Trong khoảng thời gian này, FTM đạt thanh khoản cả triệu đơn vị/phiên. Vì sao FTM liên tục “nằm sàn” và có cách nào để nhà đầu tư bớt “đau” trong các trường hợp tương tự?
Sau đà tăng không lý do là giảm cho xuống đáy
Hoạt động kinh doanh của FTM bộc lộ nhiều khó khăn và càng ngày càng không thể lý giải cho đà tăng của cổ phiếu.
Xét theo hiệu quả hàng quý, từ quý IV/2017 đến quý II/2018, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ từ 11-13,5 tỷ đồng, nhưng 2 quý cuối năm 2018 đã sụt giảm mạnh, lần lượt còn hơn 4 tỷ đồng và 38 triệu đồng.
2 quý đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ âm mạnh hơn 14 tỷ đồng và 16,7 tỷ đồng.
Là công ty chuyên về sợi và thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, ngay trong Ðại hội đồng cổ đông gần nhất, Công ty cũng chia sẻ những thách thức từ thương chiến Mỹ - Trung và đưa ra kế hoạch với mức lãi chỉ... 220 triệu đồng, chưa bằng số lẻ của thực hiện năm 2018 là 28,3 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy, sức tăng của FTM từ tháng 2 đến tháng 6/2019 rõ ràng không hề đến từ thông tin hoạt động kinh doanh khởi sắc hay Công ty đang/sẽ có khoản lợi nhuận đột biến nào.
Ðà sụt giảm liên tiếp sau đà tăng giá gấp đôi trước đó là hệ lụy tất yếu với FTM.
Tuy nhiên, việc giảm sàn 17 phiên liên tiếp, khiến vốn hóa Công ty bay hơi 70% là điều làm cho nhiều nhà đầu tư bàng hoàng và gọi trạng thái này bằng những ngôn từ mạnh như “giảm khủng khiếp”, “mất trắng”…
Nhiều nhà đầu tư có FTM trong danh mục muốn vớt vát bằng việc bán đi cho nhanh cổ phiếu này, nhưng lệnh bán không thực hiện được do bảng điện như trắng bên mua.
Dư bán đang tăng theo từng phiên, từ 29/8 đến 6/9, gần như phiên nào cũng chất dư bán 11-15 triệu cổ phiếu.
Diễn biến này chưa biết đến bao giờ ngừng lại và đến cuối ngày 9/9/2019, lãnh đạo Công ty vẫn chưa có bất cứ một động thái công bố thông tin giải trình nào về diễn biến giảm đột biến, gây sốc cho nhà đầu tư.
Khi cổ phiếu FTM tăng, nhiều người say trong lướt lát, nên không mấy ai để ý đến hiện trạng doanh nghiệp.
Ðà giảm bắt đầu từ sự kiện mã FTM bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 là số âm.
Bị bán giải chấp khiến FTM chịu trận với các lệnh bán lớn. Cùng với đó, nền tảng kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp khiến FTM không còn trụ đỡ, việc bán tháo diễn ra trên diện rộng theo hướng tháo chạy khỏi mã này.
Thực tế tại FTM có một số dấu hiệu cảnh báo, nhưng các nhà đầu tư đều đã… bỏ qua.
Thứ nhất, như đã nói ở trên, kết quả kinh doanh quý I/2019 bị âm nặng, nhưng dường như chẳng ai để ý. Lệnh mua, bán trên sàn cứ đều đều đưa vào, đẩy giá FTM tăng mạnh từ tháng 2 đến tháng 6/2019 là nguyên nhân chính tạo nên hệ lụy thoái sàn.
Về hoạt động kinh doanh, cơ cấu doanh thu của FTM từ trước đến nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm đến 70-80% doanh thu. Nửa đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu giảm 27%, giá bán cũng giảm từ 3,02-3,2 USD/kg còn 2,58-2,85 USD/kg.
Trong khi đó, giá bông nguyên liệu (chiếm 70% giá thành) không giảm tương ứng.
Giá bông tồn kho cùng các đơn hàng đã đặt có đơn giá trung bình từ 1,96 USD/kg khiến giá vốn không thể giảm. Công ty cho biết, đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm, nhưng chỉ đủ đảm bảo lợi nhuận gộp ở mức dương.
Một dấu hiệu khác bộc lộ ở FTM là chi phí lãi vay lớn, gần 33 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6/2019, tăng 20% so với cùng kỳ. Tại thời điểm này, Công ty có nợ phải trả 1.178 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu, riêng tiền vay là 720 tỷ đồng.
Dấu hiệu rất quan trọng khác tại FTM đó là có sự “thay máu” nhân sự chủ chốt, thay đổi cơ cấu cổ đông từ cuối năm 2018. Trước đây, cổ đông lớn của FTM gồm ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch HÐQT.
Ông cùng con gái của mình là bà Lê Thuỳ Anh, tổng sở hữu gần 31% vốn. Tuy nhiên ông Thường đã từ nhiệm trong tháng 4/2019.
Theo công bố thông tin của FTM, từ cuối năm 2018, tại doanh nghiệp này đã xuất hiện nhiều cổ đông lớn cá nhân, có thể kể đến như cổ đông Nguyễn Thanh Hà, Lê Quốc Quân, Phạm Ðình Giá, Phạm Thị Thu Lộc, Nguyễn Chí Cường (mua thêm cổ phiếu), Lâm Văn Ðỉnh. Các cổ đông lớn nắm hơn 90% vốn điều lệ Công ty.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường vừa qua cho thấy, không chỉ cổ đông nhỏ tháo chạy, mà cổ đông lớn cũng tung lệnh bán mạnh mẽ do số lượng cổ phiếu bị chất bán sàn có phiên lên đến hơn 50% vốn điều lệ tại FTM.
Ðiều đáng nói là lượng bán ra của các cổ đông lớn tại đây không kèm theo công bố thông tin nào, nhưng cơ quan quản lý cũng chưa thấy có sự nhắc nhở.
Cùng với sự xuất hiện cổ đông lớn, nhân sự cấp cao của FTM cũng biến động. Công ty lần lượt thay đổi kế toán trưởng, phó tổng giám đốc, tổng giám đốc, các thành viên Ban Kiểm soát và có Chủ tịch HÐQT mới là ông Nguyễn Hoàng Giang từ ngày 16/4/2019.
Cần thêm công cụ cảnh báo, ngắt mạch các cổ phiếu có giao dịch quá bất thường
Trên TTCK Việt Nam, chuyện một mã cổ phiếu tăng trần, giảm sàn mười mấy phiên liên tiếp không phải là cá biệt. Từng có những cổ phiếu biến động sốc như vậy như APC, SKG, CTF, SJF, GAB... với nhiều lý do khác nhau.
Chủ yếu mã cổ phiếu biến động mạnh là do doanh nghiệp ra tin, hoặc thị trường có tin đồn về phát hành cổ đông chiến lược giá cao; hé lộ đối tác lớn tham gia; sắp có lợi nhuận đột biến từ thanh lý tài sản/chuyển nhượng phần góp vốn...
Ðiểm khác biệt ở FTM là doanh nghiệp chẳng có tin gì ra và hoạt động kinh doanh yếu kém, nhưng giá cổ phiếu vẫn cứ tăng trong một thời gian dài, để sau đó giảm sàn liên tục.
Về phía nhà đầu tư, mất mát tại FTM khiến nhiều người nuối tiếc và cho rẳng, họ đã không được cảnh báo sớm.
Theo quy định pháp lý hiện hành, cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tiếp thì doanh nghiệp mới phải giải trình, nhưng để đợi đến 10 phiên là quá lâu. Ðiều đáng nói hơn là chất lượng giải trình của doanh nghiệp.
Rất nhiều công văn giải trình của doanh nghiệp chỉ là “diễn”, không có bất cứ ý nghĩa thông tin nào.
Thông điệp từ các giải trình như “diễn biến cổ phiếu hoàn toàn do thị trường, hoạt động doanh nghiệp vẫn bình thường” thấy thường xuyên trong công văn của các doanh nghiệp. Nhà đầu tư chẳng biết trách ai, quy trách nhiệm cho ai khi tất cả đều làm đúng quy trình!
Một số chuyên gia hiểu nghề chia sẻ, ở thị trường quốc tế, Sở GDCK có quyền ngừng giao dịch cổ phiếu nếu nhận thấy giá cổ phiếu có diễn biến bất thường.
Việc ngừng giao dịch này nhằm “hạ nhiệt” đà tăng hoặc giảm, giúp nhà đầu tư bình tĩnh và tìm hiểu rõ hơn các thông tin tác động đến giá cổ phiếu.
Tại Việt Nam, Sở GDCK chưa áp dụng công cụ này khi giám sát giao dịch cổ phiếu. Việc tạm ngừng giao dịch mới được nhà quản lý sử dụng khi doanh nghiệp mắc lỗi nặng về công bố thông tin, hoặc thuộc trường hợp thua lỗ nặng, âm vốn - tức sự việc đã diễn ra, không có tính cảnh báo cho nhà đầu tư.
Vị này cho rằng, Sở GDCK cần yêu cầu doanh nghiệp có cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu khi giải trình cần chi tiết, cụ thể và theo bộ tiêu chí đo lường “chất lượng thông tin”.
Sở cần có quy định về bộ tiêu chí này, thay vì để doanh nghiệp tự do giải trình cho xong chuyện như hiện nay.
Cùng với đó, biện pháp tạm ngừng giao dịch cần áp dụng không chỉ khi doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin, lỗ nặng, mà cần áp dụng thường xuyên khi cổ phiếu có diễn biến bất thường, chạm đến ngưỡng phải cảnh báo nhà đầu tư bình tâm trở lại.
Ðiều quan trọng nhất là xây dựng tiêu chí về ngưỡng cảnh báo để đảm bảo không can thiệp quá sâu vào quy luật cung - cầu thị trường.
Dù khó, nhưng quốc tế đã làm và Việt Nam cần học hỏi, hoàn thiện để tránh đi những hiện tượng “làm xiếc” với giá cổ phiếu, diễn ra quá dài và quá mạnh, như một hành vi phản cảm trên thị trường vốn coi trọng sự trung thực và minh bạch này.