Chứng chỉ quỹ: Đầu cơ hay đầu tư?

(ĐTCK-online) Những phiên giao dịch đầu tuần, đồng loạt giá 4 chứng chỉ quỹ (CCQ) tăng trần với khối lượng đặt mua lớn. Sau một thời gian bị lãng quên, mối quan tâm của NĐT mới đây tưởng như là việc đánh giá, nhìn nhận lại CCQ từ góc độ giá trị. Tuy nhiên, vào phiên điều chỉnh hôm qua (24/9), cả 4 CCQ đều sớm suy yếu: 3 giảm giá và chỉ 1 giữ được giá tham chiếu. Vì sao NĐT chưa mặn mà với CCQ và chỉ coi CCQ là công cụ lướt sóng ngắn hạn?

Tâm lý ngắn hạn

Giám đốc một công ty quản lý quỹ “than thở” rằng, NĐT đang chiết khấu quá nhiều giá CCQ so với giá trị tài sản ròng (NAV). NAV - thước đo chuẩn xác để đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ. Theo mức giá đóng cửa ngày hôm qua, thị giá PRUBF1 thấp hơn NAV tới 41,5%, khả quan như VFMVF4 thị giá cũng thấp hơn NAV tới 26,6%. Khoảng cách này thu hẹp đáng kể so với mức chiết khấu 50 - 60% khi VN-Index giảm xuống mức thấp nhất hồi tháng 2/2009. Tuy nhiên, sự chênh lệch trên vẫn là khá lớn nếu so sánh trong quá khứ, có lúc thị giá của VFMVF1 cao hơn NAV tới 30 - 40% (năm 2006). Về lý thuyết, lý tưởng nếu thị giá CCQ dao động xung quanh NAV; thị giá cao hơn NAV, CCQ “đắt”; thấp hơn, CCQ “rẻ”

Dường như có khoảng cách nhất định giữa người quản lý quỹ và NĐT. VFMVF1 và VFMVF4 có thời hạn hoạt động 10 năm, VFMVF1 bắt đầu từ tháng 4/2004, còn VF4 từ tháng 1/2008. MAFPF1 và PRUBF1 có thời hạn hoạt động ngắn hơn, 7 năm, cả hai bắt đầu gọi vốn từ năm 2006. Như vậy, ít nhất đến năm 2013 mới có quỹ đại chúng giải thể. NAV của các quỹ hiện nay cao hơn thị giá CCQ thật đấy, tuy nhiên NĐT không thể chuyển hóa NAV thành lợi nhuận ngay được. Điều này khác với các khoản lợi nhuận chưa phân phối hay thặng dư lớn của DN niêm yết, sớm được cổ đông kiến nghị sử dụng bằng cách trả cổ tức hay phát hành thêm cổ phiếu thưởng! Hiệu quả hoạt động của quỹ phụ thuộc khá nhiều vào thị trường tài chính, thị trường tài chính lại phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô mà hiện nay, NĐT không dám nghĩ xa: bóng ma lạm phát, nguy cơ tăng trưởng thấp… Vì thế, hiện nay, NĐT không thể ngồi nhìn khoản lợi nhuận của mình tăng gấp đôi, gấp ba sau vài năm. Thị trường đang chuyển động nhanh hơn: từ tháng 4 đến nay, trên cả hai sàn tháng nào cũng có cổ phiếu tăng giá xấp xỉ 100%. Số cổ phiếu tăng giá gấp 5 - 6 lần so với đáy hồi tháng 2 thậm chí còn không thể đếm hết trên một bàn tay.

Đại diện của MAFPF1 cho rằng, vẫn có nhiều cổ đông của Quỹ chưa lưu ký CCQ - họ là NĐT dài hạn thực sự. Nhưng phần đông NĐT mua bán trên thị trường sơ cấp hiện nay nhắm vào lợi nhuận ngắn hạn, chính tâm lý đầu cơ này khiến khoảng cách giữa NAV và thị giá không mấy ý nghĩa. CCQ bị thờ ơ!

NĐT đang chiết khấu NAV VF1 bao nhiêu?

Trong số 4 CCQ đang niêm yết, có thể nói, VF1 là cánh chim đầu đàn. Việc tăng hay giảm giá VF1 có ảnh hưởng đến 3 CCQ còn lại. Theo công bố vào ngày 22/9, NAV của VF1 là 27.664 đồng/CCQ. So với thời điểm mới thành lập vào tháng 4/2004, NAV hiện nay của VF1 tăng khoảng 170%, cao hơn so với sự tăng trưởng của VN-Index trong khoảng khoảng thời gian trên là 140% (từ mức 230 - 240 điểm lên gần 575 điểm như hiện nay). Tuy nhiên, một số NĐT cho rằng, so sánh như vậy là chưa chính xác. VFMVF1 đã thực hiện 2 đợt tăng vốn - một việc không giống ai với hoạt động của một quỹ đóng: tháng 8/2006, tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng và từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 5/2007. Giá đợt phát hành lần 2 gấp 3 lần mệnh giá. Quỹ tăng vốn và cũng có thặng dư! Bằng vài phép tính đơn giản, NĐT có thể xác định sự tác động của yếu tố thặng dư tới NAV. Và NĐT chiết khấu ngầm thặng dư vào giá cổ phiếu VF1! Điều này lý giải tại sao, kể từ khi tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng tới nay, chưa khi nào thị giá VFMVF1 cao hơn NAV. Đến lượt khoảng cách giữa thị giá và NAV (theo công bố chính thức) của VFMVF1 đóng vai trò tham chiếu cho các CCQ khác!

 CCQ

VFMVF1

VFMVF4

PRUBF1

MAFPF1

NAV (đồng)

27.664

14.433

9.062

7.736

Giá (đồng)

16.400

10.600

5.300

4.800

Chênh lệch giá và NAV

40,7%

26,6%

41,5%

37,9%

(Nguồn: HOSE)

Thiếu yếu tố đột biến

Đầu tư vào quỹ là chấp nhận sự ổn định. Kết quả hoạt động của CCQ khó có thể trông chờ sự đột biến: Thứ nhất, sự đa dạng hóa của quỹ giảm thiểu rủi ro, nhưng cũng giảm thiểu sự tăng trưởng nhanh. Chẳng hạn, nhiều quỹ nắm giữ VNM, SJS, KDC và GMD - những cổ phiếu tăng giá gấp đôi trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa giảm thiểu rủi ro vào các cổ phiếu phòng vệ đã triệt tiêu sự đột biến này. Kết quả lợi nhuận của các quỹ luôn chỉ là phép tính trung bình. Thứ hai, kết quả kinh doanh của quỹ không thể gây ấn tượng mạnh với NĐT bởi các yếu tố đột biến, thu hút sự chú ý của NĐT thời gian qua như nhóm cổ phiếu bất động sản, thép, cao su… Giá cổ phiếu thể hiện kỳ vọng của NĐT, thiếu kỳ vọng lợi nhuận đột biến, NĐT hững hờ.

Không thể hỗ trợ cho cổ đông

Liều thuốc tâm lý của nhiều DN niêm yết giúp cổ đông cũng không thể thực hiện với CCQ. Đại diện một quỹ cho rằng, ngay cả lúc thị trường xuống thấp, quỹ muốn mua lại CCQ để hỗ trợ cổ đông cũng không thể được, bởi quỹ đang hoạt động là quỹ đóng. Khả năng “tạo sóng” của công ty quản lý quỹ với CCQ là không thể, bởi cơ chế giám sát và quy chế hoạt động của các quỹ khá chặt chẽ. Về điều này, rõ ràng CTCK hay DN niêm yết hiện nay có cơ chế thoáng hơn công ty quản lý quỹ khá nhiều… Bởi vậy, với nhiều lý do, thị giá CCQ đang dịch chuyển theo xu hướng đầu cơ, mặc dù đây là công cụ đầu tư!

 (Nguồn: HOSE)