CEO MBS Trần Hải Hà: 3 yếu tố cần để thoái vốn tốt nhất

(ĐTCK) Các đợt thoái vốn hàng hiệu với FPT, BMP, NTP, DMC, VCG sắp được Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) triển khai đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư trong, ngoài nước. 

Với góc nhìn của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS chia sẻ quan điểm để các đợt bán vốn có thể đạt hiệu quả tối ưu. 

 Theo kế hoạch đã được SCIC công bố, các đợt thoái vốn tại 5 doanh nghiệp trên sẽ diễn ra trong năm nay, tức là chỉ còn hơn 1 tháng nữa để thực hiện. Theo ông, SCIC cần lưu ý những điểm gì để đạt được hiệu quả thoái vốn tốt nhất?

Để đạt được hiệu quả thoái vốn tối ưu, bên cạnh những yếu tố quan trọng như mức định giá doanh nghiệp hợp lý, thời điểm thoái vốn thích hợp thì cách thức thoái vốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư có thể tham gia dễ dàng cũng quan trọng không kém. 

Giá khởi điểm luôn là yếu tố được nhà đầu tư quan tâm đầu tiên. Với những cổ phiếu đang niêm yết như vậy, giá bán nên được xác định như thế nào để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm?

Tôi cho rằng, để bán vốn các doanh nghiệp đã niêm yết đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả cần dựa vào các yếu tố sau: nên lựa chọn phương thức đấu giá cạnh tranh, việc lựa chọn mức giá chào bán cần căn cứ trên các cách xác định giá trị như giá trị sổ sách, giá trị định giá cơ bản của doanh nghiệp.

CEO MBS Trần Hải Hà: 3 yếu tố cần để thoái vốn tốt nhất ảnh 1

  Ông Trần Hải Hà.

Dựa trên những yếu tố trên, việc đấu giá sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, mức giá chào bán sẽ sát với giá trị doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, việc lựa chọn thêm phương pháp dựng sổ trước khi đấu giá cũng là một giải pháp để đo lường khả năng hấp thụ của thị trường đối với cổ phần chào bán.

Bên cạnh những phương thức mà ông đề cập, còn có bán cổ phần theo lô… Mỗi phương thức bán có thể áp dụng như thế nào để phù hợp và đạt hiệu quả cao?

Trong thời gian qua, SCIC thường sử dụng phương thức đấu giá cạnh tranh để bán cổ phần các doanh nghiệp mà họ muốn thoái vốn nhà nước. Phương thức này tỏ ra rất tối ưu trong những đợt bán cổ phần vừa qua, với ưu điểm là tạo ra cơ hội mua cổ phần cho tất cả các nhà đầu tư trên thị trường, cả trong và ngoài nước, tổ chức và cá nhân. Thực tế này giúp cho kết quả đấu giá là sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và qua đó, giá bán cổ phần thường phản ánh đúng khả năng hấp thụ của thị trường vào thời điểm đấu giá.

Trong khi đó, bán cổ phần theo lô là phương thức bán phù hợp với việc chào bán cho các tổ chức đầu tư có khả năng hấp thụ một lượng lớn cổ phần bán ra, ưu điểm của phương thức này là có thể bán một lần cho một số giới hạn các nhà đầu tư, thường là những nhà đầu tư lớn hoặc đầu tư chiến lược.

Sự tham gia của các nhà đầu tư lớn này thường kèm theo các điều kiện hỗ trợ thêm về năng lực quản trị, lợi thế kinh doanh, tài chính để giúp doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.

Bán thỏa thuận cạnh tranh là hình thức ưu tiên bán thỏa thuận với lô lớn, hình thức này thường đi kèm với việc xác định các tổ chức đầu tư cụ thể để thực hiện chào bán, các tổ chức được lựa chọn thường là doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính và có thế mạnh trong ngành mà doanh nghiệp SCIC dự định chào bán đang hoạt động, mục đích nhằm tận dựng lợi thế của các tổ chức này để hỗ trợ doanh nghiệp sau khi SCIC thoái vốn.

Hình thức này phù hợp với việc lựa chọn các đối tác chiến lược, tuy nhiên về giá bán thường không cạnh tranh như các hình thức khác.

Sau đợt chào bán VNM năm ngoái, khá nhiều nhà đầu tư kiến nghị SCIC nên áp dụng phương thức dựng sổ. Theo ông, đâu là những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng phương thức này?

Phương pháp dựng sổ (book building) là một trong những phương pháp phổ biến trên thế giới bên cạnh 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp).

Để thực hiện bán cổ phần theo phương pháp dựng sổ, tổ chức thu xếp sẽ đứng ra dựng hồ sơ, quảng bá và đo nhu cầu thị trường đối với đợt phát hành thông qua việc dựng sổ nhu cầu mua của các nhà đầu tư tổ chức ở các mức giá khác nhau (nằm trên mức giá sàn được xác định trước).

Ưu điểm của phương pháp này là khả năng thành công đối với IPO hoặc thoái vốn sẽ cao hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia hơn các phương pháp khác do giá bán và khối lượng mua đã được ngân hàng đầu tư hoặc công ty chứng khoán xác định trước. Nhờ vậy, tiến độ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, việc thoái vốn theo phương pháp dựng sổ có thể phải kéo dài, tạm hoãn hoặc huỷ đợt phát hành khi gặp điều kiện thị trường bất lợi, đợt phát hành không thu hút được sự quan tâm cần thiết của các nhà đầu tư, khối lượng phát hành không đạt mức dự kiến với mức giá thấp hơn mức giá nhất định.

Mỗi phương pháp có ưu điểm, nhược điểm riêng nên việc bổ sung phương pháp dựng sổ là cần thiết để SCIC có thêm công cụ tăng hiệu quả trong việc bán vốn nhà nước.

Từ nay đến cuối năm cũng có rất nhiều DNNN lớn có kế hoạch IPO, thị trường sẽ bị hút vốn lớn. Ông có e ngại rằng SCIC có thể gặp khó khan trong việc thoái vốn tại 5 doanh nghiệp trên vì cạnh tranh hút vốn đang rất nóng?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp trên đều là những doanh nghiệp lớn có cơ bản tốt, BMP NTP FPT đều là các doanh nghiệp đầu ngành mà họ hoạt động.

Cụ thể là ngành nhựa với BMP NTP, ngành công nghệ - bán lẻ với FPT, trong khi DMC VCG cũng có những lợi thế nhất định trong ngành dược và xây dựng - bất động sản.

Các doanh nghiệp trên đang hoạt động trong những ngành đang có những chuyển biến tích cực những năm qua và được nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài quan tâm. Về kết quả kinh doanh, tất cả các doanh nghiệp nêu trên đều ghi nhận sự tăng trưởng khá trong 2 năm qua và kết quả kinh doanh 9 tháng 2017 cũng ghi nhận kết quả tích cực, triển vọng tăng trưởng trong những năm tới của các doanh nghiệp này là khá tốt.

Do đó, việc thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp này sẽ tạo ra cơ hội sở hữu cổ phiếu tốt cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới, cung cấp thêm một lượng hàng chất lượng cho thị trường.

Từ những kinh nghiệm của các đợt bán cổ phần DN quy mô lớn của SCIC như VNM, khách sạn Kim Liên…, ông có nhận xét hoặc lưu ý gì về các hoạt động thoái vốn của SCIC cũng như thoái vốn nhà nước nói chung?

Các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức lớn luôn rất quan tâm đến hoạt động thoái vốn các doanh nghiệp của SCIC nói riêng và của Nhà nước nói chung. Hai đợt thoái vốn của VNM vừa qua cho thấy việc nắm bắt nhu cầu của các nhà đầu tư là rất quan trọng.

Cụ thể, cần có sự tìm hiểu đánh giá kĩ lưỡng thị trường để chủ động hơn trong việc xác định giá khởi điểm hợp lý, cũng như sử dụng cách thức thoái vốn thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Theo ông, những giải pháp nào về mặt chính sách nên được thay đổi để các đợt bán vốn đạt hiệu quả tối ưu?

So với trước đây, hiện nay chính sách về thoái vốn Nhà nước đã cải thiện rất nhiều và về cơ bản là thuận lợi cho hoạt động thoái vốn nhà nước. Nếu có điều gì cần cải thiện thì đó là cần quyết tâm đẩy mạnh và nhanh hơn quá trình này để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tin bài liên quan