Chậm công bố báo cáo tài chính, “bệnh kinh niên“

Chậm công bố báo cáo tài chính, “bệnh kinh niên“

(ĐTCK) Năm 2020 mới bắt đầu, nhưng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã nhận được hàng chục công văn của các công ty niêm yết xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm nay.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là một trong những doanh nghiệp mới nhất gửi công văn cho HOSE xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm 2020.

REE xin gia hạn báo cáo tài chính quý trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý và báo cáo tài chính soát xét bán niên trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Lý do REE đưa ra là Công ty cần thêm thời gian để lập báo cáo tài chính riêng của các công ty con và xử lý số liệu hợp nhất.

Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính quý và bán niên soát xét trong năm 2020 trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.

PNJ cho biết, Công ty dự kiến không thể hoàn thành việc công bố các báo cáo tài chính trong thời hạn quy định do có tới 376 cửa hàng, chi nhánh trên khắp cả nước và 4 công ty con nên việc tập hợp chứng từ, lập báo cáo và hợp nhất báo cáo mất nhiều thời gian.

Với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), doanh nghiệp này lấy lý do hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhiều công ty con, công ty liên kết ở cả nước ngoài là Lào, Campuchia.

Vì vậy, việc tập hợp số liệu phục vụ công tác lập báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất phức tạp, mất thời gian.

Không ít doanh nghiệp khác xin chậm công bố báo cáo tài chính cho năm 2020, thậm chí đã gửi đơn xin từ cuối năm 2019, với cùng những lý do tương tự như Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG), Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC), Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Công ty cổ phần Logistics Vinalink (VNL), Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC)…

Theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày, báo cáo tài chính bán niên soát xét trong thời hạn 45 ngày, báo cáo tài chính năm được kiểm toán trong thời hạn 90 ngày sau khi kết thúc kỳ kế toán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ xem xét việc gia hạn công bố thông tin của công ty và công ty phải thực hiện công bố thông tin khi có ý kiến chấp thuận của UBCK.

Một số ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp xin gia hạn công bố báo cáo tài chính như vậy dễ khiến thị trường có sự bất cân xứng thông tin, tính minh bạch về mặt thông tin, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư chậm hơn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, việc các doanh nghiệp xin hoãn công bố thông tin không mới, năm nào cũng thế, thậm chí quý nào cũng có, chỉ khác nhau ở số lượng.

Theo số liệu của UBCK, vào thời điểm này đầu năm ngoái, chỉ tính hết ngày 31/1/2019 đã có 191 doanh nghiệp trên cả 3 sàn giao dịch gửi công văn xin và được Ủy ban chấp thuận gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính cho năm tài chính 2019.

Bên cạnh lý do nhiều chi nhánh, công ty con như các doanh nghiệp báo cáo, ông Khánh nhận định, có những doanh nghiệp xin kéo dài thời gian nộp báo cáo tài chính để dự trù cũng như chắc ăn hơn, làm sớm được thì tốt, còn không kịp thì cũng tránh bị xử phạt, nhưng có doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian để tìm cách “chế biến số liệu”.

Chuyên gia này cho rằng, việc không kịp thời gian dù đã xin hoãn có xảy ra trong những năm qua, nhưng thường rơi vào doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và giá cổ phiếu có xu hướng đi xuống.

Đáng chú ý, năm nào cũng có nhiều doanh nghiệp xin chậm công bố thông báo cáo, đến mức việc này được cho là “bình thường”, là một trong những dấu hiệu cho thấy tình trạng kém minh bạch ở thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hoạt động công bố báo cáo tài chính/công bố thông tin của các doanh nghiệp có nhiều tồn tại, không đáp ứng được quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của nhà đầu tư, nhưng chưa có cơ chế giám sát, chế tài hữu hiệu từ phía cơ quan quản lý thị trường, dù không ít doanh nghiệp vi phạm đã bị nhắc nhở, phạt, thậm chí đình chỉ giao dịch.

Tin bài liên quan