Cạnh tranh không kìm chân doanh nghiệp dược tăng trưởng

Cạnh tranh không kìm chân doanh nghiệp dược tăng trưởng

(ĐTCK) Một số doanh nghiệp ngành dược cho biết, dù bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng tích cực năm 2018.

Từ “hiện tượng” DP3…

Trong nhóm cổ phiếu ngành dược niêm yết, cổ phiếu DP3 của CTCP Dược phẩm Trung ương 3 được xem là “hiện tượng”. Giá cổ phiếu này đã tăng tới hơn… 600% trong vòng 3 năm qua và là cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất của ngành dược. Từ mức hơn 13.000 đồng/cổ phiếu (đầu năm 2016), thị giá cổ phiếu DP3 đã đạt 86.700 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (21/12/2018).

Mức tăng ấn tượng của thị giá cổ phiếu DP3 đã phản ánh tình hình kinh doanh tích cực của doanh nghiệp này. Với mức vốn điều lệ 68 tỷ đồng, khá thấp so với quy mô chung của các doanh nghiệp dược trên sàn, trong giai đoạn 2012 - 2017, DP3 có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu là gần 21% và lợi nhuận sau thuế là hơn 48%. 9 tháng đầu năm 2018, DP3 đã đạt 79 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo báo cáo của BMI, trong giai đoạn 2010 - 2017, doanh thu ngành dược đã tăng gấp 2,6 lần; ước tính tổng doanh thu ngành dược năm 2017 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016 và được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số đến năm 2022...   

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Xuân Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị DP3 cho biết, với các doanh nghiệp ngành dược phẩm, quý IV thường phát sinh khá nhiều chi phí như marketing, quảng cáo, có thể ảnh hưởng chung đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong năm 2018 dự kiến đều tăng trưởng 40% so với năm 2017, vượt xa so với kế hoạch 40 tỷ đồng.

Hiện tại, hoạt động sản xuất của DP3 diễn ra tại Nhà máy Nam Sơn với hai nhà máy sản xuất thuốc tân dược và thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP – WHO. Kênh phân phối sản phẩm của DP3 chủ yếu thông qua các chi nhánh và các công ty phân phối dược phẩm lớn. Còn lại, kênh phân phối sản phẩm thông qua đấu thầu thuốc chỉ chiếm từ 2 - 3% trong cơ cấu doanh thu của Công ty.

Dù cổ phiếu DP3 ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng thanh khoản lại khá thấp bởi cơ cấu cổ đông của DP3 khá cô đặc. Riêng nhóm cổ đông nội bộ đã chiếm tới gần 53%, bao gồm Tổng công ty Dược Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lên tới 24,8%, ông Đinh Văn Cường, Thành viên Hội đồng quản trị nắm 8,8% và ông Bùi Xuân Hưởng đang nắm 7%. DP3 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 68 tỷ đồng lên 86 tỷ đồng. 

Đến các doanh nghiệp khác

Trong báo cáo phân tích mới đây về cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang – doanh nghiệp nằm trong Top 5 ngành dược Việt Nam, chiếm trên 5% thị phần toàn ngành và 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo, doanh thu thuần cả năm 2018 của DHG có thể đạt 4.065 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 705 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở kỳ vọng lợi nhuận trong quý IV/2018 sẽ khả quan hơn 3 quý đầu năm.

9 tháng đầu năm, DHG đạt doanh thu 2.670 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 512 tỷ đồng, mới thực hiện được 62% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Hiện Công ty đang hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuẩn PIC/S nhằm nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. 

Các doanh nghiệp dược trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ những công ty dược nước ngoài và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để nâng cao sức cạnh tranh, DHG đã tiên phong mở hết room cho nhà đầu tư ngoại và “bắt tay” với Taisho - một công ty dược nổi tiếng của Nhật. DHG muốn Taisho giúp Công ty nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất từ GMP - WHO lên các tiêu chuẩn cao hơn (GMP - GIC/S), gia tăng xuất khẩu và cải tiến mô hình hoạt động.

Bên cạnh đó, DHG cũng muốn đạt tới những mục tiêu kinh doanh lớn hơn như đến năm 2020 có ít nhất một nhãn hàng đạt doanh thu ngàn tỷ đồng, tăng khả năng thắng thầu ở kênh ETC (kênh bệnh viện) như Imexpharm và Pymerphaco...

Với CTCP Dược phẩm Imexpharm (Imexpharm), theo ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, tới thời điểm này, có thể khẳng định Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch 190 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018, tương đương mức tăng trưởng 17% so với năm 2017. Mục tiêu của IMP là duy trì đà tăng trưởng tổi thiểu 10% trong năm 2019.

Theo IMP, dự thảo Thông tư mới của Bộ Y tế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước tham gia nhóm thuốc chất lượng theo chủ trương của Chính phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp dược liệu quốc gia phát triển, nhưng điều này cũng sẽ tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2018, kế hoạch kinh doanh mà CTCP Dược phẩm Traphaco (TRA) đặt ra được nhìn nhận là rất tham vọng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 2.400 và 300 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và 25% so với năm trước, cao gấp hơn 2 lần mức tăng trung bình của ngành dược.

Tính đến 9 tháng đầu năm 2018, TRA ghi nhận 1.265,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 103,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tương ứng 3% và 42%.  Tuy vậy, theo TRA, Công ty sẽ quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Báo cáo của BMI cho thấy, trong 8 năm, từ 2010 - 2017, doanh thu ngành dược đã tăng gấp 2,6 lần. Tuy tốc độ tăng trưởng từ năm 2014 đến nay có sự sụt giảm, nhưng vẫn luôn duy trì ở mức hai con số. Ước tính tổng doanh thu ngành dược năm 2017 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016 và được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số đến năm 2022. 

Thách thức năm 2019

Theo ông Định, 2019 là một năm đầy thách thức đối với doanh nghiệp ngành dược, khi mà sự cạnh tranh ngày một tăng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước sẽ chịu áp lực nhiều hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài, bởi thông tư quy định về đấu thầu thuốc đến nay vẫn chưa được ban hành.

Chưa kể, giá cả nguyên vật liệu ngày một tăng cao, trong khi các doanh nghiệp khó để tăng giá. Dù vậy, IMP vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 từ 10 - 15%  (tương đương với khoảng 200 tỷ đồng đến 210 tỷ đồng) để cùng cố gắng thực hiện.

Một số doanh nghiệp lớn ngoài ngành bắt đầu có những hành động cụ thể tham gia vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm, trong đó nổi bật là sự gia nhập của Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan. Vingroup đã thành lập CTCP Vinfa hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và xây dựng dự án nghiên cứu sản xuất thuốc trị giá 2.200 tỷ đồng, quy mô gần 10 ha vào cuối năm 2018, trong khi Masan Group đang nhắm đến các sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân…

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành dược đang niêm yết cho biết, giá nguyên liệu dược phẩm đang có xu hướng tăng, trong khi hiện tại, các doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, do nguồn cung trong nước kém phát triển, đặc biệt là mảng tân dược. Với hơn 90% nguyên liệu sản xuất và bao bì được nhập khẩu, các công ty dược nội địa khó tránh khỏi những ảnh hưởng do biến động giá cả, nguồn cung và tỷ giá.

Quy mô thị trường dược ước đạt giá trị 7,3 tỷ USD trong năm 2019, tuy nhiên, để đạt được con số này, ngành dược cần phải vượt qua thách thức về rất nhiều mặt. Báo cáo tổng quan về ngành dược mới đây của Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, với các động lực tăng trưởng, thị trưởng dược phẩm được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, mục tiêu đáp ứng 80% nhu cầu dược phẩm nội địa bằng thuốc sản xuất trong nước sẽ khó thực hiện được trong năm 2020 như Chính phủ đề ra trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2020. Dù vậy, đây không hẳn là mục tiêu không khả thi trong tương lai xa hơn nếu các nhà sản xuất trong nước tiếp tục đầu tư cho công nghệ sản xuất và khác biệt hóa sản phẩm.

Tin bài liên quan