Sửa đổi Luật Doanh nghiệp
Thời điểm hiện tại, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được đề xuất có một số thay đổi lớn liên quan đến quyền đề cử thành viên HÐQT của cổ đông nhỏ.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu đã được giảm đáng kể từ mức yêu cầu cổ đông phải sở hữu tối thiểu 10% số phiếu biểu quyết xuống còn 1% số phiếu để có thể đề cử một thành viên vào HÐQT.
Chắc chắn, nếu được sửa đổi theo đề xuất này thì đây sẽ được xem là một tiến bộ đáng kể giúp đưa quyền cổ đông nhỏ tại thị trường Việt Nam tiệm cận với các thị trường vốn lâu đời và tiến bộ hơn như Thái Lan, Nhật Bản, Úc, Bỉ, Ðức, Thuỵ Ðiển, Brazil… nơi không yêu cầu có tỷ lệ sở hữu tối thiểu trong việc đề cử ứng viên HÐQT.
Thành phần và tính độc lập của HÐQT quyết định rất lớn về chất lượng quản trị tại doanh nghiệp thông qua việc HÐQT đó thực thi hiệu quả vai trò và trách nhiệm của mình.
Làm sao có thể bổ nhiệm, bao gồm đề cử và bầu cử thành công để một cá nhân ưu việt có thể được đưa vào HÐQT thành công để đại diện cho quyền lợi của nhóm cổ đông nhỏ là một điều không hề dễ dàng.
Quy định nới lỏng về quyền đề cử trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã cho phép nhóm cổ đông sở hữu lượng nhỏ cổ phiếu thông qua uỷ quyền tham dự và biểu quyết có thể tập hợp số phiếu có quyền biểu quyết đạt 1% để đề cử một thành viên đại diện cho mình.
Cần có các nhóm nhà đầu tư hành động
Ðể dễ hình dung hơn thì ai thực sự là người có tiềm năng đóng vai trò cổ đông nhỏ trong câu chuyện này để có thể đưa quy định mới nêu trên trở nên hiệu quả?
Tại các nước có môi trường quản trị tiến bộ, quản trị tốt không chỉ trông chờ đến khuôn khổ luật pháp, các cơ quan quản lý thực thi trách nhiệm, mà còn nhờ cậy vào áp lực từ thị trường, từ nhóm các nhà đầu tư hành động (activist investors).
TS. Nguyễn Thu Hiền, Chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN, Mạng lưới thành viên tự nguyện của VIOD; Giám đốc Maastricht MBA, Ðại học Bách khoa TP.HCM.
Nhóm nhà đầu tư hành động này thường hành động khi có các vi phạm quản trị, hay khi có các dấu hiệu có thể quy kết cho sự thiếu trách nhiệm của ban điều hành, hay HÐQT đương nhiệm.
Ðộng cơ của các nhà đầu tư hành động là để bảo vệ cổ đông, mặc dù có những nhà đầu tư hành động nổi tiếng về việc đấu tranh nhằm đem lại lợi ích cho chính họ để thu lợi từ việc mua bán giao dịch cổ phiếu và kể cả thao túng giá cổ phiếu.
Nhưng đa số các trường hợp nhà đầu tư hành động có động cơ tốt nhằm tố cáo các hành vi quản trị của ban lãnh đạo công ty mà gây suy giảm giá trị cổ đông.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, các nhà đầu tư hành động nổi tiếng như Carl Icahn hay Nelson Peltz đã khởi xướng những đợt tranh đấu chống lại ban điều hành và HÐQT các doanh nghiệp niêm yết thông qua cổ phiếu mà họ nắm giữ tại các quỹ đầu tư tư nhân mà họ sáng lập hoặc điều hành.
Một trong những vụ nổi bật là Carl Icahn trước đó đã mua và nắm giữ cổ phiếu Apple và đã đấu tranh và buộc Apple phải mua lại một lượng cổ phiếu trị giá 150 tỷ USD, giúp giá cổ phiếu Apple tăng lên đáng kể.
Bên cạnh các nhà đầu tư hành động tư nhân, một mẫu hình của nhà đầu tư hành động trong khu vực ASEAN với sự hỗ trợ đằng sau bởi chính phủ như tổ chức MSWG (Minority Shareholder Watchdog Group) của Malaysia là một ví dụ.
MSWG được cấp vốn bởi chính phủ và sử dụng vốn này đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết như một nhà đầu tư nhỏ, nhắm vào các hành vi quản trị yếu kém tại các doanh nghiệp để lên tiếng bảo vệ cổ đông nhỏ.
Các kỳ đại hội đồng cổ đông là những thời điểm mà MSWG hành động tích cực, đặc biệt thông qua các hoạt động bãi nhiệm, đề cử và bầu cử thành công thành viên HÐQT chính trực, đại diện quyền lợi cổ đông nhỏ.
Hành vi đầu tư (mua, nắm giữ, bán cổ phiếu) của các nhà đầu tư hành động thường là các dấu hiệu thu hút chú ý của thị trường. Các công ty có cổ phiếu nắm giữ bởi nhà đầu tư hành động thường có giá cao hơn, bởi lẽ các nhà đầu tư nhỏ cảm thấy yên tâm hơn rằng cổ phiếu của mình có thể gián tiếp được bảo vệ bởi các nhà đầu tư hành động này.
Biểu quyết thành công không dễ
Mặc dù có thể dễ dàng hơn trong việc đề cử ứng viên HÐQT, việc bầu cử, biểu quyết thành công cho ứng viên này cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt trong những trường hợp có những mâu thuẫn lợi ích rõ ràng từ nhóm cổ đông lớn.
Ðó là vì tỷ lệ số cổ phiếu có quyền biểu quyết của nhóm cổ đông nhỏ chỉ là tỷ lệ nhỏ, chưa kể trường hợp công ty phát hành cổ phiếu có ưu đãi quyền biểu quyết (cho phép các cổ phiếu ưu đãi biểu quyết có số quyền biểu quyết nhiều hơn 1 quyền).
Ngoài ra, nếu điều lệ công ty không áp dụng phương pháp bầu dồn phiếu thì cổ đông nhỏ không thể gia tăng số phiếu biểu quyết và bầu dồn vào cho ứng viên đã đề cử.
Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty có thể bỏ quy định áp dụng phương pháp bầu dồn phiếu, tuy nhiên, trong trường hợp công ty vẫn cho phép bầu dồn phiếu thì thực tế là phương pháp bầu dồn phiếu cũng khó đem lại tác dụng hữu ích cho nhóm cổ đông nhỏ trong việc biểu quyết thành công cho ứng viên.
Ðể tránh khả năng thất bại trong quá trình biểu quyết của nhóm cổ đông thiểu số, một số nước áp dụng quy trình đề cử và biểu quyết tách bạch theo từng nhóm cổ đông.
Từng nhóm cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ và nhóm cổ đông lớn, nhóm cổ đông có quyền biểu quyết ít và nhóm có quyền biểu quyết nhiều, sẽ thực hiện quy trình đề cử và biểu quyết tách bạch cho số lượng ứng viên mình được quyền bổ nhiệm.
Nhờ vậy, một số lượng ghế sẽ được dành riêng cho các ứng viên được bổ nhiệm (bao gồm đề cử và biểu quyết) bởi nhóm cổ đông nhỏ.
Ví dụ, Brazil cho phép từ 1 - 2 thành viên HÐQT sẽ được bổ nhiệm bởi nhóm cổ đông nhỏ, tương đương 28% số thành viên HÐQT được bổ nhiệm bởi nhóm cổ đông thiểu số tại nước này (theo nghiên cứu của OECD 2012, Ðề cử và bầu cử thành viên HÐQT).
Còn cách nào để cổ đông nhỏ thành công?
Tại Việt Nam, trong hầu hết trường hợp, cổ đông nhỏ ủy quyền cho HÐQT thực thi quyền cổ đông của mình. Quyền đề cử ứng viên của HÐQT do vậy là yếu tố thực sự giúp xây dựng một HÐQT độc lập và đại diện cổ đông nhỏ nếu HÐQT thực hiện điều này với tinh thần trách nhiệm.
Luật Doanh nghiệp 2014 đã có bước tiến bộ trong việc đưa ra nhiều khuyến nghị liên quan đến việc thành lập các ủy ban chuyên trách trong HÐQT nhằm tăng tính chuyên nghiệp của HÐQT.
Trong số các ủy ban chuyên trách được khuyến nghị, ủy ban bổ nhiệm (đây là tên gọi chính xác hơn so với các tên gọi đang áp dụng trong một số doanh nghiệp niêm yết như ủy ban nhân sự).
Ủy ban bổ nhiệm có thể kết hợp với trách nhiệm xây dựng chính sách thù lao, lương thưởng cho thành viên HÐQT và ban điều hành, do vậy có thể được gọi là ủy ban bổ nhiệm và thù lao, lương thưởng. Ủy ban này có vai trò tìm kiếm người phù hợp để giới thiệu vào HÐQT đạt phẩm chất và đáp ứng nhu cầu năng lực của HÐQT.
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp có ủy ban bổ nhiệm, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đã thành lập ủy ban bổ nhiệm mới ở mức 20% số doanh nghiệp niêm yết, theo đánh giá của Thẻ điểm ASEAN năm 2017.
Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam lần đầu tiên vừa được giới thiệu tại Việt Nam tháng 8/2019 bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức Tài chính Quốc tế và Viện Thành viên HÐQT Việt Nam (VIOD) đã đặt ra chuẩn mực tiến bộ cho tiêu chuẩn của ủy ban bổ nhiệm.
Theo đó, có đa số thành viên của ủy ban bổ nhiệm là không điều hành và có chủ tịch ủy ban là thành viên độc lập, nhờ đó mà ủy ban bổ nhiệm có tính độc lập cao, có thể đánh giá một cách khách quan và chọn lựa được thành viên đại diện cho quyền lợi của công ty, đặc biệt quyền lợi của cổ đông nhỏ.
Khi các doanh nghiệp niêm yết áp dụng nguyên tắc tiến bộ này thì niềm hy vọng có được nhiều hơn các thành viên độc lập được đề cử vào HÐQT trở nên hiện thực hơn.
Vai trò của ủy ban bổ nhiệm rất quan trọng
Ðể cổ đông nhỏ có thể đề cử thành công người đại diện, việc cho phép nhóm cổ đông nhỏ có tỷ lệ sở hữu tối thiểu 1% có thể đề cử một thành viên vào HÐQT là điều kiện cần để HÐQT hay ủy ban bổ nhiệm có được thêm ứng viên cho HÐQT.
Sửa đổi này trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là điều rất tiến bộ. Tuy nhiên, vai trò của HÐQT, cụ thể là ủy ban bổ nhiệm rất quan trọng. Nhà đầu tư kỳ vọng, ủy ban bổ nhiệm bao gồm các thành viên độc lập và khách quan, có thể nhìn thấy và đánh giá được sự phù hợp của ứng viên được cổ đông nhỏ đề cử.
Từ đó, HÐQT có thể đưa ứng viên này vào danh sách được đề cử bởi HÐQT (từ giới thiệu của nhóm cổ đông nhỏ). Quá trình HÐQT giới thiệu ứng viên trong đại hội cũng rất quan trọng, sẽ giúp ứng viên có thêm tín nhiệm từ đại hội, giúp khả năng thành công của ứng viên lớn hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay còn thiếu vắng những nhà đầu tư hành động, do vậy, việc mở lối cho nhà đầu tư nhỏ có tiếng nói trong việc đề cử và bầu cử thành công thành viên HÐQT là điều còn khá xa vời nếu chỉ được thực hiện một cách đơn lẻ bởi nhóm cổ đông nhỏ.
Sự ủng hộ khách quan của HÐQT, đặc biệt là ủy ban bổ nhiệm thuộc HÐQT, sẽ là điều kiện đủ giúp cổ đông nhỏ có cơ hội đưa người đại diện cho mình vào HÐQT trở nên chắc chắn.