Chọn mô hình nào cho hệ thống tài chính Việt Nam?

Chọn mô hình nào cho hệ thống tài chính Việt Nam?

(ĐTCK) “Sở hữu ngành ngân hàng của nhiều nước trên thế giới chỉ 17-20%, trong khi tại Việt Nam, Nhà nước sở hữu nhiều ngân hàng thương mại, có những nơi một km đường có 4-5 ngân hàng quốc doanh cùng hoạt động”.

Dẫn thực tế trên, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam phải tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống ngân hàng thương mại, tiếp tục chuyển sở hữu nhà nước sang khu vực tư nhân, đồng thời kích hoạt kênh dẫn vốn qua TTCK. Theo ông Hùng, đây là một trong những giải pháp cần làm để thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Theo một góc nhìn khác, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phân tích, tại các quốc gia trên thế giới, có 2 xu thế huy động vốn khác biệt. Thứ nhất, vốn trong nền kinh tế chủ yếu huy động từ TTCK, biểu trưng của xu thế này là nền kinh tế Mỹ. Thứ hai, vốn huy động trong nền kinh tế chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, mà biểu trưng của nó là nền kinh tế Nhật Bản, Đức. Trong 2 xu thế này, Việt Nam đi theo cách Nhật Bản, tức là nguồn vốn trong nền kinh tế chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng.

TTCK đã có, nhưng do mức độ minh bạch của các DN còn yếu kém, nên vai trò huy động vốn còn khá nhỏ. Từ phân tích trên, TS. Thắng cho rằng, việc tính toán tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng cần rất thận trọng, vì nó không đơn giản là câu chuyện của một ngành, mà là câu chuyện của kênh dẫn vốn chủ lực trong nền kinh tế.

Thị trường tài chính nên phát triển như thế nào là chủ đề luôn tạo sự tranh luận, bởi cái khó của Việt Nam là thị trường này chia làm hai mảng, do hai cơ quan cấp bộ quản lý. Cụ thể, một phần của thị trường tài chính - thị trường vốn (TTCK và thị trường tín dụng trung và dài hạn) do Bộ Tài chính quản lý; một phần khác của thị trường tài chính - thị trường tiền tệ (và một phần thị trường tín dụng trung và dài hạn) do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, TTCK phải phát triển trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế 2 năm gần đây cho thấy, TTCK Việt Nam huy động được khoảng 300.000 tỷ đồng/năm, mới chiếm khoảng 25% tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội. Phần lớn vốn đầu tư trong nền kinh tế vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.

Trong khi các chuyên gia trăn trở về mô hình thị trường tài chính Việt Nam, thì trong lòng TTCK, xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo mô hình nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính cũng đang là câu hỏi nóng.

Trên cơ sở thị trường trái phiếu chính phủ vận hành an toàn, trơn tru, gần đây, Bộ Tài chính đã giao cho Sở GDCK Hà Nội lập đề án phát triển thị trường TPDN để chuẩn bị dần cho việc hoàn thiện cấu trúc TTCK. Tuy nhiên, ở một cách nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN không thể tách rời thị trường cổ phiếu, hay nói cách khác, DN niêm yết cổ phiếu ở đâu thì nơi đó phải là nơi tổ chức thị trường TPDN.

Theo cách hiểu này, Sở GDCK TP. HCM mới chính là tổ chức phải lập đề án phát triển thị trường TPDN, vì hầu hết các DN lớn, DN có khả năng phát hành trái phiếu huy động vốn, đều đang niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM.

Trên phạm vi TTCK, nếu hai Sở GDCK hợp nhất, việc đơn vị nào phát triển thị trường TPDN sẽ không còn là chuyện phải bàn. Trên phạm vi thị trường tài chính, khi các cơ quan đang quản lý từng cấu phần thị trường hợp sức lại, thì câu chuyện phát triển hệ thống tài chính theo mô hình Mỹ hay Nhật có thể sẽ dễ hài hòa, thống nhất hơn. Do phân vai quản lý và chức năng từng cơ quan khác nhau, việc tranh luận về mô hình thị trường sẽ còn nhiều góc nhìn khác biệt.

Tin bài liên quan