Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”

(ĐTCK) Mọi kịch bản đều có thể xảy vào lúc này, đặc biệt là kịch bản tiêu cực, trong bối cảnh thị trường chịu những tin tức không thể kiểm soát được, cũng như tâm lý “buông bỏ” của phần đông nhà đầu tư. 

Yếu tố cơ bản: Chứng khoán châu Á hoảng loạn

Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch đầu năm Canh Tý với sắc đỏ bao trùm trên bảng điện giao dịch. Thông tin về dịch viêm phổi ở Trung Quốc và không ít nước khác có người nhiễm bệnh khiến nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ bất ổn kinh tế - xã hội trên toàn cầu, đặc biệt ở khu vực châu Á.

Các chỉ số chứng khoán như Nikkei 225, Kospi, Hang Sheng... diễn biến trong trạng thái hoảng loạn. Số ca nhiễm bệnh và số người chết tăng lên qua từng ngày làm cho tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực.

Nhìn chung, đây có thể được xem là hiện tượng “thiên nga đen” trên thị trường chứng khoán khi không ai có thể dự đoán được và cũng không đo lường được hệ quả của dịch bệnh, mức độ tác động, hay khi nào sẽ kết thúc.

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”  ảnh 1

Giá trị giao dịch tích lũy của khối ngoại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến tương tự, nhưng khối nhà đầu tư nước ngoài có vẻ bình tĩnh hơn trước sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong nước.

Trong 2 phiên giao dịch đầu năm mới, áp lực từ khối ngoại là không đáng kể khi tổng giá trị bán ròng chỉ khoảng 80 tỷ đồng, tính từ đầu năm 2020 tới nay thì khối này vẫn trong xu hướng mua ròng, với khoảng 500 tỷ đồng.

Yếu tố kỹ thuật: Tâm lý bi quan bao trùm

Mọi nỗ lực tăng điểm từ đầu năm 2020 đã bị xóa sạch chỉ trong 2 phiên khai Xuân, thậm chí nếu so với mức giá cuối năm 2019 thì chỉ số VN30 giảm 3,5%.

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”  ảnh 2

Khó xác định mức hỗ trợ của các chỉ số.

Ðiều đáng nói, tác động về mặt tâm lý là rất lớn và khó lường, không ngoại trừ khả năng sẽ kéo dài dai dẳng nếu bệnh dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”  ảnh 3

Tâm lý chưa chạm điểm cùng cực.

Thị trường chứng khoán phái sinh cũng chứng kiến nhịp trượt giá mạnh, mặc dù vẫn xuất hiện những nhịp mua (Long) trong các nhịp giảm, nhưng áp lực bán tháo từ thị trường cơ sở khiến cho chỉ số phái sinh không có được nhịp hồi nào đáng kể.

Rất khó để có thể đánh giá mức hỗ trợ kỹ thuật của các chỉ số đang nằm ở đâu khi trạng thái tâm lý hiện tại có thể khiến thị trường tiếp tục biến động mạnh.

Tâm lý dòng tiền đầu cơ lúc này khá kém, mức độ tham gia yếu, khiến những nỗ lực hồi phục không đáng kể; trong khi đó, bên bán tỏ ra rất dứt khoát.

Hiện tại, đường cầu đang vận động quanh mức 15%, trong khi đáy cũ đang ở khu vực 12%. Do vậy, chỉ khi nào tâm lý bên mua chán nản cùng cực (đường cầu về 12%) thì khả năng đảo chiều của chỉ số chung mới được đánh giá cao.

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”  ảnh 4

Đà lan tỏa mất đà tăng.

Ðà lan tỏa lao dốc rất nhanh và gãy xu hướng tăng được hình thành từ tháng 12/2019. Ðà lan tỏa hiện tại đang là 25%, mức này còn khoảng cách tương đối xa vùng hỗ trợ 10 - 15%, điều này ngụ ý sự lan tỏa tiêu cực của các cổ phiếu dẫn dắt là vẫn còn, hay chỉ số chung vẫn có dư địa giảm.

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”  ảnh 5

Không còn nhóm trụ dẫn dắt.

Bất động sản được xem là nhóm "khỏe" nhất trong phiên cuối tuần vừa qua nếu so với 2 nhóm trụ còn lại.

Tuy nhiên, bất động sản vốn dĩ được xem là nhóm giữ nhịp cho thị trường, chứ khó có khả năng tạo hiệu ứng kéo cả thị trường đi lên. Trong khi đó, sự mất đà của nhóm ngân hàng khiến khả năng phục hồi của thị trường trở nên mong manh, bởi không còn cơ sở đáng tin cậy để bám víu.

Trong bối cảnh hiện tại, nếu kỳ vọng về khả năng hồi phục của thị trường chung thì chính những nhịp bị giảm mạnh như nhóm ngân hàng (TCB, VCB) và thực phẩm - đồ uống (VNM) sẽ là những nhóm dẫn dắt cho nhịp hồi.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Xu thế giảm hình thành - Canh bán trong các nhịp hồi

Mọi kịch bản đều có thể xảy ra, đặc biệt là kịch bản tiêu cực trong bối cảnh thị trường chịu những tin tức không thể kiểm soát cũng như tâm lý “buông bỏ” của phần đông nhà đầu tư.

Các mốc hỗ trợ kỹ thuật chỉ nên được tham khảo với mức độ tin cậy vừa phải, rất khó để có thể đong đếm được tâm lý dòng tiền trong giai đoạn này.

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý “buông bỏ”  ảnh 6

VN30F1M có vùng hỗ trợ 845 - 850 điểm, kháng cự 860 - 870 điểm.

Xu hướng hiện tại đã thay đổi từ tăng sang giảm, do đó chiến lược khả thi nhất vào lúc này là nương theo xu hướng giảm, với chiến lược Bán (Short) nên được ưu tiên trong các nhịp hồi lên các mốc kháng cự 860 và 870 điểm.

Trong khi đó, mốc 845 - 850 điểm tạm thời được xem là vùng hỗ trợ, nhưng chưa đáng tin cậy cho trạng thái Mua (Long) ngay lập tức, mà cần phải được kiểm chứng nhiều lần mốc này. Do vậy, chiến lược Mua cần có độ trễ với trạng thái tích lũy tại các vùng giá thấp.

Tin bài liên quan