Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Chiến lược chọn hàng khi virus vẫn “lởn vởn” ngoài biên giới

(ĐTCK) Giới đầu tư sau một giai đoạn chỉ tập trung vào những thông tin tốt đã bắt đầu quay sang nghi ngờ về đà hồi phục của nền kinh tế, bên cạnh đó nỗi lo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại thêm một lần nữa.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã châm ngòi cho nỗi lo sợ của giới đầu tư khi dự báo nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm (-) 6,5% trong năm 2020 và tăng trở lại 5,5% trong năm 2021.

Ðược biết, quý I/2020, tốc đột tăng trưởng GDP của Mỹ là âm 4,8%, như vậy đồng nghĩa Fed dự báo kết quả kinh doanh có thể còn tệ hơn trong quý II và quý III tới.

Nhà đầu tư bắt đầu có dấu hiệu tập trung hơn vào các thông tin tiêu cực như tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến ban đầu.

Quá trình mở cửa sớm tại Mỹ, châu Âu trong khi chưa khống chế được dịch Covid-19 có nguy cơ khiến làn sóng lây nhiễm thứ hai quay trở lại.

Mới đây, theo số liệu báo cáo tại Mỹ, các bang mở cửa sớm đều có số ca nhiễm mới tăng. Trong khi đó, các quốc gia khống chế dịch tốt khi mở cửa nền kinh tế với các quốc gia khác lại đối mặt với nguy cơ có nguồn lây nhiễm bên ngoài xâm nhập vào.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thể hiện sự đối đầu trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị.

Khi nhà đầu tư tập trung vào những rủi ro hơn là cơ hội, họ đã bắt đầu phản ứng sự tiêu cực lên tài sản tài chính. TTCK từ Mỹ, châu Âu, châu Á… đều biến động mạnh và xuất hiện phiên giao dịch hoảng loạn ngày thứ Năm tuần qua (11/6).

Chiến lược chọn hàng khi virus vẫn “lởn vởn” ngoài biên giới  ảnh 1

Sự đồng pha của các thị trường chứng khoán lớn.

Không những chứng khoán mà ngay cả giá dầu sau giai đoạn hồi phục mạnh cũng cho thấy dấu hiện đảo chiều. Trái ngược với những tài sản rủi ro, tài sản có xu hướng phòng thủ như vàng, trái phiếu thu hút dòng tiền.

Cuối tuần qua, tỷ suất lợi tức trái phiếu kỳ hạn 2, 5 và 10 năm giảm xuống, điều này thể hiện dòng tiền có dấu hiệu đổ mạnh vào trái phiếu khiến giá tăng và lợi tức giảm.

Chiến lược chọn hàng khi virus vẫn “lởn vởn” ngoài biên giới  ảnh 2

Tỷ suất lợi tức trái phiếu Mỹ 6 tháng, 1, 2, 5 và 10 năm.

Lợi tức trái phiếu đang ở mức rất thấp như đã giảm từ 0,9% về 0,664% trong chưa đầy 1 tuần, tình trạng tương tự ở các kỳ hạn khác. Như vậy, giới đầu tư đang quan tâm tới kênh giữ tiền hơn là kênh kiếm lời và trái phiếu chính phủ Mỹ hiện tại chủ yếu là giữ tài sản.

Như vậy, có thể thấy, sau khi lo ngại về nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự báo, cũng như những rủi ro khác, hành động của giới đầu tư toàn câu đang nghiêng về kịch bản phòng thủ.

Trong khi đó, nhà đầu tư giá trị Warren Buffett vẫn giữ vững lập trường thận trọng với diễn biến phức tạp của nền kinh tế toàn cầu thời điểm hiện tại.

Trong báo cáo tài chính quý I/2020, Tập đoàn Berkshire Hathaway đã nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục lên tới 137 tỷ USD, tăng 10 tỷ USD so với cuối năm 2019 và thực hiện thoái ra cổ phiếu hàng không, ngân hàng.

Ðiều này tương phản với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi Berkshire Hathaway đã dùng lượng tiền mặt dự trữ khổng lồ để mua cổ phiếu và giải cứu nhiều doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực sụp đổ.

Trong thư gửi cổ đông năm 2010, ông Warren Buffett điểm lại những vụ mua lại mà ông đã thực hiện trong 18 tháng qua, trong đó tiêu biểu nhất là vụ mua lại hãng vận hành đường ray Burlington Nerthern Santa Fe Railway với trị giá hơn 26 tỷ USD, ngoài ra còn có mua cổ phiếu của Goldman Sachs, GE, Wm. Wrigley Jr… tổng trị giá 15,5 tỷ USD.

Có thể thấy, trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra lần này, ông Warren Buffett đã thực hiện chiến lược thận trọng hơn và đứng ngoài quan sát thị trường hơn là bắt đáy.

Trong khi đó, giới đầu tư có vẻ lạc quan quá đà trong tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6 với kỳ vọng nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế chỉ có chứng khoán hồi phục mạnh nhờ dòng tiền giá rẻ mà các ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế vẫn đối mặt với thách thức.

Kịch bản TTCK đối mặt với giai đoạn giá xuống là khá hiện hữu, vấn đề chỉ là thời điểm nhà đầu tư chuyển từ tâm lý hưng phấn sang bi quan và phản ứng bằng cách bán ra những cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 11/6, thị trường đã và đang phát đi tín hiệu rủi ro gia tăng đối nhà đầu tư.

Những sai lầm nhà đầu tư có thể mắc phải

Thứ nhất, sự bảo thủ trong đầu tư với hy vọng doanh nghiệp mình nắm giữ có thể đi ngược xu hướng chung của thị trường. Thông thường, TTCK liên tục tạo ra các xu hướng tăng - giảm đan xen, nếu như vào chu kỳ mở rộng của nền kinh tế thì thị trường liên tục tạo sóng và giá cổ phiếu tạo nền giá mới cao hơn.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn nền kinh tế thắt chặt, giá cổ phiếu mặc dù vẫn có sóng nhưng mặt bằng giá có diễn biến thấp dần theo thời gian.

Hiện tại, với việc đối mặt với rủi ro đại dịch từ bên ngoài còn kéo dài, đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu nông sản, gia công dệt may, gia dày… có thể chịu ảnh hưởng lớn hơn. Với bất ổn về trung hạn và rủi ro thế giới bước vào thời kỳ bảo hộ quốc gia, việc chủ yếu tiêu thụ trong nước sẽ thách thức mà chúng ta cần đối mặt.

Vì vậy, việc nhà đầu tư quá bảo thủ trong giai đoạn bất ổn toàn cầu sẽ dễ dẫn tới thua lỗ. Năm 2020 là năm mà mọi thứ không thể đều đã diễn ra như giá dầu âm, đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, chứng khoán bị bán tháo liên tục khiến không ít thị trường kích hoạt chế độ đóng cửa tạm thời… Ðiều này cho thấy, thị trường đã và đang trong giai đoạn bất ổn và phản ứng của tâm lý bầy đàn là khó lường.

Thứ hai, nhà đầu tư hay có thói quen nhớ lại những vùng đỉnh trước đó là cơ sở so sánh cổ phiếu đã giảm 20-30% mà quên rằng trong giai đoạn tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6, TTCK đã tăng rất mạnh.

Thói quen này sẽ dễ dẫn tới việc bắt đáy quá sớm của nhà đầu tư khi tâm lý nhà đầu tư đã chuyển từ tích cực sang tiêu cực và khi đó mọi chuyện đều có thể diễn ra. Việc bảo vệ tài khoản nên được ưu tiên hơn là việc kỳ vọng vào sự hồi phục.

Nếu như nhà đầu tư chọn lựa bảo vệ tài khoản, khi thị trường quay lại vùng giao dịch ổn định thì cơ hội kiếm lời sẽ cao hơn thời điểm thị trường có xu hướng không chắc chắn.

Nhóm phòng thủ sẽ sớm hút dòng tiền

Khi mà nền kinh tế có dấu hiệu chuyển dịch sang sự bi quan, giới đầu tư sẽ dần có sự dịch chuyển quan điểm đầu tư và nắm giữ loại tài sản, cũng như doanh nghiệp.

Ðối với kênh phân bổ đầu tư, giới đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch vào các tài sản an toàn hơn như vàng, trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn và gia tăng lượng tiền mặt, thay vì cổ phiếu.

Ðối với việc phân bổ trong nhóm cổ phiếu, giới đầu tư sẽ ưa thích nhóm cổ phiếu phòng thủ để giải ngân hơn là nhóm cổ phiếu chu kỳ, hoặc là tương lai không chắc chắn. Thông thường, ở Việt Nam, nhóm cổ phiếu phòng thủ có thể giao dịch là điện, nước.

Ðối với nhóm cổ phiếu dược cũng là nhóm phòng thủ, tuy nhiên gặp trở ngại lớn là thanh khoản tương đối thấp, việc giao dịch gặp nhiều khó khăn.

Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) được giới đầu tư biết đến với hoạt động kinh doanh ổn định, cung cấp nước sạch và xử lý rác thải ở Bình Dương.

Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu và lộ trình tăng giá nước mỗi năm 5%, điều này đã giúp kết quả kinh doanh của BWE liên tục cải thiện và tăng trưởng.

Ðược biết, doanh thu trong hai năm 2018 và 2019 là 2.197,5 tỷ đồng và 2.545,7 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 22,4% và 15,8%. Lợi nhuận hai năm 2018 và 2019 là 325 tỷ đồng và 476 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 57,4% và 46,5%.

Trong quý I/2020, doanh thu và lợi nhuận là 733 tỷ đồng và 131,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 49,2% và 26,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) cũng hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, ngoài ra còn sở hữu 38,5% tại BWE.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của TDM liên tục gia tăng và cải thiện: năm 2016, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính là 67,5 tỷ đồng, năm 2017 là 142,9 tỷ đồng, năm 2018 là 160,8 tỷ đồng và năm 2019 là 172,8 tỷ đồng. Trong báo cáo quý I/2020, doanh nghiệp cho biết, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính là 87,6 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện than, mặc dù những nhà máy hiện hữu có dấu hiệu bão hoà, nhưng doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư dự án Nhiệt điện Phả Lại 3 với công suất 660 MW, tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính 20.709 tỷ đồng.

Hiện tại, PPC đang sở hữu 2 nhà máy với công suất thiết kế 1.040 MW, các nhà máy đã đi qua điểm khấu hao và đang vận hành, tuy nhiên tuổi thọ lâu đời hơn so với các nhà máy nhiệt điện khác. Ðược biết, động lực tăng trưởng của PPC đến từ hai công ty đang đầu tư là Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), tỷ lệ sở hữu lần lượt là 25,97% và 16,35%.

Hiện tại, công suất nhà máy của HND là 1.200 MW, QTP là 1.200 MW và PPC là 1.040 MW. Nhà máy của HND và QTP mới đi vào vận hành nên nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục gia tăng đối với các doanh nghiệp này, từ đó giúp PPC gia tăng lợi tức từ đầu tư.

Khi giới đầu tư bắt đầu lo ngại, họ sẽ dần chuyển dịch khẩu vị đầu tư. Nhóm cổ phiếu phòng thủ với hoạt động kinh doanh trong ngành thiết yếu có thể là một lựa chọn cần lưu tâm.

Tin bài liên quan