Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được định danh trong dự thảo Luật

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được định danh trong dự thảo Luật

(ĐTCK) “Nếu bỏ lỡ dịp này sẽ bỏ lỡ thêm 10 năm”. 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói như vậy về sản phẩm NVDR - chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, trong một cuộc hội thảo về TTCK Việt Nam hồi tháng 5/2019. Và điều đáng mừng là sản phẩm NVDR đã được định danh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Bản dự thảo này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng không chỉ mở thêm không gian cho cổ đông sở hữu 1% cổ phần được đề cử người vào HĐQT, mà còn đưa ra quy định cụ thể hơn về các công cụ tài chính do công ty cổ phần phát hành. Theo đó, dự thảo có thêm quy định: “Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi và cổ phần ưu đãi biểu quyết. Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.

Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi”. Dự luật cũng định danh cổ phần ưu đãi gồm cổ phần ưu đãi cổ tức; cổ phần ưu đãi hoàn lại; cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định. Liên quan đến NVDR, dự luật mở ra một điểm hoàn toàn mới: Cổ phẩn phổ thông được lưu ký để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết thì người sở hữu chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với cổ phần phổ thông tương ứng, trừ quyền biểu quyết.

Từ năm 1920, sản phẩm NVDR đã từng có mặt tại TTCK Hoa Kỳ và từ năm 2000 đến nay, TTCK Thái Lan và một số nước xung quanh đã phát triển thành công NVDR để tăng khả năng chu chuyển của dòng vốn.

Đặc trưng của NVDR là không thay thế cổ phần, mà chỉ là quy đổi tương đương về lợi ích kinh tế, từ đó vừa giúp làm tăng vốn cho công ty mà không hạn chế mục tiêu quản lý nhà nước. Sản phẩm dành cho mọi nhà đầu tư bởi tiềm năng và tính hiệu quả của nó trong đầu tư và huy động vốn.

Định danh sản phẩm NVDR là bước tiến đáng mừng cho kỳ vọng sản phẩm này sẽ có mặt tại Việt Nam, nhưng bước tiếp theo làm thế nào để phát hành sản phẩm NVDR tại Việt Nam là câu chuyện khác. NVDR cần có một tổ chức phát hành, ở các nước khác, như Thái Lan hay Malaysia, đó là Sở GDCK hoặc một công ty con trực thuộc Sở GDCK.

Tại Việt Nam, cả 2 Sở GDCK hiện tại đều là Công ty TNHH 100% vốn Nhà nước, chưa có chức năng lập công ty con hoặc chủ động đứng ra lập “kho” cổ phiếu để từ đó phát hành NVDR.

Mô hình tổ chức tiếp theo của các Sở GDCK tại Việt Nam lại chưa rõ ràng, khi mà đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32 về Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam với định hướng Việt Nam sẽ có 3 Sở GDCK cùng hoạt động, gồm 2 Sở hiện tại và Sở GDCK Việt Nam được tổ chức như công ty mẹ, quản lý phần vốn Nhà nước tại 2 Sở con.

Trong khi mô hình này chưa được hiện thực hóa thì dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đang được trình Quốc hội xem xét lại nhận được nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ nên tổ chức duy nhất 1 Sở GDCK. Được biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019 và có hiệu lực từ 1/9/2020 hoặc 1/1/2021.

Mở không gian cho sản phẩm NVDR là câu chuyện mới trong dự án sửa Luật Doanh nghiệp, nhưng bước tiến chính sách này cần thêm sự đồng bộ hóa về cơ cấu bộ máy tổ chức vận hành, mới có thể đi vào thực tế được.

Vui với kỳ vọng Việt Nam sẽ có sản phẩm NVDR, nhưng đó không phải là câu chuyện của năm nay hay năm tới, mà là câu chuyện của tương lai vài năm tới khi các dự án Luật có hiệu lực và bộ máy tổ chức đủ sức đưa luật vào cuộc sống.

Tin bài liên quan