Cẩn trọng với hiện tượng “nhào nặn” báo cáo tài chính cuối năm

Cẩn trọng với hiện tượng “nhào nặn” báo cáo tài chính cuối năm

(ĐTCK) “Tuy tình trạng doanh nghiệp niêm yết thao túng báo cáo tài chính từ đầu năm 2019 đến nay có phần bớt phức tạp, nhưng do chất lượng quản trị công ty còn nhiều yếu kém, nên vẫn tiềm ẩn những rủi ro đáng ngại…”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Năm 2019 sắp qua đi và hiện là thời điểm các công ty niêm yết chuẩn bị lập báo cáo tài chính năm. Một câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng chênh lệch số liệu giữa báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập và công bố với báo cáo sau kiểm toán, thậm chí từ lãi thành lỗ, hoặc ngược lại có tiếp tục tái diễn. Ông có thể chia sẻ góc nhìn về điều này?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở một thị trường mới nổi, gian lận báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng là phổ biến.

Trong đó, càng những công ty quy mô vừa (mid-cap) và quy mô nhỏ (penny) thì càng có xu hướng “nhào nặn” báo cáo tài chính.

Với các công ty lớn, những kỹ thuật gian lận và quản trị lợi nhuận tinh vi được họ sử dụng như là các công cụ để tác động đến nhận thức và hành vi của người sử dụng báo cáo tài chính.

Phương pháp phát hiện gian lận báo cáo tài chính luôn là thách thức lớn đối với bất kỳ chuyên gia nào trong lĩnh vực phân tích tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán...

Ở Việt Nam, trong vòng một năm qua, tình trạng doanh nghiệp thao túng báo cáo tài chính có phần bớt “nóng”, nhờ chất lượng quản trị công ty được cải thiện, khả năng giám sát của thị trường tốt hơn nhưng vẫn đáng quan ngại.

Ðáng ngại là vì sao, ông có thể nêu dẫn chứng cụ thể?

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam.

Cái gốc của tình trạng doanh nghiệp thao túng báo cáo tài chính ở Việt Nam phức tạp là do chất lượng quản trị công ty còn nhiều yếu kém.

Ðiều này thể hiện qua kết quả chấm điểm trong chương trình thẻ điểm quản trị công ty ở khu vực ASEAN.

Trong đó, nhiều năm liền, Việt Nam xếp ở vị trí cuối cùng trong tổng số 6 nước được chấm điểm, gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Trong số nguyên nhân khiến cho chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam còn yếu kém, có lý do nhiều thành viên hội đồng quản trị ở các công ty, kể cả công ty niêm yết lớn không hiểu rõ vai trò của mình là gì, họ ngồi trong hội đồng quản trị để làm những gì theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt.

Trong nhiều trường hợp, họ hiểu rằng mình chỉ đại diện cho phần vốn của họ hoặc cho những người bầu họ vào hội đồng quản trị, mà quên mất rằng, một thành viên hội đồng quản trị chuyên nghiệp là phải đại diện cho quyền lợi của tất cả cổ đông.

Tính hình thức trong hoạt động của thành viên hội đồng quản trị độc lập có phải là một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, dẫn đến dễ phát sinh nhiều sai phạm trong hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có thao túng báo cáo tài chính?

Chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam còn yếu kém do vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập còn nhiều hạn chế, bởi mô hình quản trị hiện tại chưa giúp cho họ gia tăng vai trò giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu các công ty thay đổi mô hình quản trị tiên tiến theo khuyến nghị của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thì thành viên hội đồng quản trị độc lập mới có công cụ, quyền lực để giám sát. Chẳng hạn, họ sẽ nắm ủy ban kiểm toán, bộ phận kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp.

Ðương nhiên, việc hoàn thiện quy định pháp lý về các vấn đề này là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải được thực thi trên thực tế.

Nếu tình trạng thành viên hội đồng quản trị độc lập xuất hiện ở các doanh nghiệp theo kiểu điểm mặt, trình tên cho có, để đáp ứng về mặt hình thức tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2017/NÐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng thì một mặt sẽ khó nâng cao chất lượng hoạt động của thành viên hội đồng quản trị độc lập, mặt khác khiến cho chất lượng quản trị công ty chậm được cải thiện.

Theo ông, có cách nào để đẩy lùi tình trạng doanh nghiệp thao túng báo cáo tài chính, nhằm tăng tính tin cậy và minh bạch trên thị trường chứng khoán, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư?

Ðầu tiên là cần sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp, đặc biệt là từ chủ tịch hội đồng quản trị cho đến các thành viên hội đồng quản trị về vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng quản trị đối với sự phát triển bền vững của công ty, cũng như nhận thức chuẩn mực theo thông lệ quốc tế về vai trò của thành viên hội đồng quản trị.

Từ đó, công ty sẽ được cấu trúc theo các thông lệ tốt và phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp. Ðây là nền tảng cho doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, phát triển bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và đương nhiên, nhờ đó sẽ giảm thiểu hành vi thao túng báo cáo tài chính vì những toan tính có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại có hại cho thị trường, cho nhà đầu tư, các cổ đông.

Các gian lận trong báo cáo tài chính vốn được che giấu rất tinh vi, vì vậy, đòi hỏi các đơn vị kiểm toán, nhà đầu tư, các cổ đông… phải có kiến thức chuyên sâu mới phát hiện được.

Cụ thể là cần hiểu về phương pháp phát hiện gian lận, bao gồm kỹ thuật về quản trị lợi nhuận hay còn gọi là kế toán sáng tạo, để biết được liệu doanh nghiệp có sử dụng những biện pháp “nhào nặn” báo cáo tài chính hay không, lợi nhuận bị bóp méo theo xu hướng nào, doanh nghiệp áp dụng những phương pháp hay cách thức bóp méo số liệu trên báo cáo tài chính thế nào, khi nào thì họ áp dụng các phương pháp này…

Về phía cơ quan quản lý, để đấu tranh hiệu quả với hiện tượng thao túng báo cáo tài chính, một mặt cần tăng cường hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng chặt chẽ, minh bạch để ngăn ngừa hành vi thao túng báo cáo tài chính, mặt khác cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạt; đồng thời, gia tăng các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

Tin bài liên quan