Lợi thế cạnh tranh của các DN ngành xi măng dựa trên lợi thế về quy mô.

Lợi thế cạnh tranh của các DN ngành xi măng dựa trên lợi thế về quy mô.

Chuyện sáp nhập đầu tiên của hai DN niêm yết

(ĐTCK-online) Vài phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu HT1 và HT2 là tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi tăng trần mạnh mẽ kèm lượng dư mua lớn. Hậu trường niêm yết, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 và CTCP Hà Tiên 2 đang chuẩn bị tiến hành ĐHCĐ bất thường xem xét việc sáp nhập hai công ty. Hoạt động sáp nhập không còn mới tại Việt Nam, tuy nhiên đây là lần đầu tiên diễn ra giữa hai DN niêm yết. Đâu là lý do của việc sáp nhập này?

Hà Tiên 1

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên hoạt động từ năm 1964. Đến năm 1993, Nhà máy được tách thành Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 và Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2. Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 sau đó được đổi tên thành Công ty Xi măng Hà Tiên 1, hoạt động theo hình thức cổ phần từ đầu năm 2007. HT1 niêm yết trên HOSE từ cuối năm 2007 với vốn điều lệ 870 tỷ đồng, sau tăng lên 1.100 tỷ đồng.

HT1 là DN chủ lực của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Công ty hiện chiếm khoảng 8% thị phần xi măng cả nước và gần 30% thị phần khu vực Đông Nam Bộ (TP. HCM và vùng phụ cận), một phần Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên… HT1 có một hệ thống phân phối rộng với 21 nhà phân phối chính và 5.000 đại lý trải khắp miền Nam.

Tuy nhiên, HT1 vẫn chủ yếu sản xuất xi măng từ nguồn clinker nhập khẩu và một phần từ miền Bắc. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đã gây nhiều bất lợi cho HT1: rủi ro giá đầu vào biến động, chi phí vận chuyển nguyên liệu đội giá thành, nguy cơ rủi ro tỷ giá…, khiến tỷ suất sinh lời của Công ty giảm xuống. Cụ thể, năm 2008, doanh thu của HT1 tăng 15,7% do giá bán bình quân tăng 25,6%, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ đạt 12,2%, tăng nhẹ 1,1% so với năm 2007.

Với công suất thiết kế hiện tại là 1,7 triệu tấn/năm, HT1 chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường phía Nam nên phải gia công thêm bên ngoài. Hiện tại, HT1 đang đầu tư Trạm nghiền Phú Hữu (Quận 9, TP. HCM) và Nhà máy Xi măng Bình Phước. Thông qua các dự án mới, HT1 đang có tham vọng mở rộng thị phần và vươn sang cả các nước láng giềng.

Hà Tiên 2

Tháng 1/2008, Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 chuyển đổi hoạt động theo hình thức CTCP với tên gọi CTCP Hà Tiên 2 (HT2) và niêm yết trên HOSE vào tháng 3/2009 với vốn điều lệ 880 tỷ đồng. HT2 cũng là một trong những nhà sản xuất và phân phối xi măng hàng đầu tại khu vực phía Nam. Công ty chiếm gần 30% thị phần tại thị trường các tỉnh ĐBSCL. Sau khi một số dự án mà HT2 đang triển khai đi vào hoạt động, công suất của HT2 sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Sự khác biệt lớn của HT2 so với HT1 là sự chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào, lợi thế rất lớn do vị trí địa lý: HT2 sở hữu các mỏ đá vôi và đất sét có trữ lượng lớn tại tỉnh Kiên Giang, đảm bảo đủ cung cấp nguyên liệu cho Công ty hoạt động trong vòng 50 năm tới khi nâng tổng công suất lên 2,4 triệu tấn/năm (vào năm 2012). Thế mạnh này đã được thể hiện vào kết quả kinh doanh năm 2008: Do chiến lược dự trữ nguyên liệu hợp lý và chủ động được nguồn clinker cho sản xuất, lợi nhuận năm 2008 của HT2 đạt 118,2 tỷ đồng, tăng tới 127% so với năm 2007!

Hợp nhất thay vì đối đầu

Xi măng là ngành sản xuất có tính chất đặc thù. Lợi thế cạnh tranh của các DN dựa trên lợi thế về quy mô. Các nhà máy có công suất lớn sẽ giảm thiểu được chi phí bán hàng, có ưu thế khi mở rộng thị phần. Vị trí địa lý gần nguồn nguyên liệu và các thị trường tiêu thụ lớn cũng là lợi thế cạnh tranh. Về điều này, sáp nhập HT2 vào HT1, tạo ra DN mới có công suất lên tới 2,8 triệu tấn/năm - lớn nhất trong số các công ty thành viên của Vicem. Sự sáp nhập tạo ra DN mới, tận dụng được thế mạnh về nguồn nguyên liệu của HT2 và thị trường tiêu thụ lớn của HT1. Tham vọng của HT1 vươn ra thị trường các nước láng giềng cũng khả thi hơn khi HT2 nằm tại Kiên Lương (Kiên Giang), sát biên giới Campuchia, thuận lợi cả giao thông thủy bộ.

Cả hai công ty đều là thành viên của Vicem, 16 năm trước thậm chí cùng "chung một chiến hào" nhưng nhiều năm qua vẫn "so găng" trên thương trường: HT2 dư thừa clinker nhưng không thể bán cho đối thủ, hàng năm HT1 vẫn phải dùng một lượng khá lớn ngoại tệ nhập khẩu chính nguồn tài nguyên có sẵn trong nước! Khi HT2 có xu hướng tiến về khu vực Đông Nam Bộ thì HT1 cũng cố gắng mở rộng hệ thống phân phối về phía ĐBSCL - sân nhà của HT2. Cạnh tranh chồng chéo gây lãng phí sẽ chấm dứt khi hai công ty nhìn về một hướng: Đối thủ cạnh tranh trên địa bàn miền Nam sẽ chỉ còn "người khổng lồ" Holcim và các DN xi măng địa phương. Chưa hết, việc sáp nhập tạo ra sự cân đối về dòng tiền cho cho cả hai DN đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ…

Đơn vị tư vấn - CTCK Bản Việt đã đề xuất khung tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu không có sự chênh lệch lớn so với thị giá hai cổ phiếu hiện nay. Như vậy, sau khi sáp nhập, công ty mới sẽ có vốn điều lệ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, về quy mô chỉ xếp sau khối ngân hàng niêm yết. Điều này có thể khiến các NĐT tổ chức và NĐT nước ngoài quan tâm nhiều hơn.

Trong cuốn "Chiếc lexus và cây ôliu", nhà báo Mỹ Thomas L. Friedman đã có một tổng kết hình tượng rằng, chưa có hai cửa hàng Mac Donald nào trên thế giới "giao chiến" với nhau kể từ khi thương hiệu này xuất hiện. Chuyện sáp nhập của hai DN niêm yết diễn ra cũng bởi lợi ích và sự phát triển chung của cả hai. Hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh là mục tiêu mà việc sáp nhập hướng đến!