Chi tiết về nghi án thao túng cổ phiếu FTM

Chi tiết về nghi án thao túng cổ phiếu FTM

(ĐTCK) Cuộc họp ngày 4/9/2019 của đại diện 11 công ty chứng khoán bị thiệt hại sau khi cổ phiếu FTM giảm giá sàn 23 phiên, mất 81% giá trị vốn hóa đã cho thấy các dấu hiệu cổ phiếu này bị làm giá. Các công ty chứng khoán đang soạn đơn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch FTM cũng cho biết, Công ty đã có đơn gửi một số cơ quan chức năng trình bày câu chuyện từ phía Công ty. 

11 công ty chứng khoán ước thiệt hại 200 tỷ đồng

Sau khi so khớp số liệu, các công ty chứng khoán chỉ ra rằng, gần 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.

Phần lớn các tài khoản thực hiện đăng nhập và đặt lệnh thông qua các địa chỉ IP giống nhau và có địa chỉ đăng ký tại 2 tòa nhà ở Hà Nội là tầng 6, Tòa nhà Lya Building, phố Ðào Tấn và tầng 9, Tòa nhà Icon 4, đường La Thành.

Theo một nguồn tin chưa chính thức, một số cá nhân mở tài khoản và vay giao dịch ký quỹ (margin) thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường, khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM (đến tháng 4/2019, ông Thường từ nhiệm vị trí Chủ tịch).

Tuy nhiên, khi trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán đặt câu hỏi này với ông Thường, ông cho biết, ông là người sáng lập FTM và hiện sở hữu 40% vốn tại Công ty.

60% vốn còn lại thuộc các cá nhân khác. Theo ông Thường, có thể họ ủy quyền cho nhau để tạo nên một số cá nhân sở hữu lớn, sau đó tham gia giao dịch cổ phiếu thông qua hai cá nhân lãnh đạo Công ty SMD.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM, thay thế ông Thường, vừa có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch từ ngày 16/9/2019. Từ cuối năm 2018, ông Giang không nắm giữ cổ phiếu FTM nào, sau khi đã bán 30.000 cổ phiếu vào ngày 1/8/2018.

Ðược biết, ông Giang có tham gia làm việc với các công ty chứng khoán nêu trên và ngày 11/9/2019, FTM phát đi thông báo về việc cổ phiếu FTM liên tục giảm giá sàn, trong đó có nói đến những tin đồn thất thiệt. Một số công ty chứng khoán cho biết, ông Giang là người đứng tên hộ tài khoản cho ông Thường.

Theo nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng thiệt hại ước tính của các công ty chứng khoán khoảng 200 tỷ đồng khi cổ phiếu FTM giảm giá và mất thanh khoản.

Giá cho vay margin FTM trung bình là 7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp thấp là 4.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Ðại diện các công ty chứng khoán đã yêu cầu làm việc với ông Thường và ông Giang, đề nghị có phương án trả nợ trước ngày 6/9/2019.

Ðiều kiện này không được đáp ứng nên các công ty chứng khoán đã có cuộc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Về phía FTM, ngày 6/9/2019, Công ty Luật Bross & Partners có văn bản gửi 11 công ty chứng khoán thông báo về việc Công ty là đơn vị tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền của 8 cổ đông lớn tại FTM trong quá trình giải quyết vụ việc có liên quan đến hoạt động giao dịch cổ phiếu FTM.

8 cổ đông này bao gồm các ông/bà: Lê Quốc Quân, Phạm Ðình Giá, Phạm Ðức Tâm, Nguyễn Mạnh Tùng, Lâm Văn Ðỉnh, Bùi Năng Luân, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Chí Cường.

Cùng với đó, ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch FTM cho biết, Công ty đã có văn bản gửi một số cơ quan chức năng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình bày về vụ việc trên.

Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán, 8 người trên mở tài khoản tại 11 công ty chứng khoán và cùng ủy quyền giải quyết vụ việc cho một đơn vị tư vấn luật thì chẳng khác nào họ thừa nhận là cùng một nhóm.

Bất thường diễn biến giá cổ phiếu FTM

FTM niêm yết ngày 6/2/2017, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu và không có quá nhiều biến động trong gần 2 năm sau đó, tính đến cuối tháng 11/2018 (giá cao nhất đạt 19.000 đồng/cổ phiếu phiên 25/7/2018, giá thấp nhất là 11.400 đồng/cổ phiếu phiên 1/6/2017).

Khối lượng giao dịch trung bình năm 2017 của FTM chưa đến 500.000 đơn vị/phiên và sang năm 2018, khi các cổ đông nội bộ (thành viên Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị, Ban điều hành) liên tục bán ra, đồng thời xuất hiện thêm các cổ đông mới mua vào thì thanh khoản FTM tăng lên, ở mức trên 800.000 đơn vị/phiên.

Chi tiết về nghi án thao túng cổ phiếu FTM ảnh 1

Sau đó, nhiều cổ đông lớn mới xuất hiện, gom mua mạnh giai đoạn tháng 11/2018, chẳng hạn nhà đầu tư Lâm Văn Ðỉnh, Phạm Ðình Giá, Nguyễn Chí Cường, Lê Quốc Quân, Nguyễn Thanh Hà…

Cho đến ngày 26/3/2019, nhà đầu tư Lê Quốc Quân mua thêm hơn 750.000 cổ phiếu FTM mới tạm chấm dứt chuỗi gom mua rải rác của những nhà đầu tư này.

Diễn biến giá cổ phiếu FTM bắt đầu có biến động mạnh từ tháng 2 đến cuối tháng 7/2019, từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 23.800 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên.

Ðáng chú ý, thời điểm cổ phiếu FTM tăng giá không gắn với bất kỳ thông tin tích cực nào về kết quả kinh doanh của Công ty, mà ngược lại, xuất hiện những thông tin tiêu cực tác động đến ngành sợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thị trường xuất khẩu chính của FTM là Trung Quốc nên sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh.

Theo giải trình của FTM, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá sợi ổn định trong khoảng 3,02 - 3,2 USD/kg, nhưng đến quý II/2019, đơn giá bán giảm xuống 2,58 - 2,85 USD/kg. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào là bông có giá tồn kho cao.

Cuối quý II/2019, giá bông chỉ còn 1,76 USD/kg, trong khi bông tồn kho cũng như các đơn hàng đã đặt trước của Công ty có giá lên đến 1,96 USD/kg.

Tại ngày 30/6/2019, hàng tồn kho của FTM là 368 tỷ đồng, tăng 2,51 lần so với đầu năm, chủ yếu là nguyên vật liệu (301 tỷ đồng).

Thực tế cho thấy, nhiều doanh  nghiệp trong ngành gặp khó khăn đối với xuất khẩu sợi.

Chẳng hạn, một đơn vị khác trong lĩnh vực dệt may có thị trường xuất khẩu sợi sang Trung Quốc là TCM ghi nhận biên lợi nhuận sản phẩm sợi trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận chung như báo cáo tài chính đã công bố.

Theo đó, doanh nghiệp này đã phải tái cấu trúc, giảm sản lượng sợi, phát triển sản phẩm sợi mới có biên lợi nhuận cao.

Quay trở lại FTM, quý I/2019, Công ty báo lỗ, quý II lỗ nhiều hơn. Tồn kho quý I là 138 tỷ đồng, quý II tăng vọt lên 367,6 tỷ đồng. Vậy nhưng, trong giai đoạn này, giá cổ phiếu FTM lại có diễn biến tăng.

Nhiều ý kiến nhận định, giá cổ phiếu FTM được đẩy lên để có được mức margin cao hơn.

Về cơ bản, thị giá một cổ phiếu cao sẽ được margin cao hơn. Ngoài ra, thanh khoản cũng là yếu tố mà các công ty chứng khoán xem xét để cấp/không cấp và tỷ lệ cấp margin cho cổ phiếu.

Cộng thêm với việc chưa có công bố thông tin nào của FTM về giao dịch của cổ đông lớn và cũng chưa có thông báo nhắc nhở công bố thông tin  từ cơ quan quản lý càng khẳng định nghi ngờ về việc một số tài khoản của cổ đông lớn sử dụng margin và bị bán giải chấp ra thị trường, nhưng khối lượng khớp lệnh không đáng kể so với lượng muốn bán.

Mức thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng cho 11 công ty chứng khoán hiện nay là do nhóm cổ đông lớn tại FTM đã tận dụng chính sách margin của công ty chứng khoán để cầm cố cổ phiếu FTM giai đoạn giá cao, sau đó giá cổ phiếu sụt giảm và mất thanh khoản, khiến các công ty chứng khoán ôm mớ tài sản thế chấp đang mất dần giá trị.

Tính đến ngày 18/9/2019, cổ phiếu FTM có 24 phiên liên tiếp giảm giá sàn, từ 23.650 đồng/cổ phiếu xuống 3.980 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán giá sàn trong phiên này là hơn 6 triệu đơn vị.

Một diễn biến đáng chú ý khác, sau cuộc gặp gỡ với các công ty chứng khoán thì ngày 17/9/2019, FTM đã có công văn trả lời Báo Ðầu tư Chứng khoán về diễn biến giá cổ phiếu FTM và tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Vì sao cổ phiếu có đến 19 phiên giảm giá sàn liên tiếp (tính đến phiên 11/9/2019), Công ty mới có động thái lên tiếng, Tổng giám đốc FTM, ông Ðỗ Văn Sinh trả lời rằng, giá cổ phiếu giảm mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của Công ty.

Trước tình hình này, một số trang báo đăng tải các bài viết phản ánh thông tin về giao dịch cổ phiếu FTM thiếu chính xác.

Quan ngại việc đăng tải các bài viết có dấu hiệu quy chụp, định hướng dư luận có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam và tâm lý các nhà đầu tư, đồng thời điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín của FTM, do đó Công ty đã ra thông báo cáo chí nhằm thực hiện công tác truyền thông và cung cấp thông tin phản hồi trước những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Tổng giám đốc FTM cũng cho biết, cổ đông lớn của Công ty chiếm 79% vốn điều lệ. Theo quan điểm của Ban điều hành, việc giao dịch cổ phiếu và diễn biến giá cổ phiếu tăng/giảm là do tác động của thị trường và tâm lý các nhà đầu tư.

Về hoạt động kinh doanh, FTM cho hay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của Công ty nói riêng và ngành sợi Việt Nam trong thời gian qua.

Với đặc thù kinh doanh sợi bông cotton, Trung Quốc là thị trường chủ lực của của FTM, nên chiến tranh thương mại đã làm cho sản lượng tiêu thụ và giá bán sợi của Công ty sụt giảm trong nửa đầu năm 2019.

Cụ thể, sản lượng sợi bán ra 6 tháng năm 2019 giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, giá bán sợi có chiều hướng đi xuống, giá bán trung bình giảm 15% so với cùng kỳ.

Theo đó, tình hình kinh doanh của FTM gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua và có kết quả lợi nhuận âm trong hai quý đầu năm 2019: doanh thu đạt 459 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận âm 31 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán về tình hình Công ty, ông Lê Mạnh Thường, cho biết, cuối năm nay, Công ty sẽ cố gắng không lỗ.

Với sức ép đòi nợ từ các công ty chứng khoán, ông Thường cho biết, nhiều cổ đông, cán bộ, nhân viên Công ty rất lo lắng, có người đã phải nhập viện.

Ông mong muốn tìm ra cách nào các bên liên quan cùng ngồi lại và có trách nhiệm xử lý tài chính trước những việc đã xảy ra.

Tin bài liên quan