Cảnh báo sự lạc quan quá đà trên thị trường chứng khoán

Cảnh báo sự lạc quan quá đà trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Tâm lý thị trường từ bi quan chuyển sang hưng phấn đã giúp VN-Index phục hồi nhanh, hiện chỉ còn thấp hơn khoảng 10% so với bình quân 3 tháng trước khi sụt giảm bởi đại dịch Covid-19, trong khi tác động của dịch bệnh là khó lường. 

Kể từ đáy 4 năm cuối tháng 3/2020 tới ngày 18/5, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán như VN-Index tăng hơn 26%, VN30 tăng gần 29%. Sự tăng điểm này có sự đồng pha với diễn biến thị trường thế giới, với kỳ vọng các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại sau giai đoạn cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch và các hoạt động kinh tế sớm trở lại guồng quay bình thường, nhất là khi chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đồng loạt có các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Nhưng thực tế cho thấy, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như chỉ phản ánh sự hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong khi không ít nhà đầu tư tổ chức tranh thủ nhịp hồi phục để thoái vốn, doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu ít hơn nhiều so với lượng đăng ký, khối ngoại tiếp tục có động thái bán ròng...

Cảnh báo sự lạc quan quá đà trên thị trường chứng khoán ảnh 1

Diễn biến hồi phục của chỉ số VN-Index.

Đăng ký nhiều, mua chẳng bao nhiêu

Giới đầu tư kỳ vọng, việc lãnh đạo các doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu và doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sẽ bổ sung dòng tiền không nhỏ cho thị trường trong giai đoạn tháng 4 và đặc biệt là tháng 5, sau khi thị trường bị bán tháo trong tháng 3 do bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Thực tế, giá trị mua vào không như kỳ vọng. 

Thống kê các doanh nghiệp đã hết thời hạn mua cổ phiếu quỹ cho thấy, khối lượng mua vào tại không ít doanh nghiệp ở mức thấp so với lượng đăng ký mua.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần GTNfoods (GTN) mua được 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,11%; Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) mua được 15,57% lượng cổ phiếu đăng ký; Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) mua được 30,81% cổ phiếu đăng ký mua; Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) mua được 31,16% cổ phiếu đã đăng ký…

Một số doanh nghiệp khác có tốc độ giải ngân mạnh hơn nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu, trong khi thời gian sắp hết như Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) mua được 1 triệu cổ phiếu, tương ứng 69,57% lượng cổ phiếu đăng ký; Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) mua được 19,85 triệu cổ phiếu, tương ứng 73,52% lượng cổ phiếu đăng ký; Công ty cổ phần Phú Tài (PTB) mua được 1,19 triệu cổ phiếu, tương ứng 79,02% lượng cổ phiếu đăng ký.

Trong khi đó, lãnh đạo của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) là Đặng Minh Lượm không mua được cổ phiếu nào trong tổng số 290.000 cổ phiếu đăng ký, Vũ Đăng Linh mua được 14,3% trong tổng số 70.000 cổ phiếu đăng ký, Lý Trần Kim Ngân mua được 50% trong tổng số 50.000 cổ phiếu đăng ký.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) là Vũ Quốc Thái mua được 33,6% trong tổng số 1 triệu đơn vị đăng ký, Nguyễn Đăng Thanh mua được 13,7% lượng cổ phiếu đăng ký. Tình trạng tương tự diễn ra ở HCM, TMS, AAA, PC1, DVN, PNJ, VNM…

Khối ngoại vẫn có động thái bán ròng

Từ tháng 6/2019 tới nay, khối nhà đầu tư nước ngoài gần như liên tục bán ròng cổ phiếu. Thống kê giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, trong tháng 3, khối ngoại bán ròng 7.952,2 tỷ đồng, tháng 4 bán ròng 6.020,7 tỷ đồng và giai đoạn đầu tháng 5 bán ròng 329,3 tỷ đồng.

Cảnh báo sự lạc quan quá đà trên thị trường chứng khoán ảnh 2

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại trên HOSE.

Đặc biệt, một số quỹ lớn có động thái thoái vốn trong thời gian qua như Dragon Capital thoái 23 triệu cổ phiếu Xây lắp điện 1 (PC1), thoái 2 triệu cổ phiếu KDH, thoái ra 130.000 cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC).

VinaCapital thoái 303.050 cổ phiếu Tập đoàn Dabaco (DBC), thoái 214.800 cổ phiếu Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP), thoái 160.000 cổ phiếu Cường Thuận IDICO (CTI), thoái 83.680 cổ phiếu Hoá chất cơ bản miền Nam (CSV)…

Nguy cơ từ đại dịch Covid-19 vẫn còn

Trên thế giới, những quốc gia chống dịch Covid-19 hiệu quả bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh từ bên ngoài có dấu hiệu gia tăng, khiến không ít ý kiến quan ngại làn sóng dịch thứ hai có thể quay trở lại, cũng như việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế như trước đây là khó có thể sớm thực hiện được.

Diễn biến đáng quan tâm là các nền kinh tế đang vận hành dưới công suất tiềm năng và bắt đầu có hiện tượng doanh nghiệp lớn cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản như công ty dệt may lớn nhất Nhật Bản là Renown, nhà bán lẻ J.Crew của Mỹ, Neiman Marcus - chuỗi cửa hàng bách hoá xa xỉ ở Mỹ…

Kinh tế Việt Nam có độ mở cửa cao khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, dệt may, nông sản phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, lĩnh vực chế biến, chế tạo phụ thuộc vào nguyên liệu ngoài nước, ngành du lịch phụ thuộc vào khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, trong khi các thị trường nước ngoài nhìn chung vẫn đang đối mặt với tình hình phức tạp của dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh có nhiều thách thức, nhưng thị trường chứng khoán với dòng tiền chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đang hồi phục theo hình chữ “V”, các chỉ số tiếp cận gần vùng đỉnh cũ trước khi có dịch, dường như giới đầu tư đang phớt lờ các thông tin xấu liên quan tới triển vọng kinh doanh, mà tập trung vào câu chuyện kỳ vọng.

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể “bước đi ngẫu nhiên” theo xu hướng dòng tiền, nhưng trong trung và dài hạn sẽ phản ánh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành cũng như nền kinh tế với những thuận lợi và khó khăn riêng.

Việc thị trường chứng khoán tăng điểm tạo ra cảm giác hưng phấn, dù “tách rời” nền kinh tế, khiến rủi ro dần gia tăng.

Khi sự hưng phấn qua đi, các nhà đầu tư nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp nói chung đối mặt với những khó khăn kéo dài, thì tâm lý đám đông có thể sẽ chuyển từ hưng phấn sang bi quan và làn sóng bán ra cổ phiếu có thể lặp lại.

Mặt khác, nhà đầu tư quá lạc quan dễ dẫn tới sự bảo thủ trong đầu tư, việc bảo thủ và không tỉnh táo trên thị trường thường khiến họ nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn giảm giá.

“Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tái diễn, dịch bệnh bùng phát lần hai trên thế giới, tình trạng vỡ nợ ở khu vực châu Âu, làn sóng phá sản của doanh nghiệp toàn cầu… thì tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ nhanh chóng chuyển từ hưng phấn chuyển sang bi quan và thị trường có thể còn tệ hơn tháng 3 vừa qua”, một chuyên gia chứng khoán nói.

Tin bài liên quan