Chứng khoán chờ diễn biến mới Mỹ - Trung

Chứng khoán chờ diễn biến mới Mỹ - Trung

(ĐTCK) Ngày 28 và 29/6 tới sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, nơi mà 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau để bàn về căng thẳng thương mại. Kết quả từ cuộc đàm phán này sẽ là yếu tố tác động mạnh lên thị trường chứng khoán.

Thị trường kết thúc tuần cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng ở các phiên đầu tuần và lạc quan hơn  cuối tuần khi tình hình thị trường thế giới chuyển biến tích cực hơn.

Chỉ số S&P500 tiếp tục xác lập mức đỉnh lịch sử khi giới đầu tư kỳ vọng cao về khả năng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 7/2019. Theo đó, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại nhóm thị trường mới nổi, thể hiện qua việc các quỹ ETF liên tục được huy động chứng chỉ quỹ thời gian qua.

Fed bắt đầu tăng lãi suất kể từ năm 2016 khi cho rằng, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ổn định trở lại sau giai đoạn khủng hoảng. Theo đó, dòng tiền rút ra khỏi nhóm thị trường mới nổi để quay về Mỹ nhằm hưởng lãi suất cao, khiến thị trường chứng khoán tại khu vực này giảm mạnh, trong đó có thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Bởi vậy, việc Fed sớm có động thái giảm lãi suất trong năm 2019 có thể khiến USD "hạ nhiệt", từ đó tạo hiệu ứng tích cực lên tỷ giá tại khu vực mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng, chính sách tiền tệ theo đó được kỳ vọng sẽ "dễ thở" hơn trong giai đoạn tới và khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán .

Trong tuần qua, điểm tích cực là các quỹ ETF liên tục huy động lượng tiền mới, đặc biệt là Quỹ Van Eck với tỷ trọng hơn 70% thị trường Việt Nam trong danh mục đầu tư. Thời gian qua, quỹ này liên tục mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (ước mua ròng 6,3 triệu USD cổ phiếu Việt Nam trong tuần qua), nâng giá trị tài sản ròng (NAV) lên tương đương Quỹ DB FTSE (khoảng 294 triệu USD tính đến ngày 5/6/2019).

Không ngoài dự đoán, hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF không ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường chứng khoán. Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn đang đóng cửa dưới mức 960 điểm - là vùng kháng cự ngắn hạn và điểm xác nhận xu hướng tăng của chỉ số này.

Dòng tiền đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể trong 3 phiên giao dịch gần đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt chính, thể hiện dòng tiền đã quay trở lại ở các cổ phiếu chủ đạo như CTG, BID, VCB, với tâm điểm là câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo tiêu chuẩn Basel II và cũng là tiền đề để các ngân hàng đảm bảo tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Ðồng thời, hoạt động bán vốn cho các đối tác chiến lược cũng là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu ngân hàng trong năm nay, song vướng mắc vẫn nằm ở việc mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí cũng được xem là nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong những phiên vừa qua khi tình hình giá dầu đã xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn.

Tuần này là tuần chốt NAV quý II/2019 của các quỹ. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là tuần giao dịch tích cực và VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 960 điểm. Ðáng chú ý, ngày 28 và 29/6 tới sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, nơi mà 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau để bàn về căng thẳng thương mại đang diễn ra. Kết quả từ cuộc đàm phán này sẽ là yếu tố tác động mạnh lên thị trường chứng khoán nên cần đặc biệt chú ý.

Dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại thị trường, đặc biệt dòng tiền đầu cơ, nên thanh khoản thị trường kỳ vọng sẽ cải thiện thời gian tới. Với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn có thể tăng dần tỷ trọng cổ phiếu. Trong trường hợp thận trọng, có thể tiếp tục đứng ngoài và chờ động thái của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc gặp gỡ lần này.

Tin bài liên quan