Chủ tịch UBCK Nhà nước Trần Văn Dũng: Vượt khó, cho khát vọng vươn tầm

(ĐTCK) Giữa bộn bề công việc cuối năm, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vẫn dành cho anh em báo giới cuộc trò chuyện cởi mở trước thềm năm Kỷ Hợi. Trải lòng về 2 quyết định khó phải đưa ra trong năm 2018, ông đồng thời chia sẻ những bài học quý để thị trường bước đi vững bền hơn.

Có lẽ TTCK vận động theo cách của riêng nó, nên có những thời điểm muốn “nắn” thị trường theo hướng ổn định tích cực, nhưng nhà quản lý chẳng thể làm được gì nhiều. Chẳng hạn, VN-Index từng đạt kỷ lục vào đầu quý II sau 19 năm phát triển, nhưng cuối năm lại tăng trưởng âm. Những gì đã qua ông có thấy thị trường thực sự khó “quản”?

Năm 2018, TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều kỷ lục sau gần hai thập kỷ phát triển. Điều này khiến công tác quản lý, vận hành thị trường đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong việc thực hiện mục tiêu giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Cái khó trong điều hành TTCK là thị trường vận hành theo quy luật của riêng nó, nên “quản” là không đơn giản. Thị trường chịu tác động đa chiều, nhanh từ kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, từ TTCK thế giới, cũng như đời sống của doanh nghiệp…

Đó là chưa kể còn xuất hiện những sự cố ngoài ý muốn. Trong bối cảnh diễn biến mau lẹ đó, nhất là trong những thời điểm thị trường đối diện với những khó khăn, việc nhanh chóng đưa ra quyết định điều hành làm sao chính xác, đạt mục tiêu duy trì thị trường phát triển ổn định, bền vững là không đơn giản. 

Trong năm 2018, thời điểm nào khiến ông khó đưa ra quyết định nhất?

Năm qua, tuy thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn là một năm thành công trên nhiều phương diện, như đánh giá của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính.

Cuối năm nhìn lại, tôi nhận thấy đã phải đưa ra quyết định trong hai tình huống khó nhất. Đầu tiên là phải đưa ra quyết định thị trường tạm ngừng giao dịch để khắc phục sự cố hệ thống trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Buổi chiều khi xảy ra sự cố, ngay tối hôm đó tôi phải bay vào TP.HCM.

 Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK Nhà nước.

Vào đến nơi, chuyên gia khắc phục sự cố của Thái Lan chưa sang, nên chưa thể có đánh giá cụ thể về mức độ lỗi của hệ thống, cũng như phương án khắc phục triệt để mặc dù về cơ bản họ khẳng định phát hiện được lỗi, trên cơ sở đó đánh giá là có thể sớm mở cửa cho thị trường giao dịch trở lại.

Trong bối cảnh đó, nếu đưa ra quyết định ngừng giao dịch, thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư, cũng như HOSE. Còn nếu cho giao dịch trở lại ngay mà lỗi của hệ thống chưa được khắc phục triệt để thì có thể tiếp tục phát sinh lỗi, tính chất sự việc sẽ nghiêm trọng hơn!

Lúc đó, các chuyên gia đánh giá khả năng mở cửa cho thị trường giao dịch trở lại là 50 - 50, anh em bàn cũng đồng quan điểm này, nhưng tôi vẫn quyết định dừng giao dịch và chờ chuyên gia của Thái Lan sang đánh giá mức độ lỗi hệ thống một cách kỹ lưỡng, để có phương án khắc phục triệt để.

Đây là một quyết định rất khó khăn. May mắn là khi chuyên gia phần mềm của Thái Lan sang, tuy họ nhận thấy việc phát hiện lỗi hệ thống trước đó là đúng, nhưng do xử lý chưa triệt để, nên nếu đưa hệ thống vào giao dịch sớm thì khả năng hệ thống lại gặp sự cố là cao.

Trong 2 ngày liên tục, các chuyên gia phải bắt đầu lại từ đầu quá trình khắc phục triệt để lỗi của hệ thống. Việc tôi cùng anh em HOSE phải tự quyết, tự chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định ngừng giao dịch là một đòn cân não, vì không phải lúc nào cũng xin được ý kiến chỉ đạo của cấp trên… 

Còn quyết định khó thứ hai mà ông đã phải đưa ra là gì?

Bất chấp nhiều ý kiến được đưa ra ở thời điểm đầu năm 2018 về triển vọng tiếp tục tích cực của TTCK Việt Nam, bước vào tháng 4, thị trường suy giảm rất mạnh. Khi đối diện với thực tế này, đã có ý kiến cho rằng thị trường cơ sở giảm do tác động của TTCK phái sinh.

Trong bối cảnh đó, có quan điểm đề nghị xem xét phương án cho TTCK phái sinh tạm ngừng giao dịch để tránh tác động tiêu cực lên thị trường cơ sở. Cũng có ý kiến đề xuất cách siết nhẹ hơn tương tự như cách làm của Trung Quốc là nâng mức ký quỹ lên gấp 3 - 4 lần so với hiện tại.

Hoạt động xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản, Hoa Kỳ năm 2014-2015 đã giúp dòng vốn từ các thị trường này vào Việt Nam tăng mạnh, dòng vốn đến từ Hoa Kỳ tăng gấp đôi. Năm 2018, FTSE Russell đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng . Vượt qua thách thức, TTCK sẽ đón cơ hội lớn hơn…   

Đáng nói, đây không chỉ là ý kiến từ phía thị trường, mà cả từ một số chuyên gia kinh tế. Tiếp nhận nhiều quan điểm trái ngược như vậy, thời gian lại gấp, trong khi phải tiếp cận đa chiều và xử lý lượng thông tin lớn để có được những đánh giá đầy đủ và đề xuất giải pháp đến Bộ Tài chính và Thường trực Chính phủ, chúng tôi đã chịu áp lực lớn. Đây là thách thức với UBCK, là thời điểm chúng tôi căng thẳng, vì nếu có thêm vài ngày, vài tuần thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn...

Sau khi nhanh chóng đánh giá, phân tích tình hình cả trong ngắn hạn và trung hạn, trên cơ sở giải pháp được UBCK kiến nghị, sau khi thảo luận, Chính phủ đồng ý đề xuất của UBCK. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo không dùng liệu pháp sốc để ổn định thị trường, không dùng giải pháp hành chính, đặc biệt với TTCK phái sinh, nhưng có điều chỉnh chính sách điều hành theo hướng nâng tỷ lệ ký quỹ trên TTCK phái sinh.

Ngay khi cấp trên cho phép áp dụng giải pháp này, tôi quyết định cử 4 cán bộ gấp rút sang Trung Quốc tìm hiểu, nghiên cứu xem họ áp dụng giải pháp nâng tỷ lệ ký quỹ trên TTCK phái sinh thế nào. Đoàn công tác về báo cáo cho thấy, giải pháp nâng tỷ lệ ký quỹ ở Trung Quốc được triển khai với liều lượng quá mạnh, đã tác động tiêu cực đến thị trường.

Tại TTCK Việt Nam, nhờ sự điều hành hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính, nên giải pháp nâng tỷ lệ ký quỹ trên TTCK phái sinh được triển khai với liều lượng vừa phải. Nhờ đó, nửa cuối năm 2018, thị trường dần cân bằng và ổn định trở lại. 

Ông rút ra điều gì sau khi vượt qua những thời khắc khó khăn trong quản lý, điều hành thị trường?

Điều quan trọng là luôn tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính. Ở vào thời điểm TTCK biến động mạnh trong năm 2018, tôi nhận được sự quan tâm của Thủ tướng và Phó Thủ tướng về tình hình thị trường thế nào, giải pháp ra sao.

 Ảnh Dũng Minh

Lần đầu tiên trong lịch sử 19 năm phát triển của TTCK Việt Nam, Thường trực Chính phủ đã họp bàn để nghe báo cáo về diễn biến của TTCK, từ đó có những chỉ đạo rất sát sao... Cùng với đó, những người được giao nhiệm vụ điều hành thị trường như chúng tôi phải sẵn sàng tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Các quyết định được chúng tôi đưa ra đều đặt lợi ích của đất nước, của nền kinh tế, thị trường lên trên hết.

Thêm nữa, thông tin phải luôn kịp thời, minh bạch, nhất là vào những lúc thị trường “nước sôi lửa bỏng”. Khi sự cố hệ thống xảy ra ở HOSE, có người hỏi ông Chủ tịch UBCK xuất hiện ở HOSE để làm gì vì có “sờ vào” hệ thống để khắc phục được đâu? Tuy nhiên, tôi quyết định có mặt ở đó để kịp thời thông tin ra thị trường, cũng như nhanh chóng đưa ra quyết định có lợi nhất khi điều kiện cho phép.

Chúng tôi hiểu sự nóng lòng của thị trường, nhà đầu tư. Họ luôn cần câu trả lời cập nhật như tiến độ xử lý đến đâu, bao giờ hệ thống đưa vào giao dịch trở lại…? Chúng tôi đã và sẽ phải chủ động, nỗ lực cập nhật thông tin tối đa, nhất là trong những thời điểm thị trường gặp khó khăn. Đây là bài học quý giá để giúp nhà đầu tư yên lòng. 

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, đâu là những định hướng lớn của ngành chứng khoán trong chủ động hội nhập quốc tế, thưa ông?

Hội nhập quốc tế, thu hút hiệu quả, bền vững dòng vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam. Bởi vậy, công tác hội nhập quốc tế đang tập trung vào nhiều mảng việc quan trọng.

Đầu tiên là tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý TTCK quốc tế, nhằm cải thiện chất lượng điều hành và giám sát thị trường. Với mảng này, trong năm 2017 - 2018, việc tận dụng cơ chế hoạt động trong khuôn khổ của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) được đẩy mạnh hơn.

Nhờ đó, đã tạo hiệu ứng tích cực trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này phần nào thể hiện qua định hướng tái cấu trúc khối công ty chứng khoán là không tăng số lượng loại hình công ty này, nên thông qua cơ chế hợp tác đa phương và song phương, UBCK đã phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý các nước trong thẩm định chất lượng nhà đầu tư vào mua công ty chứng khoán Việt Nam.

Tiếp đến là hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Trước đây, hoạt động xúc tiến đầu tư do các công ty chứng khoán, UBCK tổ chức chỉ cung cấp lượng thông tin trong lĩnh vực chứng khoán, nên hiệu quả thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa đạt kết quả như mong đợi.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nhiều thị trường quốc tế lớn. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, với việc đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp dẫn đầu các đoàn xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đã mang lại những kết quả tích cực. 

Hoạt động xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản, Hoa Kỳ vào các năm 2014 - 2015 đã giúp dòng vốn từ các thị trường này vào Việt Nam tăng mạnh, trong đó dòng vốn đến từ Hoa Kỳ tăng gấp đôi.

Gần đây nhất, hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc do Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn đầu vào đầu quý II/2018 đã thúc đẩy lượng vốn từ thị trường này chảy mạnh vào Việt Nam. Đến cuối năm 2018, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài số 1 trên TTCK Việt Nam.

Kết quả của những nỗ lực cải cách đã được phản ánh qua việc trong năm qua, FTSE Russell đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi. Vượt qua thách thức, tôi tin, cơ hội thị trường sẽ lớn hơn...

Tin bài liên quan