Chứng quyền có bảo đảm (CW) chờ ngày khai mở

Chứng quyền có bảo đảm (CW) chờ ngày khai mở

(ĐTCK) Gần 2 năm kể từ khi sản phầm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) được giới thiệu, nhà đầu tư đang chờ đợi ngày sản phẩm mới này chính thức được đưa vào giao dịch với kỳ vọng không chỉ góp phần hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán, mà còn giúp đa dạng hóa các kênh đầu tư, cũng như phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường năm 2019 dự báo sẽ có nhiều biến động.

Kỳ vọng từ thị trường

Ngày 13/1/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo về việc thay đổi hạn mức chào bán chứng quyền có bảo đảm (CW) của các mã chứng khoán cơ sở. Theo đó, mã CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons được điều chỉnh giảm hạn mức chào bán CW từ ngày 14/1/2019.

Cụ thể, hạn mức chào bán mới của CTD là 4.085.255 cổ phiếu, thay cho hạn mức cũ là 4.232.357 cổ phiếu được áp dụng trước đó. Đối với 23 cổ phiếu còn lại được giữ nguyên hạn mức so với lần công bố gần nhất vào ngày 3/1/2019.

Trong đợt điều chỉnh trước đó, hạn mức chào bán mã MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động được điều chỉnh tăng từ 26.626.811 cổ phiếu lên 27.414.330 do cổ phiếu MWG chào bán cho người lao động (ESOP) được đưa vào niêm yết.

CW là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. Khi mua chứng quyền, nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí để sở hữu chứng quyền đó và được quyền mua/bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền tại mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Sở hữu quyền, không phải nghĩa vụ thực hiện, chứng quyền giúp nhà đầu tư cố định khoản lỗ tối đa bằng phí mua chứng quyền khi giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều dự đoán, ngược lại là khả năng kiếm lợi nhuận không giới hạn khi giá cổ phiếu biến động có lợi cho chứng quyền sở hữu.

Là một sản phẩm được giao dịch phổ biến tại các thị trường chứng khoán trên thế giới và được giới thiệu ra thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2017, cũng như khung pháp lý từng bước hoàn thiện, CW đã được nhiều chủ thể trên thị trường kỳ vọng sớm đưa vào vận hành trong năm 2018.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là những biến động của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới khiến thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh từ đầu tháng 4/2018, nên tiến độ triển khai chưa như mong đợi, bởi mục tiêu điều hành của cơ quan quản lý khi đó là ưu tiên giữ ổn định thị trường hơn là mạo hiểm triển khai các sản phẩm mới khi dòng tiền suy yếu.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và chương trình công tác năm 2019 tổ chức cuối tháng 12/2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã nhấn mạnh, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) cần triển khai các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm như là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.

Chờ đợi CW đi vào vận hành cũng là kỳ vọng được nhiều nhà đầu tư chia sẻ khi mà khung pháp lý cho sản phẩm này đã từng bước được hoàn thiện. Nhiều công ty chứng khoán cũng mong muốn sớm triển khai CW khi đã chuẩn bị trong suốt 2 năm qua.

Trong thời gian đầu triển khai, dù có một số hạn chế như tổ chức phát hành chỉ được phát hành chứng quyền mua, chỉ áp dụng thanh toán tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá cổ phiếu cơ sở khi đáo hạn, chưa có chuyển giao cổ phiếu, chứng quyền chỉ được thực hiện vào ngày đáo hạn…, song nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng ở CW sẽ vừa trở thành công cụ đầu tư, vừa giúp phòng ngừa rủi ro trên thị trường nhờ sở hữu nhiều ưu điểm, từ tính đòn bẩy lớn, khoản phí để sở hữu chứng quyền thấp hơn đáng kể so với giá mua cổ phiếu trực tiếp trên sàn, giúp đem lại lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư trên cùng một lượng vốn đầu tư.

Ngoài ra, khi so với sản phẩm phái sinh Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, CW cũng được đánh giá có sự hấp dẫn riêng do nhà đầu tư chỉ cần tập trung phân tích xu hướng giá và giao dịch các cổ phiếu cơ sở quen thuộc, thay vì phải theo dõi, phân tích chỉ số VN30 được tham chiếu trên danh mục lớn và thường xuyên có biến động.

Ngay với nhà đầu tư nước ngoài, sức hấp dẫn của CW cũng không nhỏ khi chứng quyền không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa (room), bởi khi cổ phiếu chưa chuyển giao, nhà đầu ngoại được phép đầu tư vào các cổ phiếu hết room, điều không thể thực hiện trên cổ phiếu cơ sở.

Việc CW chưa chính thức được đưa vào giao dịch, nhưng HOSE vẫn thường xuyên cập nhập danh mục cổ phiếu và số lượng chứng quyền được phép chào bán được xem là tiền đề để cả cơ quan quản lý, các tổ chức phát hành và nhà đầu tư có sự chuẩn bị, làm quen dần với sản phẩm mới, để khi chính thức vận hành có nhiều thuận lợi. 

Lợi thế cho các công ty chứng khoán đi đầu

Theo yêu cầu của HOSE, để có thể phát hành CW, công ty chứng khoán phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí như vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên, không có lỗ lũy kế, được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, không bị cảnh báo, tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, báo cáo tài chính của năm liền trước đã được kiểm toán không có ngoại trừ… Số liệu của HOSE cho thấy, đến giữa năm 2018, mới có 12/74 công ty chứng khoán đáp ứng được các điều kiện này.

Ngoài ra, công ty chứng khoán còn phải ký quỹ với giá trị tài sản đảm bảo tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền dự kiến chào bán, phải thực hiện phòng ngừa rủi ro theo phương án đã được UBCK chấp thuận và chịu sự giảm sát, báo cáo thường xuyên với HOSE, có nghĩa vụ đóng vai trò tạo lập thị trường bắt buộc cho chứng quyền đã phát hành.

Hàng loạt yêu cầu khắt khe đòi hỏi nhà phát hành CW không chỉ "mạnh về gạo, bạo về tiền", mà còn phải mạnh về đội ngũ nhân sự quản trị rủi ro, hệ thống và có khối tự doanh hoạt động hiệu quả… Điều này giúp sàng lọc được những công ty chứng khoán tốt nhất để triển khai sản phẩm.

Thực tế, thông tin từ HOSE cho biết, tính đến cuối năm 2018, mới có khoảng 7 công ty chứng khoán đăng ký tham gia phát hành CW, tức chưa đến 10% số công ty chứng khoán trên thị trường. Trong đó, hầu hết đều là các công ty tên tuổi, góp mặt trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất.

Tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Hội đồng quản trị BSC đã xin ý kiến cổ đông về việc phê duyệt chủ trương tham gia chào bán CW, thông qua dự thảo về chủ trương sửa đổi, bổ sung điều lệ, chủ trương chào bán CW, tổng giá trị CW được phép chào bán so với vốn khả dụng, phương án đảm bảo thanh toán… từ quý III/2017.

Sửa đổi điều lệ, trong đó bổ sung nội dung phát hành CW và thực hiện tất cả các nghiệp vụ liên quan đến CW cũng là nội dung đã được Công ty Chứng khoán SSI (SSI) hay Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sớm thông qua để triển khai các phần việc tiếp theo.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) thì cho biết, việc chuẩn bị để phát hành CW như hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn mã, lên phương án phòng ngừa rủi ro để gửi UBCK xem xét đã được thực hiện ngay từ đầu năm 2018. Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho biết, đã xây dựng các phương án để sẵn sàng triển khai CW.

Song song với xây dựng hệ thống, nguồn nhân lực, các công ty chứng khoán còn tiến hành nhiều hoạt động khác như tư vấn, đào tạo về CW thông qua các buổi hội thảo để nhà đầu tư làm quen và tiếp cận với sản phẩm mới…

Tuy đã trễ tiến độ triển khai so với kế hoạch dự kiến, nhưng việc đi trước đón đầu, cũng như tâm thế luôn sẵn sàng sẽ giúp các công ty chứng khoán nắm thế chủ động trước ngày CW khai mở.

Và khi chính thức được triển khai, CW sẽ không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu từ phát hành, giao dịch và đầu tư chứng quyền, những công ty chứng khoán đi đầu còn có lợi thế cạnh tranh để phát triển khách hàng, gia tăng thị phần môi giới, giao dịch ký quỹ…, điều mà những công ty chứng khoán tiên phong trên thị trường phái sinh hợp đồng tương lai đã đạt được thời gian qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh về phí đang ngày càng khốc liệt khi mức phí sàn bị xóa bỏ, công ty chứng khoán nào càng có nhiều sản phẩm chuyên biệt, chất lượng tư vấn, dịch vụ tốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư, sẽ càng có nhiều lợi thế. 

Tin bài liên quan