ phần phổ thông của công ty.

Dạng ủy quyền thứ hai đó là ủy quyền theo vụ việc, trường hợp cổ đông là tổ chức không có người đại diện theo quy định trên thì có thể ủy quyền cho một người khác tham dự họp, biểu quyết tại ĐHCĐ theo quy định tại Khoản 1, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014. 

Tin bài liên quan