Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho UBCK

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho UBCK

Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để TTCK phát triển

(ĐTCK) Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam, diễn ra ngày 28/11 vừa qua.

Dấu ấn 20 năm

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, cùng với tiến trình đổi mới toàn diện được Đảng ta đề ra từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước và mục tiêu xây dựng, phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xác lập một kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển bên cạnh kênh dẫn vốn ngắn hạn từ khu vực ngân hàng cũng bắt đầu được đặt ra từ đầu những năm 1990.

Tiếp đó là các mốc đáng nhớ đối với sự ra đời của thị trường chứng khoán (TTCK): Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chuẩn bị tổ chức thị trường chứng khoán; ngày 28/11/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/CP về thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM đi vào hoạt động; ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội đi vào hoạt động và ngày 27/7/2005, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được thành lập.

20 năm hình thành và phát triển TTCK là một chặng đường đầy thử thách, cam go nhưng cũng đầy tự hào. Chúng ta đã thành công trong xây dựng và phát triển TTCK trong khi chưa có mô hình định sẵn, chưa có thực tiễn.

“Trong quá trình hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm do tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, cùng với sự đoàn kết nhất trí cao và nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các thành viên thị trường..., TTCK đã không ngừng phát triển, hoàn thiện và ngày càng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế”, ông Vũ Bằng nói.

Những thành tựu nổi bật mà ngành chứng khoán đạt được trong 20 năm qua, ông Bằng cho biết, đó là đã tạo lập được một thể chế thị trường bậc cao phù hợp với trình độ phát triển của nước ta, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và hội nhập quốc tế; xây dựng và ngày càng hoàn thiện một hệ thống khuôn khổ pháp lý, chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm cho TTCK hoạt động thông suốt, an toàn, công bằng, công khai, minh bạch và có hiệu quả.

TTCK trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, tổng huy động vốn qua TTCK đã đạt được trên 2 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút gần 17 tỷ USD vốn gián tiếp nước ngoài.

TTCK đã góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, cải cách đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng thương mại tăng tổng vốn điều lệ từ 20.600 tỷ đồng lên 278.600 tỷ đồng.

Quy mô và tính thanh khoản của TTCK đã tăng gấp hàng trăm lần so với những năm đầu thành lập, góp phần thu hẹp thị trường tự do, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước với 1,64 triệu tài khoản.

Đến nay, thị trường chứng khoán đã có trên 1.000 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch và gần 600 loại trái phiếu niêm yết. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ trái phiếu đạt 63% GDP. Giá trị giao dịch bình quân tăng gấp 112 lần so với giai đoạn đầu.

Hệ thống trung gian chứng khoán đã có sự phát triển mạnh về số lượng, quy mô; tính chuyên nghiệp và nền tảng công nghệ; mạng lưới rộng khắp cả nước.

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã được tái cấu trúc lại, áp dụng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro, an toàn tài chính theo tiêu chuẩn Basel II. Mô hình và cấu trúc thị trường ngày càng được nâng cấp và phát triển.

Các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã thực hiện chức năng giao dịch, lưu ký, thanh toán thông suốt, an toàn, đồng thời chú trọng phát triển công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, quản trị nội bộ và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho thị trường.

Hoạt động thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định, kỷ cương pháp luật của thị trường.

Ở tuổi 20 đầy sức trẻ, TTCK Việt Nam đảm nhận thêm nhiệm vụ mới là xây dựng, phát triển thị trường phái sinh bên cạnh mảng thị trường truyền thống. Trong ảnh: Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK nhấn chuông đánh dấu dấu mốc giai đoạn phát triển mới của TTCK. 

Phát triển TTCK với nhịp độ nhanh hơn

“Thời gian tới, TTCK còn rất nhiều công việc phải làm nhằm chuyển từ giai đoạn phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từng bước khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, TTCK còn rất nhiều tiềm năng và chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trong thời gian tới trên cơ sở những định hướng chính sách phát triển và đổi mới nền kinh tế đất nước... ”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng chia sẻ.

Bên cạnh đảm bảo ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn thiện; tăng cường tính công khai, minh bạch và tiếp cận các thông lệ quốc tế, phát triển TTCK với nhịp độ nhanh hơn là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành chứng khoán đang hướng tới.

Cùng với đó là tiếp tục tăng quy mô, độ sâu, tính thanh khoản, chất lượng, hiệu quả của thị trường; nâng cao sức cạnh tranh, năng lực của hệ thống định chế trung gian, tổ chức phụ trợ và mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế; tăng cường năng lực quản lý, giám sát thị trường.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ông Bằng cho biết, ngành chứng khoán sẽ tập trung vào hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi; tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường, phát triển các hiệp hội, tổ chức phụ trợ; tái cấu trúc tổ chức thị trường, hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin của thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch trên TTCK; tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền.  

TTCK trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế

Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để TTCK phát triển ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, định hình cấu trúc hệ thống tài chính hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch. Tuy nhiên, thị trường vẫn bộc lộ một số hạn chế về khung khổ pháp lý, chất lượng hàng hóa, tổ chức thị trường. Để bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK, ngành Chứng khoán cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính quốc gia. Qua đó, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, phát triển TTCK bền vững, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, chất lượng các chủ thể tham gia thị trường, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Thứ ba, phát triển TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất. Tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số.

Thứ tư, phát triển TTCK gắn kết với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục đưa nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán.

Thứ năm, phát triển TTCK phải gắn kết với việc phát triển thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm nhằm tạo ra một thị trường tài chính thống nhất, toàn diện, đồng bộ. TTCK phải là kênh giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn tài chính và đầu tư, đổi mới và sáng tạo, giảm thủ tục vốn ngắn hạn trên ngân hàng, giảm chi phí sử dụng vốn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ sáu, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế. Đón đầu các xu hướng, tiến bộ, công nghệ mới trong công tác quản lý và tổ chức hệ thống giao dịch lưu ký và bảo đảm tính bảo mật, an ninh, an toàn, giao dịch cho nhà đầu tư. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, đạt mục tiêu và lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam ngay trong 2 năm tới.

Chính phủ cam kết tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để TTCK Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

Tin bài liên quan