Chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết (kỳ 2): Chưa chạm đến thông lệ tốt về công bố thông tin và minh bạch

Chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết (kỳ 2): Chưa chạm đến thông lệ tốt về công bố thông tin và minh bạch

(ĐTCK) Kết quả chấm điểm quản trị công ty của 351 doanh nghiệp (DN) niêm yết tại HNX năm 2017 cho thấy, các DN có tiến bộ trong việc công bố thông tin trên website, các thông tin theo quy định pháp lý (Thông tư 155/TT-BTC). 

Tuy nhiên, đối với các thông tin khác thuộc dạng khuyến khích công bố theo thông lệ tốt, số DN thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Chỉ có 3 DN công bố bộ đạo đức nghề nghiệp và 23,1% DN công bố quy chế nội bộ về quản trị công ty. Xin giới thiệu đánh giá chi tiết về nội dung này, với hy vọng các DN sẽ nhận ra điểm thiếu, yếu và hoàn thiện trong tương lai gần.

Mới có 3 doanh nghiệp công bố Bộ đạo đức nghề nghiệp

Các thông tin định kỳ mà doanh nghiệp phải công bố bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và báo cáo quản trị theo quy định tại Thông tư 155/TT-BTC. Nhìn chung, doanh nghiệp có xu hướng thực hiện tốt việc công bố đầy đủ và kịp thời các thông tin cơ bản trên (xem bảng 1).

Tuy nhiên, đối với các thông tin khác không nằm trong quy định của Thông tư 155, kết quả cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện còn chưa cao.

Cụ thể, có 23,1%, tương đương với 81/351 doanh nghiệp niêm yết công bố quy chế nội bộ về quản trị công ty và chỉ có 3 doanh nghiệp công bố bộ đạo đức nghề nghiệp.

Tỷ lệ công bố thấp đối với bộ đạo đức nghề nghiệp có thể lý giải bởi việc đây là tiêu chí mang tính chất thông lệ, chưa được quy đinh tại các văn bản pháp lý.

Theo các nguyên tắc về quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các kênh phổ biến thông tin phải tạo điều kiện tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời và hiệu quả cho người sử dụng.

Để bắt kịp thông lệ quốc tế này, Thông tư 155 có quy định, doanh nghiệp niêm yết phải lập website và phải được xem là một trong những hình thức và phương tiện công bố thông tin chính của doanh nghiệp.

Kết quả đánh giá cho thấy, website vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp chú trọng như một kênh hiệu quả để phổ biến thông tin đến nhà đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp công bố thông tin trên website thấp hơn nhiều so với việc công bố thông tin cho các cơ quan quản lý.

Cụ thể, có 76,6% doanh nghiệp công bố nghị quyết và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông; 74,4% doanh nghiệp công bố điều lệ công ty; 72,6% doanh nghiệp công bố báo cáo thường niên trên website.

Tỷ lệ này tăng so với các năm trước (chỉ đạt từ 55 - 70%) cho thấy, doanh nghiệp có nỗ lực hơn trong việc công bố thông tin trên website, nhưng đây vẫn là vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện, nhất là khi việc duy trì thông tin trên website doanh nghiệp tương đối đơn giản, chi phí thấp và hiệu quả cao.

Không doanh nghiệp nào công bố phí kiểm toán

Thông tin tài chính là một trong những nội dung cơ bản và được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, bên cạnh việc công bố đầy đủ và kịp thời các báo cáo tài chính định kỳ, các thông tin giải trình đi kèm theo đóng vai trò quan trọng.

Giải trình khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến “ngoại trừ” hoặc “không chấp nhận toàn phần” là một trong những nội dung bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Kết quả đánh giá cho thấy, số lượng doanh nghiệp không phải thực hiện giải trình là 309/351 doanh nghiệp. Như vậy, trong số 42 doanh nghiệp phải thực hiện giải trình, chỉ có 13 doanh nghiệp tuân thủ việc giải trình.

Đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm, có tổng cộng 316/351 doanh nghiệp không phải thực hiện giải trình ý kiến của kiểm toán và 33/35 doanh nghiệp trong diện phải giải trình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, phí kiểm toán cũng là thông tin mà cổ đông rất quan tâm, nhưng chưa được doanh nghiệp nào công bố (xem bảng 2).

Chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết (kỳ 2): Chưa chạm đến thông lệ tốt về công bố thông tin và minh bạch ảnh 2

Điều này cho thấy, thông tin tài chính liên quan đến báo cáo tài chính là nguồn thông tin được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng công bố đầy đủ và chất lượng cho thị trường, trong khi đó việc công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên hay phí kiểm toán chưa được các doanh nghiệp quan tâm.

Chỉ 67% doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin về sở hữu cổ phần

Thông tin về cơ cấu sở hữu cổ phần là một thông tin cơ bản mà doanh nghiệp cần cung cấp cho các nhà đầu tư trong báo cáo thường niên. Nếu thông tin về cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp mang đến cái nhìn tổng quan nhất cho nhà đầu tư, thì thông tin cơ cấu sở hữu của người nội bộ giúp nhà đầu tư nhìn thấy những xung đột lợi ích tiềm ẩn.

Thực tế thực hiện tại các doanh nghiệp hiện nay cho thấy, chỉ có 67% doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về sở hữu của từng thành viên của cả 3 ban: HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám đốc/Tổng giám đốc; 13,4% doanh nghiệp cung cấp thông tin của 2 trong 3 ban trên và 19,1% doanh nghiệp cung cấp chỉ 1 ban, hoặc không công bố (xem bảng 3).

Đối với thông tin về cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp, kết quả ghi nhận sự tuân thủ thấp khi chỉ có 18,5% doanh nghiệp công bố đầy đủ theo quy định.

Trong khi đó, quy định này được cụ thể trong mẫu báo cáo thường niên về cơ cấu sở hữu phân theo các tiêu chí tỷ lệ sở hữu (cổ đông lớn, cổ đông nhỏ), cổ đông tổ chức và cổ đông cá nhân, cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài, cổ đông nhà nước và các cổ đông khác. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp chưa thực sự công bố một cách đầy đủ cả 4 tiêu chí trên.

Chỉ 23,6% doanh nghiệp công bố về tính độc lập của thành viên HĐQT

HĐQT được các cổ đông bầu ra để thay mặt các cổ đông điều hành doanh nghiệp. Vì vậy, một trong những tiêu chí quan trọng của HĐQT là cần đảm bảo tính độc lập của các thành viên để quá trình ra quyết định không bị ảnh hưởng bởi các xung đột lợi ích tiềm ẩn. Xuất phát từ ý nghĩa trên, mẫu báo cáo thường niên trong Thông tư 155 có quy định, doanh nghiệp phải công bố rõ tính độc lập của các thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có 83 doanh nghiệp trong tổng số 351 doanh nghiệp đạt được yêu cầu trên, tương đương với 23,6% cho thấy tỷ lệ không cao, thậm chí giảm so với 2 năm trước đó (32,8% năm 2014 và 28,8% năm 2015).

Chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết (kỳ 2): Chưa chạm đến thông lệ tốt về công bố thông tin và minh bạch ảnh 4

Đặt vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay, xu hướng này phù hợp với thực tiễn, bởi các doanh nghiệp đều hoạt động theo mô hình quản trị hai lớp (2-tier), nên vai trò của thành viên HĐQT độc lập không quan trọng như đối với mô hình quản trị một lớp (1-tier) (theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp).

Thu nhập Ban giám đốc, Kế toán trưởng: nhiều doanh nghiệp quên công bố

Thông tin về chính sách thù lao, lương thưởng cho HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám đốc giúp các nhà đầu tư có thể đánh giá chi phí và lợi ích của chính sách này. Công bố thông tin về từng thành viên ngày càng được coi là thông lệ tốt và tại Việt Nam, thông lệ này đã được quy định tại Thông tư 155.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ việc công bố lương thưởng, thù lao, các khoản lợi ích khác và chi phí do doanh nghiệp thanh toán cho từng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát có cải thiện so với năm trước, nhưng chưa cao. Cụ thể, kết quả năm 2017 là 65,5% (HĐQT) và 65,8% (Ban kiểm soát), trong khi năm trước là 61% và 62% (xem bảng 5).

Tuy nhiên, việc công bố lương, thưởng, thù lao, các khoản lợi ích khác và chi phí do doanh nghiệp thanh toán cho các thành viên trong Ban giám đốc/Tổng giám đốc và Kế toán trưởng chưa được thực hiện tốt; tỷ lệ doanh nghiệp không công bố là 49% (Ban giám đốc/Tổng giám đốc) và 75,5% (Kế toán trưởng).  

Kỳ 3: Khoảng hở trong hoạt động của Hội đồng quản trị 

Tin bài liên quan