Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Chứng khoán thiếu động lực

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã có ba tuần giảm điểm liên tiếp, về gần vùng hỗ trợ trong tháng 6/2019, nhưng động lực phục hồi chưa nhiều. Thương chiến Mỹ - Trung vẫn là yếu tố gây rủi ro lớn với thị trường.

Tại Mỹ, số liệu tăng trưởng GDP quý III/2019 và dữ liệu thương mại khả quan, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục có những đánh giá tích cực về nền kinh tế.

Ðồng thời, sự khởi sắc của nền kinh tế châu Âu trong những quý vừa qua đã hỗ trợ đáng kể tâm lý giới đầu tư, đặc biệt sự kiện Brexit và mức chênh lệch lãi suất giữa khu vực châu Âu và Mỹ có sự hồi phục trở lại trong vài tuần giao dịch gần đây cho thấy những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế giảm dần.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục xác lập đỉnh mới ở các chỉ số chính. Nhưng ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán châu Á lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề Hồng Kông, ngoại trừ chỉ số Nikkei của Nhật Bản và Sensex của Ấn Ðộ thì hầu hết các chỉ chứng khoán tại khu vực đều giảm mạnh trong tuần qua, sau khi Tổng thống Mỹ ký quyết định thông qua Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông.

Quyết định này của ông Donald Trump có thể khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trong bối cảnh Mỹ - Trung đang tiến tới thỏa thuận về thương mại giai đoạn 1.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn nhất và trọng tâm nhất của thị trường chứng khoán, chúng tôi e ngại về hai tuần giao dịch tới nếu triển vọng ký kết thỏa thuận thương mại xấu đi, bởi điều này có thể dẫn đến kịch bản Mỹ sẽ gia tăng áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng Trung Quốc và sau đó là sự trả đũa từ Ðại lục.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn này có thể tiếp tục leo thang và tác động tiêu cực hơn nữa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu (mức tăng trưởng tích cực 2,8% dự báo cho năm 2020 mới đây sẽ khó có thể trở thành hiện thực).

Trong ngắn hạn, chúng tôi đánh giá áp lực điều chỉnh ở chỉ số Dow Jones có chiều hướng gia tăng và có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán châu Á trong hai tuần giao dịch tới.

Tuy nhiên, đà giảm sâu ở thị trường châu Á nói chung và thị trường Ðông Nam Á nói riêng cũng mở ra cơ hội gia nhập mới của dòng tiền khi nền kinh tế Ðông Nam Á dự báo sẽ là tâm điểm tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khối nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trong vài phiên giao dịch gần đây, nhưng giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp. Từ đầu năm 2019 đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 8.307 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận và kể từ cuối tháng 7, động thái bán ròng có chiều hướng gia tăng.

Chỉ số VN-Index đã có ba tuần giảm điểm liên tiếp, giảm trên 5% và giảm về gần vùng hỗ trợ trong tháng 6/2019, phần lớn do nhóm cổ phiếu VN30 điều chỉnh.

Trong hai tuần giao dịch tới (tức là trước thời điểm Mỹ dự kiến áp mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc), nhiều khả năng sẽ chưa có thông tin vĩ mô hỗ trợ, điều này khiến thị trường chứng khoán thiếu động lực đi lên trong ngắn hạn.

Chứng khoán thiếu động lực ảnh 1

Ðiểm tích cực là thị trường đã rơi vào trạng thái giảm quá đà, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có thể kích thích dòng tiền bắt đáy gia tăng, kỳ vọng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật.

Ngoài ra, từ đầu tháng 12, hai quỹ ETF ngoại sẽ thực hiện cơ cấu danh mục định kỳ, tâm lý nhà đầu tư có thể thận trọng và hạn chế giao dịch, nhưng trong tháng, có hai quỹ ETF mới dự kiến đi vào hoạt động. Tháng 12 cũng là tháng chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ, nên thị trường cổ phiếu có thể sẽ được hỗ trợ trong tuần cuối cùng của tháng.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư chưa nên vội tham gia trở lại thị trường, nhưng nếu chấp nhận rủi ro thì có thể tham gia với tỷ trọng dưới 20% ở những nhịp giảm sâu trong vài tuần tới tại vùng hỗ trợ 955 - 965 điểm của chỉ số VN-Index.

Tin bài liên quan