Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Chiến tranh thương mại leo thang, cổ phiếu nào hưởng lợi?

(ĐTCK) VN-Index hồi phục vượt qua mốc 1.000 điểm cho thấy nhà đầu tư dường như không mấy lo ngại những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trên thực tế, có không ít cổ phiếu phát tín hiệu tích cực về cơ hội đầu tư trung và dài hạn bởi tiềm năng hưởng lợi từ cuộc chiến này. 

Ngay sau động thái Mỹ đánh thuế với 200 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư thương mại TNG cho biết, trong giai đoạn này, khách hàng từ thị trường Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam khá nhiều, nên những doanh nghiệp dệt may có năng lực đón đầu được cơ hội sẽ thành công.

Ông Thời cho biết, từ vài năm trước, doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, mua lại các nhà máy yếu kém, mở rộng sản xuất.

Tháng 7 vừa qua, TNG đã mua một nhà máy thời trang, từ chỗ có 6 dây chuyền may nay đã đầu tư lên 30 dây chuyền, dự kiến sang đầu năm 2019 sẽ đưa vào sản xuất để đáp ứng đơn hàng từ Colombia.

Trước đây, TNG gia công cho Nike, Adidas với số lượng nhỏ giọt, nhưng hiện nay, "có bao nhiêu công suất đều thực hiện bấy nhiêu". Chủ tịch TNG cho biết, doanh thu Công ty từ tháng 4 tăng rất tốt. Dự kiến, doanh thu cả năm sẽ tăng 140% so với kế hoạch ban đầu. Đến tháng 9 này, ước tính, TNG đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ĐHCĐ thường niên 2018, TNG đặt kế hoạch 2.750 tỷ đồng doanh thu và 127 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch này tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2017.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, may mặc và giày dép sẽ là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, các doanh nghiệp trong các ngành hàng này nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với với USD. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt cũng có cơ hội lấy được thêm thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Thông tin tích cực này phản ánh ngay vào giá cổ phiếu ngành dệt may trên sàn. Cổ phiếu TNG đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp trong ngày 18 - 19/9. 

Tương tự, cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ có chuỗi phiên đi lên liên tiếp từ 18/9 tới nay, trong đó có 3 phiên tăng trần. STK là công ty sản xuất sợi polyester filament lớn thứ hai tại Việt Nam với 28% thị phần. Hiện STK có 5 nhà máy với tổng công suất 60.000 tấn/năm.

Cổ phiếu TCM (CTCP Dệt may Thành Công) cũng có nhiều phiên tăng tốt. Chuỗi tăng của TCM không chỉ kéo dài từ 11/9 đến 19/9 mà trong 3 tháng nay, cổ phiếu này luôn nằm trong xu hướng đi lên. Với thị giá hiện nay (29.000 đồng/cổ phiếu), cổ phiếu này đã tăng tới 78% so với đầu tháng 7. Thanh khoản cũng tăng vọt từ đầu tháng 9 tới nay.

Bên cạnh các doanh nghiệp dệt may, theo đánh giá của giới phân tích, một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi hàng hóa cùng loại từ thị trường Mỹ vào Trung Quốc gặp rào cản lớn hơn.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, cơ hội mở ra cho xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ do ngành thủy sản Trung Quốc phải đối mặt với áp lực thuế quan.

Trong đó, Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp có thuận lợi thấy rõ, khi đây là doanh nghiệp đầu ngành, đóng góp phần lớn vào xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, đồng thời không bị đánh thuế khi xuất sang thị trường này.

Cổ phiếu VHC không có phiên nào giảm trong tuần qua. Nhìn xa hơn, trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu này tăng khoảng 23%, lên 94.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài thủy sản, HSC đánh giá các doanh nghiệp vận hàng cảng biển và các công ty dịch vụ hàng hóa hàng không và các khu công nghiệp cũng được hưởng lợi từ dòng chảy thương mại gia tăng. Đại diện của các nhóm ngành này là VSC, GMD, SCS, KBC, VGC.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất...,

Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ, cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Nhìn chung, đội ngũ phân tích cho rằng, các tác động tích cực và tiêu cực sẽ cân bằng hoàn toàn với nhau.

Nhìn về dài hạn, ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, giúp đẩy mạnh vốn FDI vào Việt Nam cũng như tạo ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội hiện tại.

Tin bài liên quan