Chứng khoán phái sinh, hiểu đúng khái niệm chuyên ngành

Chứng khoán phái sinh, hiểu đúng khái niệm chuyên ngành

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) là một sản phẩm bậc cao của thị trường vốn, với các cơ chế vận hành phức tạp. Dưới đây là một số khái niệm và thuật ngữ phổ biến trên thị trường này.

Vị thế 1 CKPS

Vị thế 1 CKPS là trạng thái giao dịch và khối lượng CKPS còn hiệu lực mà nhà đầu tư đang nắm giữ tại thời điểm đó.

Trong giao dịch hợp đồng tương lai (HĐTL), vị thế 1 CKPS bao gồm vị thế mua và vị thế bán. Nếu nhà đầu tư kỳ vọng giá của tài sản cơ sở (ví dụ chỉ số VN30-Index) sẽ tăng trong tương lai, nhà đầu tư sẽ mua hợp đồng, được gọi là mở vị thế mua hay tham gia vị thế mua (bên mua); ngược lại, nếu nhà đầu tư cho rằng giá của tài sản cơ sở sẽ giảm trong tương lai, nhà đầu tư sẽ bán hợp đồng và được gọi là mở vị thế bán hay tham gia vị thế bán (bên bán).

Việc tham gia vị thế hay còn gọi là nắm giữ vị thế là việc nhà đầu tư đang tham gia vào 1 bên của hợp đồng. Nếu nhà đầu tư đặt lệnh chào mua 1 hợp đồng và lệnh này được khớp trên thị trường, thì nhà đầu tư đó được coi là đang nắm giữ 1 vị thế mua. Ngược lại, nhà đầu tư đã bán 1 hợp đồng được coi là nắm giữ 1 vị thế bán.

Vị thế mở 1 CKPS

Vị thế mở 1 CKPS thể hiện việc nhà đầu tư đang nắm giữ CKPS còn hiệu lực, chưa được thanh lý hoặc tất toán. Nhà đầu tư mua 1 CKPS được gọi là mở vị thế mua và ngược lại, khi bán một CKPS được gọi là mở vị thế bán.

Ví dụ: Nhà đầu tư A mua 10 hợp đồng tương lai VN30F1709 đáo hạn tháng 9. Như vậy, việc nhà đầu tư A nắm giữ vị thế hợp đồng từ khi tham gia vị thế cho đến khi đóng vị thế hoặc đáo hạn được gọi là vị thế mở của CKPS hợp đồng tương lai VN30F1709.

Vị thế đóng 1 CKPS

Việc đóng vị thế 1 CKPS được nhà đầu tư thực hiện trong các trường hợp sau: Khi nhà đầu tư không còn nhu cầu tham gia hợp đồng; khi nhà đầu tư có nhu cầu chốt lãi/lỗ; khi nhà đầu tư đang nắm giữ số lượng vị thế vượt quá mức quy định; khi nhà đầu tư không đủ khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu;

Có 2 trường hợp đóng vị thế 1 CKPS.

Thứ nhất, chấm dứt vị thế trước khi HĐTL đáo hạn. Ví dụ: Nhà đầu tư A mua 10 hợp đồng tương lai VN30F1709 đáo hạn tháng 9.

Tại thời điểm trước khi đáo hạn, chỉ số đã tăng mạnh và nhà đầu tư dự đoán chỉ số VN30-Index khó có thể tăng tiếp hoặc thậm chí có thể đảo chiều giảm điểm, nhà đầu tư A quyết định bán hết số hợp đồng đã mua để chấm dứt vị thế mua, dù các HĐTL đó chưa đến thời điểm đáo hạn. Trường hợp này, nhà đầu tư A đã thực hiện đóng vị thế CKPS với mục đích để chốt lời.

(Clip giới thiệu về chứng quyền có bảo đảm - Covered Warrant)

Thứ hai, nắm giữ HĐTL đến khi đáo hạn và thanh toán hợp đồng. Ví dụ: Nhà đầu tư A mua 10 hợp đồng tương lai VN30F1709 đáo hạn tháng 9. Nhận thấy chỉ số đang trong xu hướng tăng giá, nhà đầu tư A quyết định giữ hợp đồng đến khi đáo hạn.

Tại thời điểm đáo hạn hợp đồng vào tháng 9, nhà đầu tư A thực hiện bán hợp đồng để chấm dứt vị thế mua và thanh toán hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà đầu tư A đã nắm giữ HĐTL đến khi đáo hạn.

Vị thế ròng 1 CKPS tại 1 thời điểm

Vị thế ròng 1 CKPS tại 1 thời điểm được xác định bằng chênh lệch giữa vị thế mua đã mở và vị thế bán đã mở của CKPS đó tại cùng 1 thời điểm, theo nguyên tắc các vị thế đối ứng (vị thế mua - vị thế bán) của cùng 1 HĐTL có cùng thời điểm đáo hạn trên cùng 1 tài khoản giao dịch được tự động đối trừ với nhau để xác định vị thế ròng HĐTL trong tài khoản giao dịch đó.

Giới hạn vị thế 1 CKPS

Giới hạn vị thế một CKPS là vị thế ròng tối đa của CKPS đó, hoặc của CKPS đó và các CKPS khác dựa trên cùng 1 tài sản cơ sở mà nhà đầu tư được quyền nắm giữ tại 1 thời điểm.

Giới hạn vị thế được đặt ra nhằm ngăn ngừa việc 1 cá nhân hoặc tổ chức có thể nắm giữ số lượng hợp đồng quá lớn, qua đó gây ảnh hưởng đáng kể lên giao dịch của CKPS. Việc sử dụng giới hạn vị thế sẽ giúp duy trì thị trường ổn định và công bằng, qua đó đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch CKPS.

Khối lượng mở (OI) của CKPS tại 1 thời điểm

Khối lượng mở (OI) là số lượng HĐTL đang ở vị thế mở tại 1 thời điểm nhất định. OI thường bị nhầm lẫn với khối lượng giao dịch, nhưng đây là 2 khái niệm khác nhau.

Đối với mỗi người bán hợp đồng tương lai sẽ có 1 người mua tương ứng. Để tạo ra 1 giao dịch hợp đồng tương lai mới, cần có cả người mua và người bán mới. Do đó, OI là tổng khối lượng hợp đồng của 1 bên giao dịch hợp đồng, chứ không phải tổng của cả 2 bên.

OI là chỉ báo rất quan trọng đối với nhà đầu tư khi tham gia mua bán hợp đồng phái sinh, giá trị OI càng cao có nghĩa là nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hợp đồng đó.

Thông thường, các kỳ hạn gần thường có OI cao và gần đến ngày đáo hạn của hợp đồng thì chỉ số OI càng giảm dần do các nhà đầu tư có xu hướng tất toán hợp đồng trước ngày đáo hạn.

Tháng đáo hạn

Là tháng mà HĐTL hết hạn và được tất toán. Đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu được niêm yết theo các bộ mã hợp đồng, mỗi mã hợp đồng tương ứng với 1 tháng đáo hạn.

Bộ mã hợp đồng được niêm yết dự kiến có các tháng đáo hạn là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối quý gần nhất (tháng cuối quý là các tháng: Tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12).

Tin bài liên quan