Chặn khoảng hở cổ phiếu rác lên sàn

Chặn khoảng hở cổ phiếu rác lên sàn

(ĐTCK) Vụ án thao túng giá chứng khoán xảy ra tại CTCP Mỏ và khoáng sản Miền Trung (MTM) từng tốn không ít nỗ lực của các cơ quan chức năng mới đây đã đi đến hồi kết, khi Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt chủ mưu - Chủ tịch MTM mức án chung thân. 

Vụ án được xét xử trong 7 ngày (2-8/5/2019), ghi danh vụ thao túng giá chứng khoán đầu tiên được đưa ra công đường.

Liên quan đến trách nhiệm của nhà quản lý, Tòa án cho rằng, các cán bộ thẩm định hồ sơ chỉ có trách nhiệm kiểm tra thủ tục. Khi thủ tục đủ theo quy định thì sẽ ra các quyết định để cho công ty được giao dịch trên sàn. Các cán bộ thẩm định không có trách nhiệm và không đủ điều kiện để thẩm định tính thật, giả của các hồ sơ...

Nếu như UPCoM là sàn không có tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ, chỉ cần cổ phiếu của công ty đủ điều kiện đại chúng thì đăng ký lên đó giao dịch, thì sàn niêm yết là sàn có tiêu chuẩn. Ðể một doanh nghiệp lên niêm yết, hồ sơ của doanh nghiệp phải trải qua bước tư vấn của công ty chứng khoán, bước kiểm toán của công ty kiểm toán và bước phê duyệt niêm yết của Sở GDCK.

Với sự giám sát và thẩm định nhiều khâu như vậy, vậy sàn niêm yết có cổ phiếu "rác" không? Câu trả lời là… không ít. Thậm chí, có nhà đầu tư đánh giá rằng, cổ phiếu tốt thật trên sàn chỉ dưới 10% tổng số mã hiện có. Ðây là thực trạng đáng phải nhìn nhận thẳng thắn để công tác xây nền tảng pháp lý mới hiện nay, dự án Luật Chứng khoán, đủ sức chặn đi những cổ phiếu yếu, cổ phiếu rác, đưa thị trường sang nền tảng cao hơn.

Tìm cổ phiếu rác không khó, trước hết là ở nơi được thị trường đánh giá không hơn cốc trà nhạt. Toàn TTCK Việt Nam hiện có trên 110 mã cổ phiếu có giá dưới 2.000 đồng, nằm ở cả 3 sàn, HOSE, HNX và UPCoM. Mã PPI, cổ phiếu của CTCP Ðầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương chào sàn HOSE với giá 38.400 đồng/CP, nay treo ở 700 đồng/CP; mã DLG của CTCP Ðức Long Gia Lai chào sàn với giá 30.000 đồng/CP, nay còn 1.500 đồng/CP; mã VHG của CTCP Cao su Quảng Nam chào sàn HOSE với giá 96.000 đồng/CP, nay còn dưới 1.000 đồng/CP… Ðà rơi của giá cổ phiếu luôn kèm theo đó là sự mất mát tiền bạc của hàng ngàn nhà đầu tư.

Trong số hàng trăm doanh nghiệp có thị cổ phiếu quá kém, có những doanh nghiệp vì kinh doanh khó khăn nên lụi tàn dần sau khi lên sàn, nhưng cũng có những doanh nghiệp coi lên sàn như một “game” để trục lợi. Kịch bản trục lợi khá giống nhau: doanh nghiệp thực hiện tăng vốn khủng trước thời điểm lên sàn, việc tăng vốn chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư địa phương, không cần ai xét duyệt.

Sau khi tăng vốn, doanh nghiệp “tán” cổ phiếu sao cho đủ 100 cổ đông, thực hiện một số hoạt động cần thiết để làm đẹp báo cáo tài chính, rồi thuê tư vấn và gửi hồ sơ xin lên sàn. Giai đoạn đầu chào sàn, cổ phiếu của các doanh nghiệp loại này thường được giao dịch sôi động với mức giá cao, nhưng chỉ một thời gian sau, khi "đội lái" không còn hoạt động thì giá và thanh khoản cứ rơi dần…

Theo quy định hiện hành (Nghị định 58/2012/NÐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán), để niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng, tối thiểu 100 cổ đông, ít nhất 2 năm có lãi, với ROE từ 5% trở lên; niêm yết trên HNX phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng, ít nhất 1 năm có lãi… Thực tế đã cho thấy, trong nhiều trường hợp, nền tảng pháp lý hiện tại không ngăn chặn được hiện tượng cổ phiếu rác lên sàn.

Tháng 5, Quốc hội sẽ xem xét nền tảng pháp lý mới cho TTCK thông qua việc cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Nền tảng pháp lý này cần phải bổ sung trách nhiệm của người tư vấn, người kiểm toán, người xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp lên sàn.

Khung pháp lý mới cần bổ sung việc giám sát hoặc liên thông trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giám sát/thẩm định việc tăng vốn của doanh nghiệp trước thời điểm lên sàn, vì đây chính là khoảng hở lớn nhất dẫn doanh nghiệp đến động cơ tăng vốn ảo, làm đẹp hồ sơ nhằm trục lợi sau lên sàn.

Tin bài liên quan