Chuyển thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua NHNN: Bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế

Chuyển thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua NHNN: Bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK) Lễ khai trương triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được tổ chức ngày 1/8/2017 với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngành chứng khoán cùng nhiều thành viên thị trường. 

Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), đây là một bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm thứ 18 mở cửa hoạt động. 

Xin ông chia sẻ lý do thực hiện bước chuyển đổi thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ ngân hàng thương mại sang NHNN, kể từ 1/8/2017?

Từ khi thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đi vào hoạt động đến nay, việc thanh toán tiền giao dịch chứng khoán nói chung, gồm cả trái phiếu và cổ phiếu, được thực hiện qua ngân hàng chỉ định thanh toán là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Các hoạt động thanh toán tiền và chứng khoán đã diễn ra suôn sẻ, an toàn.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN xây dựng Đề án thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN, trên cơ sở Đề án “Kết nối hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia” đã xây dựng từ năm 2009 theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt năm 2006 - 2010 và định hướng 2020.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD xây dựng đề án “Chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ ngân hàng thương mại sang NHNN” với mục tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.

Đề án đã được Bộ Tài chính thông qua và phê duyệt tại Quyết định số 562/QĐ-BTC ngày 24/3/2016. Đến nay, sau quá trình chuẩn bị từ các bên liên quan, kể từ ngày 1/8/2017, chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP chính thức được chuyển về NHNN.

Với các thành viên thị trường, để thực thi quyết sách của Chính phủ nói trên, họ sẽ phải tuân thủ những quy định pháp lý nào, thưa ông?

Để tổ chức triển khai Đề án, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, NHNN, VSD và Sở Giao dịch NHNN đã tích cực, chủ động xây dựng dự thảo văn bản phối hợp, hướng dẫn các chủ thể tham gia thực thi quyết sách của Chính phủ.

Với các thành viên thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2017/TT-BTC hướng dẫn hoạt động thanh toán giao dịch TPCP, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2017.

Phía VSD đã ban hành Quy chế hướng dẫn thanh toán giao dịch TPCP; xây dựng quy trình phối hợp nghiệp vụ, trong đó thống nhất các vấn đề về gửi, nhận và đối chiếu dữ liệu, phương án xử lý khi gặp sự cố và sai sót trong quá trình thanh toán.

Bên cạnh các văn bản pháp lý, chúng tôi đã hoàn tất việc cơ cấu lại các tổ chức tham gia hệ thống thanh toán TPCP theo cơ chế thanh toán mới.

Theo đó, các tổ chức thực hiện chuyển giao TPCP trên hệ thống tài khoản lưu ký tại VSD bao gồm thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, Kho bạc Nhà nước và VSD; các tổ chức thanh toán tiền trực tiếp trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN như Sở Giao dịch NHNN, ngân hàng thành viên thanh toán, thành viên lưu ký là ngân hàng thương mại, tổ chức mở tài khoản trực tiếp là ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước.

Các công ty chứng khoán, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không phải là ngân hàng thương mại sẽ thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP qua ngân hàng thành viên thanh toán.

Như ông có nói, chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP sang NHNN là một bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Xin ông chia sẻ rõ hơn về nội dung này?

Hệ thống thanh toán tiền giao dịch TPCP theo mô hình qua một ngân hàng thương mại là tương đối phù hợp khi quy mô thị trường vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường TPCP đã phát triển lên một tầm cao mới, với quy mô niêm yết, giá trị giao dịch, giá trị thanh toán ngày càng tăng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, quy mô niêm yết của thị trường TPCP đạt 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP; giao dịch bình quân phiên đạt 7.700 tỷ đồng, gấp 21 lần năm 2009; giá trị thanh toán đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 586% so với năm 2010.

Thực tế trên đòi hỏi phải đổi mới mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập. Bản thân VSD trong các cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng nhận được những góp ý về việc cần chuyển chức năng thanh toán giao dịch TPCP về NHNN, vì để ở mô hình ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần, sẽ khó có khả năng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho hệ thống, xét ở khía cạnh khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh do giao dịch TPCP thường được thực hiện với giá trị rất cao.

Với mô hình mới, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là NHNN, vì chỉ có NHNN, với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, mới có thể giải quyết được các vấn đề này. Quyết sách mới có hiệu lực từ 1/8/2017 sẽ tăng sự an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP.

Một dấu mốc phát triển của TTCK Việt Nam

Chuyển thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua NHNN: Bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế ảnh 1

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính 

Những năm gần đây, thị trường tài chính - tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán (TTCK) đã có bước phát triển ổn định và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế. Giá trị vốn huy động qua TTCK tập trung từ khi khai trương hoạt động đến nay đạt trên 2 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương khoảng 50% so với nguồn vốn tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng. Quy mô toàn TTCK hiện chiếm khoảng 70% GDP (năm 2000 chỉ đạt 0,6% GDP).

Cùng với sự lớn mạnh chung của TTCK, trải qua hơn 8 năm hình thành và phát triển, từ năm 2009 đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt đã có bước phát triển vượt bậc và đi vào chiều sâu. Hàng hóa được tăng cường với kỳ hạn phát hành ngày càng đa dạng, đặc biệt những năm gần đây các trái phiếu có kỳ hạn lên tới 20, 30 năm.

Thanh khoản của thị trường được cải thiện, cơ sở nhà đầu tư được mở rộng, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Tổng giá trị thanh toán trên thị trường TPCP từ năm 2010 đến hết tháng 6/2017 đạt 6,8 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng giá trị thanh toán của toàn TTCK. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, giá trị thanh toán trên thị trường TPCP đạt 1,2 triệu tỷ đồng.

Có được những thành tích trên, một mặt đó là nỗ lực của các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; mặt khác, đó là nỗ lực của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, ngân hàng thanh toán, cũng như các thành viên của thị trường trái phiếu.

Trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển thị trường TPCP từ năm 2009 đến nay, mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP của Việt Nam được tổ chức theo phương thức bù trừ đa phương qua ngân hàng thương mại được đánh giá là khá phù hợp với quy mô thị trường vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường TPCP đã phát triển lên một tầm cao mới, đòi hỏi cần phải đổi mới mô hình thanh toán giao dịch TPCP.

Hiện tại, phần lớn các quốc gia trong khu vực và các quốc gia phát triển đang thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP theo phương thức thanh toán tổng tức thời theo thời gian thực, trong đó mô hình quyết toán tiền phổ biến là qua Ngân hàng Trung ương, vì với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, chỉ có Ngân hàng Trung ương mới có thể giải quyết được các rủi ro thanh toán tiềm ẩn.

Việc thanh toán giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước theo phương thức thanh toán tổng tức thời theo thời gian thực có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là bước đột phá trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế; thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của thị trường, tạo tiền đề phát triển các dịch vụ thanh toán TPCP xuyên biên giới.

Cùng với sự ra đời của các sản phẩm/dịch vụ mới của thị trường như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo, vay và cho vay TPCP để bán..., việc triển khai thanh toán tiền giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần đưa TTCK phát triển lên một tầm cao mới.

Với ý nghĩa đó, tôi rất vinh dự được thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính cùng với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chính thức khai trương hoạt động thanh toán tiền giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 1/8/2017 - một dấu mốc phát triển mới của TTCK Việt Nam.  

Tin bài liên quan