Giá giảm là người bạn đồng hành lâu dài của nhà đầu tư.

Giá giảm là người bạn đồng hành lâu dài của nhà đầu tư.

“Cháy tài khoản” vì Covid-19, phải làm sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dạo một vòng qua các diễn đàn, có thể bắt gặp nhiều bình luận tiêu cực và mang tâm lý đám đông nặng nề. Đa phần họ là những người bị “cháy tài khoản” hoặc các nhà tư vấn đang trong một mùa “thất bát” vì không có phí giao dịch.

“Cháy tài khoản” là tình trạng xảy ra trên tài khoản chứng khoán, đặc biệt tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bẩy lớn trong giai đoạn vừa qua. Điều duy nhất nhà đầu tư có nguy cơ “cháy tài khoản” nghĩ tới lúc này là cuộc chạy đua “cắt lỗ”.

Người nhanh chân sẽ là người lỗ ít nhất, những nhà đầu tư chậm chân thì rơi vào tình trạng tài khoản cháy nhanh chóng. Và với việc sử dụng đòn bẩy cao, sự sụt giảm của thị trường như đợt vừa rồi có thể lấy mất một nửa tài khoản.

Cần nhìn vào thực tế của doanh nghiệp

Khi đám đông tạm gọi là “đạp lên nhau để chạy”, đó là vì động cơ ban đầu chứa nhiều yếu tố “lòng tham”, nên theo đó, hệ quả là “sự sợ hãi”.

Cụ thể, lý do bắt đầu mua cổ phiếu không có gì khác ngoài muốn kiếm được nhiều tiền hơn, quy trình nghiên cứu rất ngắn hoặc thậm chí là không có. Từ đó tính nền móng yếu tựa như “những lâu đài trên cát”, chỉ một cơn sóng nhỏ có thể cuốn trôi mọi thứ.

Phong cách đầu tư “lâu đài cát” rất phổ biến trên thị trường và là nguyên nhân gây ra sự biến động lớn của chỉ số tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào.

Có nhiều ý kiến tranh cãi về việc nhìn tài khoản chứng khoán “bốc hơi” hàng ngày là điều khó chấp nhận được, cắt lỗ và bảo toàn vốn là nguyên tắc sống còn.

Những tranh cãi này sẽ không có hồi kết vì chỉ đơn thuần là dựa trên mức lời/lỗ của từng cổ phiếu, mà không phải là tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Không có doanh nghiệp nào kinh doanh tốt thực sự mà giá cổ phiếu lại giảm bền vững. Chắc chắn những cổ phiếu giảm nhanh sẽ có vấn đề và nhiều loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Nhà đầu tư cần quan sát rất kỹ hành vi của họ có xảy ra các hoạt động cụ thể như sau: liên tục nhìn bảng điện, kiểm tra lời/lỗ của tài khoản và “ngất lên ngất xuống”, nhấp nhổm không ngồi yên và không có tâm trí để làm bất kỳ việc gì khác, nóng lòng tìm những cổ phiếu khác để “thế chỗ” trong danh mục, thậm chí dễ dàng “nổi nóng” với những việc không liên quan tới khoản đầu tư của họ…

Tin buồn là những nhà đầu tư nào rơi vào trạng thái này, họ đang bị thị trường chi phối và họ sẽ đánh mất quyền kiểm soát mức lời/lỗ thực sự trong tài khoản vào một ngày không xa. Quá trình tư duy này cần thay đổi để thoát khỏi tình trạng “cháy tài khoản” thực sự.

Mức lời/lỗ thực sự của tài khoản phải gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không phải gắn liền với cảm xúc của nhà đầu tư. Việc tái cơ cấu danh mục chứng khoán không liên quan gì tới việc tái cấu trúc của doanh nghiệp sẽ dẫn tới kết quả rất tệ.

Cảm xúc sụt nhanh hơn mức lỗ của tài khoản luôn dẫn tới những thảm họa khó lường,  “hai lần cháy sẽ là khét”. Chuyển từ chiến lược giao dịch sang chiến lược nắm giữ dài hạn cũng tạo ra thảm họa tương tự, vì đây không phải kết quả của quá trình lựa chọn, mà gốc rễ là ở “lòng tham”.

Giá giảm là người bạn đồng hành lâu dài của nhà đầu tư, vì đây thực sự là cơ hội đào thải và chọn lọc trên thị trường. Các ý tưởng đầu tư tốt ít khi xuất hiện trong các thị trường giá lên mạnh, giá giảm mạnh  tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn và mức biên an toàn lớn hơn cho nhà đầu tư trong dài hạn.

Khi dạo qua các diễn đàn một vòng, có thể thấy rất rõ những hình ảnh, bình luận tiêu cực và mang tâm lý đám đông nặng nề.

Đa phần họ đều là những người bị “cháy tài khoản” hoặc các nhà tư vấn đang trong một mùa “thất bát” vì không có phí giao dịch.

Nếu thẳng thắn để nhận xét, những nhà đầu tư này chưa thực sự nghiêm túc với chính khoản tiền tích lũy của họ, chưa nghiêm túc với kênh đầu tư và không có những định hướng dài hạn.

Đừng để mất mát tạm thời thành tổn thất vĩnh viễn

Quy tắc của thị trường là không có bất kỳ quy tắc nào trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể suy nghĩ là thị trường cần những cái cớ để tăng, giảm, nhưng thực tế, thị trường có hàng nghìn “cái cớ” gắn với hàng nghìn tin tức chi phối khác nhau.

Bất kỳ thời điểm nào cũng có thể có những tin tức tiêu cực/tích cực trong một bức tranh lớn. Nhà đầu tư chỉ nhìn vào những mảnh ghép đơn lẻ dễ bị thiên lệch trong tâm lý và nhận định.

Lấy ví dụ khi thị trường giảm mạnh, các nhà giao dịch cho rằng, đây là “đáy”. Khi phục hồi, họ tranh thủ mua, nhưng khi giảm tiếp họ lại cho rằng có tình trạng “rũ cung”, tức cần những lực bán mạnh hơn để “tiết cung”, khi cung nhỏ hơn cầu, giá sẽ dần phục hồi trở lại.

Mô hình tư duy này quá đơn giản, không thực tế, mang tính may rủi cao và ai cũng có thể nghĩ như vậy, ai cũng có thể cho mình là người “nhanh tay nhất”!

Ở góc độ kinh doanh của các doanh nghiệp đang đứng trước bối cảnh cách ly xã hội (social distancing) và đóng cửa (lockdown) trước làn sóng thứ hai của đại dịch Covid, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dòng tiền rơi vào trạng thái thiếu hụt. Nhưng trên thực tế, bài toán dòng tiền luôn khiến các doanh nghiệp phải đau đầu không chỉ trong bối cảnh hiện tại.

Việc doanh nghiệp phá sản hầu như sẽ không có lợi cho bên liên quan nào, quá trình hậu xử lý lại rất phiền phức.

Do vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bản thân doanh nghiệp cũng đang nỗ lực “gõ cửa” các nhà cung cấp, chủ nợ để đàm phán về các điều khoản giãn, giảm.

Giai đoạn vừa qua chứng kiến sự thúc đẩy mạnh mẽ các chiến dịch quảng cáo, marketing online của các doanh nghiệp lớn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ không thể có nguồn lực để làm điều tương tự.

Hiện tại, mỗi thành viên trong doanh nghiệp phải biến thành “đại sứ thương hiệu” và “người bán hàng chuyên nghiệp”.

Vừa qua cũng chứng kiến một số doanh nghiệp vận động toàn bộ lực lượng đến chào hàng với từng khách hàng, các hộ gia đình, chỉ mong thu hồi được vốn để trang trải.

Liên kết là phương án bắt buộc phải nghĩ tới, một nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa  có khả năng sử dụng dịch vụ của nhau hoặc có thể bán hàng theo nhóm sản phẩm cũng sẽ tương trợ, chia sẻ được cho nhau qua giai đoạn khó khăn này.

Việc tái cấu trúc các doanh nghiệp cần nhiều thời gian và sự nỗ lực, trong khi việc tái cấu trúc danh mục của nhà đầu tư cá nhân lại xảy ra trong “chớp mắt”. Điều này là lý do tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân giảm nhanh hơn số dư tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp.

Nhà đầu tư với định hướng dài hạn sẽ không bao giờ rót vốn vào những doanh nghiệp mang tiền đi “đầu cơ”, mà tập trung vào những doanh nghiệp tích lũy tài sản, tạo ra dòng tiền từ các tài sản bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Đầu tư vào một doanh nghiệp đầu cơ thì không khác lắm so với công việc của một nhà đầu cơ độc lập.

Nhà đầu tư và cả doanh nghiệp không có khả năng “dự đoán trước tương lai” nhưng đều cần hành động có phương pháp, kế hoạch cụ thể được vạch sẵn. Điều này tốt hơn rất nhiều việc không có sự chuẩn bị nào với động cơ thúc đẩy là “lòng tham”.

Đại dịch Covid-19 không những tạo ra những vòng xoáy luẩn quẩn mà còn thúc đẩy tốc độ của vòng xoáy nhanh hơn bao giờ hết. Sẽ có những khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể vượt qua được, nhưng trên tất cả những điều đó, hãy mất tiền theo cách học được nhiều bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho những con sóng lớn chưa rõ “tên tuổi” sẽ chắc chắn xuất hiện trong tương lai.

Đừng để những mất mát tạm thời biến thành tổn thất vĩnh viễn. Khi muốn kết thúc một vấn đề, hãy nghĩ về những lý do để bắt đầu, phương án khả thi đôi lúc nằm ngay trước mặt và còn niềm tin là sẽ còn tất cả.

Tin bài liên quan