Chứng khoán sáng 18/6: Tiết cung giá thấp

Chứng khoán sáng 18/6: Tiết cung giá thấp

(ĐTCK) Sau 2 phiên giảm điểm trước áp lực bán mạnh, thị trường đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay khi lực cung giá thấp được tiết giảm. Tuy nhiên, việc tiết cung giá thấp cũng khiến thanh khoản thị trường giảm mạnh so với các phiên trước đó.

Đợt khớp lệnh cuối phiên chiều hôm qua (17/6) là nguyên nhân khiến 2 chỉ số trở lại giao dịch trong sắc đỏ bởi áp lực bán gia tăng mạnh. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại tích cực mua ròng trên cả hai sàn với tổng giá trị lên đến hơn 100 tỷ đồng. Những diễn biến này khiến tâm lý thị trường khá thận trong khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.

Nhận định chung của hầu hết các công ty chứng khoán vẫn là cái nhìn khá tích cực, cụ thể là VN-Index không giảm quá sâu và sẽ sớm hồi phục tăng. Động lực vẫn là nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, diễn biến trong nửa đầu phiên sáng nay không phản ánh nhiều nhận định đó.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,02%) xuống 578,73 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 39,97 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip đẩy thị trường tăng khá mạnh, vượt xa ngưỡng 580 điểm. Tuy nhiên, với tâm lý thận trọng, dòng tiền vẫn duy trì trạng thái nhúc nhắc khiến thị trường thiếu động lực để bứt phá mạnh. Sau hơn 30 phút thăng hoa, VN-Index đã chững lại và về sát mốc 580 điểm.

Mặc dù được nhận định là nhóm cổ phiếu tiềm năng hỗ trợ thị trường nhưng các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa phát huy tác dụng. Ngoại trừ VCB tăng điểm tích cực với mức tăng 0,9%, còn lại các cổ phiếu khác trong nhóm như BID, CTG, STB, EIB, MBB cùng đang đứng giá hoặc giảm nhẹ.

Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản không có dấu hiệu chuyển biến khi hầu hết vẫn giao động nhẹ quanh mốc tham chiếu với thanh khoản khá thấp. FLC đứng giá tham chiếu và chỉ chuyển nhượng thành công 1,42 triệu đơn vị.

Tâm điểm của phiên giao dịch sáng vẫn là OGC với nhịp điệu tăng trần chỉ cần một bước giá. Lực cầu gia tăng mạnh khiến tình trạng khan hàng xẩy ra ngay ở đầu phiên. Sau hơn 40 phút giao dịch, OGC đã chuyển nhượng thành công hơn 6,9 triệu đơn vị với lượng dư mua trần chất đống gần 3,5 triệu đơn vị và hiện cổ phiếu này đứng ở mức 2.800 đồng/CP.

Ngoài OGC, hầu hết sắc tím khác trên sàn đều thuộc về các cổ phiếu tí hon như ATA, CYC, LCM, TNT, PTL, VLF, VNH.

Còn JVC vẫn tiếp diễn xu thế giảm sàn với lượng dư bán sàn chất đống. Hiện JVC giảm 6,71% xuống 13.900 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 244.570 đơn vị và dư bán sàn hơn 8,84 triệu đơn vị.

Tại thời điểm 10h, VN-Index tăng 1,3 điểm (+0,22%) tạm đứng ở mức 580,17 điểm với khối lượng giao dịch đạt 24,57 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 278,96 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sự dẫn dắt của các cổ phiếu dầu khí, chứng khoán cùng một số cổ phiếu bluechip đã giúp HNX-Index tăng khá ổn định. Tại cùng thời điểm, HNX-Index tăng 0,57 điểm (+0,66%) lên 87,06 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,53 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 137,83 tỷ đồng.

Các cổ phiếu dầu khí chủ chốt như PVC, PVS, PVX, PVB đều đang tô đậm sắc xanh trong khi các cổ phiếu chứng khoán BVS, KLS, SHS nhích 1-2 bước giá, VND tăng tới 3,76%.

KLF và SCR cùng dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,4 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công. Cả hai cổ phiếu này đều đang có mức tăng nhẹ trên mốc tham chiếu 1 bước giá.

Bên cạnh đó, ITQ đứng giá tham chiếu và chỉ khớp hơn 100.000 đơn vị, còn SHN đang tiếp giáp mức trần nhờ dòng tiền hấp thụ mạnh. Hiện SHN tăng 8,87% lên 22.100 đồng/CP và khớp 1,17 triệu đơn vị.

Hầu hết sắc tím trên sàn HNX cũng thuộc về các cổ phiếu vừa và nhỏ như HAD, HDO, SJC, VC5, VTC.

Lực đỡ từ các cổ phiếu chứng khoản cùng một số cổ phiếu chủ chốt nhóm ngân hàng đã giúp Vn-Index trụ vững trên ngưỡng 580 điểm trước áp lực bán trong những phút cuối phiên giao dịch sáng. Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với phiên sáng qua khi tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chưa đạt tới 1.100 tỷ đồng.

Sắc xanh vẫn chiếm chủ đạo trên bảng điện tử nhưng chủ yếu đến từ việc tiết cung giá thấp, hơn là sự tham gia tích cực của dòng tiền bắt đáy. Trên sàn HOSE có tới 115 mã tăng và 71 mã giảm, còn sàn HNX có 88 mã tăng và 66 mã giảm.

Chỉ số VN-Index tăng 2,97 điểm (+0,51%) lên 581,84 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 52,74 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 740,41 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,88 triệu đơn vị, trị giá 43,52 tỷ đồng. VN30-Index tăng 2,69 điểm (+0,45%) lên 600,94 điểm với 20 tăng, 2 mã giảm và 8 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,96 điểm (+1,1%) lên 87,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,74 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 332,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ hơn 2,5 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,17 điểm (+1,3%) lên 168,17 điểm khi có 17 mã tăng, 8 mã giảm và 5 mã đứng giá.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu hết các cổ phiếu giao dịch trong sắc đỏ đã vươn lên mốc tham chiếu, đáng chú ý, VCB nới rộng đà tăng mạnh đạt hơn 1,8%, BID cũng có được sắc xanh với mức tăng nhẹ trên mức tham chiếu một bước giá. Ngoại trừ MBB giảm 1,32% nhưng thanh khoản khá tốt đạt gần 3,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau tăng mạnh như HCM tăng 1,19%, SSI tăng 2,58%, AGR tăng 6,25% lên mức trần. Trong đó, SSI chuyển nhượng thành công 2,83 triệu đơn vị.

Cặp đôi OGC và JVC vẫn ở 2 thái cực trái ngược. Trong khi OGC duy trì sắc tím với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn sàn đạt 7,14 triệu đơn vị và dư mua trần 4,5 triệu đơn vị thì JVC giảm sàn và chỉ khớp 291.440 đơn vị nhưng dư bán sàn 9,14 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thêm một số gương mặt mới góp phần tô đậm sắc tím cho thị trường như MDG, PNC, PTK, PXT, TNT.

Tương tự, trên sàn HNX, dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt. Các cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, ngân hàng cùng giữ nhịp tăng khá tốt là điểm tựa chính cho thị trường.

SCR là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn khi chỉ chuyển nhượng thành công 2,52 triệu đơn vị.

SHN vẫn duy trì đà tăng khá tốt, tuy nhiên vẫn chưa chạm trần bởi đang chịu áp lực chốt lời mức giá này khi dư bán trần 345.700 đơn vị. Đóng cửa, SHN tăng 9,36% lên sát trần 22.200 đồng/Cp và khớp 1,48 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan