Chứng khoán Việt khởi sắc trong xu hướng toàn cầu

Chứng khoán Việt khởi sắc trong xu hướng toàn cầu

(ĐTCK) Cái gốc của tăng trưởng mạnh trên TTCK Việt Nam thời gian qua là sự khởi sắc của nhiều nền kinh tế cũng như TTCK toàn cầu. 

Chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á và nhiều quốc gia khác đồng loạt tăng mạnh đã thiết lập nên những đỉnh tăng trưởng mới, thậm chí là đỉnh tính trong 1 thập niên gần đây (xem bảng).

Trong xu thế này, chứng khoán Việt Nam cũng tăng điểm mạnh, vượt qua mốc 900 điểm, không còn quá xa đỉnh cao nhất từng đạt được vào năm 2007 (1.170,67 điểm). Chứng khoán Việt sẽ tăng tiếp hay dừng lại và đảo chiều? 

Lý do tăng trưởng

Trong đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng, cái gốc của tăng trưởng mạnh trên TTCK Việt Nam thời gian qua là sự khởi sắc của nhiều nền kinh tế cũng như TTCK toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam cũng nhận được nhiều dự báo, đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế. Không có một tổ chức nào cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dưới 6% trong năm 2017 và các năm tới.

“Niềm tin của các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế vào triển vọng Việt Nam trở nên rõ nét hơn không chỉ căn cứ vào những số liệu thống kê được công bố định kỳ, mà còn đến từ sự dịch chuyển trong quan điểm phát triển nền kinh tế Việt Nam: Chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn - TTCK Việt Nam”, ông Dũng nói.

Đi cùng với sự chuyển dịch trong quan điểm coi khu vực kinh tế tư nhân là trụ cột, Chính phủ đã công bố việc Nhà nước “không bán bia, bán rượu”, hay nói cách khác là không làm những việc mà khu vực kinh tế tư nhân có thể làm được.

Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch cổ phần hóa cụ thể năm 2018 với 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Mobifone và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện…

Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than và Khoáng sản…

Từ nay đến cuối năm, một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco.

“Với hàng trăm doanh nghiệp nhà nướcsẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK, chắc chắn thị trường sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Dũng chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội từ các đợt Nhà nước thoái vốn, với nhà đầu tư trên sàn, câu hỏi được nhiều người quan tâm là ở mặt bằng giá hiện tại, chứng khoán Việt có đắt không? Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, nếu như cách đây 6 tháng, chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) tại Việt Nam khoảng 15 lần được coi là khá hấp dẫn, thì nay ở mặt bằng giá mới, chỉ số này khoảng 20 lần.

Đây là mức trung bình so với nhiều TTCK quốc tế và khu vực (xem bảng), nên nếu TTCK Việt Nam còn cơ hội sinh lợi thì các dòng vốn lớn sẽ còn quan tâm đầu tư, nhất là khi thực tế cho thấy, nhiều quỹ đầu tư lớn đã thu được lợi nhuận trên 30% từ đầu tư chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.

Chứng khoán Việt khởi sắc trong xu hướng toàn cầu ảnh 2

Theo thống kê của nhà quản lý, dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam tăng khá mạnh thời gian gần đây, giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng khoảng 50% tính đến cuối tháng 10/2017.

Dòng vốn này chọn chảy vào khoảng 20 mã có quy mô lớn nhất trên sàn trong nhóm VN30 hoặc IPO. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Việt đến chủ yếu từ dòng chảy vốn ngoại nên đây cũng là điểm dễ tạo nên rủi ro khi TTCK quốc tế có biến động trái chiều. 

Làm thế nào để thị trường bước đi bền vững?

Ở quy mô vốn hóa hơn 120 tỷ USD vốn hóa, làm thế nào để thị trường bước đi bền vững là câu hỏi lớn nhất với nhà quản lý trên con đường tương lai.

Trên phương diện pháp lý, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xây dựng dự án Luật Chứng khoán sửa đổi. Dự án luật sẽ được Quốc hội bàn thảo để có thể hoàn chỉnh và ban hành vào năm 2019. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, dự thảo văn bản luật mới sẽ tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường.

Cùng với đó sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý, trong mục tiêu chung là TTCK phát triển minh bạch và bền vững.

Chứng khoán Việt khởi sắc trong xu hướng toàn cầu ảnh 3

Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống pháp lý ngành chứng khoán, câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam nâng cáo chất lượng quản trị, tuân thủ hệ thống kế toán, kiểm toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tính bền vững và khả năng hội nhập của chứng khoán Việt Nam.

Hiện tại, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS vào Việt Nam đang được Bộ Tài chính chuẩn bị với mục tiêu dự kiến là trước năm 2025, việc này sẽ cơ bản được thực hiện tại Việt Nam.

Liên quan đến kỳ vọng nâng hạng TTCK, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng hạng TTCK Việt Nam, việc cần làm là đáp ứng các tiêu chí của Tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới (MSCI - Morgan Stanley Capital International), trong đó trọng yếu nhất là thúc đẩy công bố thông tin bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong góc nhìn của người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán thì xử lý việc công bố thông tin bằng tiếng Anh chỉ là một phần trong tổng thể các gải pháp và cần hiểu sâu hơn về cái gốc của vấn đề nâng hạng. Việc nâng hạng sẽ chỉ thực sự mang lại giá trị nếu nền kinh tế có tiềm năng phát triển kinh tế ngày một vững chãi hơn.

Cái gốc để nâng hạng và nâng hạng một cách bền vững nằm ở 3 điểm lớn. Thứ nhất là tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ hai là các giải pháp của Nhà nước để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. Thứ ba là độ mở của quy định pháp lý để chia sẻ cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư. Vì thế, để TTCK Việt Nam nâng hạng, cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Điểm thuận lợi của TTCK Việt Nam hiện nay là câu chuyện thúc đẩy cổ phần hóa và phát triển kinh tế tư nhân đã được thống nhất cao từ tầm nhìn những người lãnh đạo đất nước đến các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

Khi hệ thống kinh tế tư nhân mà biểu trưng là các doanh nghiệp đại chúng lớn phát triển và minh bạch thì đà tăng của TTCK sẽ có gốc bền vững, chứ không chỉ là tăng, giảm theo diễn biến của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế như hiện nay.

TTCK Việt Nam đang có một năm phát triển thăng hoa cả về quy mô, thanh khoản và chỉ số, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, khi lựa chọn trong vô vàn cơ hội, các nhà đầu tư cần chú trọng quản trị rủi ro, để không biến ‘cơ’ thành ‘nguy’. Quản trị rủi ro của từng nhà đầu tư, dù là cá nhân hay tổ chức chuyên nghiệp, là yếu tố rát quan trọng để thị trường chứng khoán có thể phát triển bền vững.

Tin bài liên quan