Quý II/2010, SQC chỉ lãi 4 tỷ đồng

Quý II/2010, SQC chỉ lãi 4 tỷ đồng

Chưa bước, đã nói trước

(ĐTCK-online) Theo kế hoạch của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) công bố trước khi niêm yết, lợi nhuận sau thuế năm 2010 sẽ đạt 300 tỷ đồng, năm 2011 là 420 tỷ đồng trên 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Nhưng rốt cuộc, SQC chỉ lãi 22 triệu đồng trong quý I và 4 tỷ đồng trong quý II/2010.

>> ITA, KBC: Năng lực tài chính đến đâu?

>> ITA xin trả lại dự án chậm tiến độ

Lợi nhuận SQC thực hiện so với kế hoạch như quả pháo xịt được giải trình là do “rủi ro chính sách”. Cụ thể, Bộ Tài chính đã áp thuế xuất khẩu ti tan chế biến sâu là 18%, xấp xỉ bằng mức thuế xuất khẩu titan thô là 20% mà không sửa đổi. Mặc dù không kiểm soát được việc Bộ Tài chính có sửa đổi chính sách thuế này hay không, hoặc nếu sửa đổi thì có kịp thời gian để Công ty sản xuất và xuất khẩu xỉ ti tan thu tiền về hay không, nhưng SQC vẫn xây dựng một kế hoạch lợi nhuận dựa trên cơ sở coi như chính sách đã sửa.

Câu chuyện không dừng ở đó. Trong thông tin mới đây về dự án Khu công nghiệp Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ mà Tập đoàn Kinh Bắc (KBC) tham gia góp vốn 20%, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT cũng cho biết, DN đang gặp rủi ro về chính sách. Cụ thể là “thừa công suất toàn ngành xi măng, Bộ Xây dựng đang rà soát lại các dự án xi măng và chuyển sang quy hoạch năm 2015. Do đó, địa phương đã ngừng cấp phép mỏ đá vôi, mỏ đất sét, nguyên liệu phụ trợ sản xuất xi măng cho Công ty”.

Hay dự án Khu đô thị Hải Âu do Tập đoàn Tân Tạo (ITA) làm chủ đầu tư không thể triển khai do UBND tỉnh Kiên Giang chưa cấp giấy phép khai thác cát, chưa giao mặt nước khu vực dự án nên DN chưa thể xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án.

Với những lý do nêu trên thì có lỗi với cổ đông của SQC, KBC và ITA chính là các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nhưng trách nhiệm của lãnh đạo DN ở đâu? Dự án gặp rủi ro có được báo cáo trước ĐHCĐ hay không? Thực tế, mỗi dự án, kế hoạch kinh doanh khi công bố ra thị trường đều ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Do đó, DN phải xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên nguyên tắc cẩn trọng trước khi công bố để đảm bảo tính khả thi cao và ít rủi ro nhất.

Một NĐT than thở: “Khi đầu tư, chúng tôi tin tưởng là dự án DN công bố sẽ hiện thực. Nếu công bố xong, vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp cho dự án rồi đổ tại rủi ro về chính sách ảnh hưởng đến thành bại của dự án thì khác nào đánh đố NĐT. Một tập đoàn lớn có kinh nghiệm đầu tư sao lại gặp nhiều rủi ro về chính sách như vậy?”.

Đứng trên góc độ NĐT, khi tiếp nhận thông tin về dự án, kế hoạch kinh doanh của DN niêm yết, họ luôn tin tưởng các dự án, kế hoạch đó sẽ thành hiện thực theo đúng tiến độ. Nếu dự án chậm trễ về thủ tục hay không thành, trước tiên cổ đông sẽ chất vấn về trách nhiệm ban lãnh đạo. Chính vì thế, nhiều DN hiện rất cẩn trọng trong công bố thông tin vì sợ cổ đông kỳ vọng vào dự án chưa khả thi hoặc có nhiều rủi ro. Ví dụ như công ty bất động sản công bố dự đất sạch, đã hoàn thành giấy tờ pháp lý để khởi công, công ty khoáng sản chỉ công bố mỏ đã được cấp phép khai thác…

Cho dù có bất kỳ rủi ro nào với dự án hay DN thì trong đó đều có trách nhiệm của những người lãnh đạo trong việc lựa chọn, triển khai thực hiện. Và thành bại của mỗi dự án, kế hoạch kinh doanh là một tiêu chí để đánh giá tầm nhìn, năng lực và uy tín của người lãnh đạo DN đó, trong con mắt của cổ đông.

Cho dù các nguyên nhân tác động xấu đến dự án, kế hoạch kinh doanh của DN có thực tế và khách quan đến đâu như “rủi ro chính sách” hay “khủng hoảng kinh tế” thì quan trọng vẫn là người chèo lái DN, vì tất cả công ty niêm yết đều đang hoạt động trong một môi trường kinh doanh như nhau.