Những hành vi tái phạm
Là định chế trung gian trên thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán, mà còn là cầu nối giữa nhà đầu tư với thị trường, là tấm gương trong các hoạt động giao dịch để nhà đầu tư noi theo.
Thế nhưng, trên thực tế, không ít trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán trung gian đã không tuân thủ quy định, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến hình ảnh hoạt động của công ty, mà còn với niềm tin của thị trường, nhà đầu tư.
Trong số các vi phạm trên thị trường chứng khoán bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt, có một điểm nổi lên là các trường hợp vi phạm mang tính tái phạm. Vi phạm đầu tiên có thể kể đến là hành vi “vượt rào” quy định pháp lý, kinh doanh sai quy định.
Tại Quyết định 673/QÐ-XPVPHC ngày 3/9/2019 về xử phạt vi phạm hành chính, UBCK xử phạt Công ty Chứng khoán Bảo Minh (mã BMS - UPCoM) số tiền 350 triệu đồng do hàng loạt vi phạm.
Theo đó, ngoài bị xử phạt 100 triệu đồng vì cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định, BMS còn bị UBCK phạt 250 triệu đồng do cung cấp dịch vụ tài chính khi chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, BMS đã ký kết hợp đồng thu mua cổ phiếu chưa niêm yết với 3 khách hàng theo phương thức Công ty sẽ chuyển tiền cho khách hàng để thực hiện mua cổ phiếu chưa niêm yết trong khoảng thời gian nhất định.
Trong thời gian ký kết, nếu đối tác không thực hiện mua chứng khoán/chuyển quyền sở hữu chứng khoán thì sẽ phải trả lại cho BMS tiền gốc và lãi phạt.
Việc BMS thực hiện ký kết hợp đồng thu mua cổ phiếu chưa niêm yết cho đến nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ðây không phải là lần đầu BMS “vượt rào” kinh doanh sai trái. Trước đó, BMS đã bị UBCK xử phạt 250 triệu đồng do cung cấp dịch vụ tài chính khi chưa có văn bản hướng dẫn của UBCK, hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, trong năm 2016, BMS nhận vốn từ Công ty cổ phần Hoàng Gia DL và ông Dương Tiến Dũng dưới hình thức ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán và tài sản tài chính.
Ðồng thời, BMS thực hiện giao vốn cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán chưa niêm yết và hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán và tài sản tài chính theo chỉ định của Công ty cổ phần Hoàng Gia DL và ông Dương Tiến Dũng hoặc Công ty tự tìm đối tác.
Theo đó, BMS thực hiện cam kết lãi suất, thanh toán tại từng hợp đồng ký kết với đối tác…
Ðể làm rõ hành vi tái phạm trên của BMS là cố tình hay vô ý, sáng ngày 13/9/2019, phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với bà Trịnh Thị Thu Hương, người công bố thông tin của BMS để tìm câu trả lời nhưng bất thành do nhân viên Công ty cho hay bà Hương không có ở văn phòng và cũng không cung cấp số điện thoại di động để liên lạc.
Hành vi tái phạm tiếp theo là không tuân thủ quy quy định pháp luật về quản trị, điều hành. Ðiển hình là ngày 16/8 vừa qua, Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS) đã bị UBCK xử phạt 185 triệu đồng do mắc hàng loạt sai phạm như không có đủ người hành nghề chứng khoán; không thiết lập, duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro;
Không tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật khác về quản trị, điều hành (tính đến thời điểm kiểm tra ngày 9/7/2019, GLS chưa tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019).
Trước đó, trong tháng 6/2019, Công ty bị UBCK xử phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán.
Ðáng nói, đây không phải là lần đầu GLS không tuân thủ quy định pháp luật về quản trị, điều hành.
Còn nhớ, trong năm 2018, cũng với lỗi vi phạm không tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật khác về quản trị, điều hành (GLS tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 không đúng thời hạn theo quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán), Công ty bị UBCK xử phạt 60 triệu đồng.
Một hành vi tái phạm nữa là vi phạm quy định về công bố báo cáo tài chính. Ðiển hình như trường hợp của Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC (AFM). Năm qua, AFM bị UBCK phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của UBCK và Công ty đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính quý II/2017, quý I/2018; Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 đã được soát xét; Báo cáo tài chính năm 2016, 2017 đã được kiểm toán…
Cần mạnh tay xử lý
Nhiều hành vi tái phạm, ở một góc độ nào đó cho thấy chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe. Một khi đối tượng vi phạm nhận thấy vi phạm để rồi bị xử phạt, nhưng lợi ích thu được vẫn lớn hơn, thì rõ ràng tình trạng tái phạm sẽ có nguy cơ gia tăng.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này (sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp khai mạc vào tháng 10 tới), cần bổ sung các quy định theo hướng xử phạt nặng đối với các hành vi tái phạm nói chung, hành vi tái phạm của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nói riêng.
Ðây là điều cần thiết để đảm bảo tính răn đe, tránh tình trạng phạt để cho tồn tại như hiện nay.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, quy định pháp lý cần được hoàn thiện theo hướng một khi tái phạm, nhất là với các trường hợp cố tình, thu lợi bất chính lớn, thì đối tượng vi phạm sẽ phải đối mặt với những chế tài xử phạt nặng hơn nhiều lần so với các lần vi phạm trước.
Có như vậy mới đủ sức răn đe, đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của các quy định pháp lý.
Cần chế tài nặng với các hành vi tái phạm
Luật sư Lê Thanh Sơn, Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các hành vi tái phạm nói chung, vi phạm mang tính lặp đi lặp lại nói riêng của các công ty chứng khoán có nguyên nhân từ chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ðể khắc phục tình trạng này, qua tham khảo kinh nghiệm của thị trường chứng khoán nước ngoài cho thấy, chế tài xử lý phải đủ sức răn đe và có tính khả thi cao. Luật Chứng khoán sửa đổi cũng như quy định pháp lý liên quan cần hoàn thiện theo hướng trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nếu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ bị phát hiện tái phạm, thì sẽ đối mặt với chế tài xử phạt nặng.
Cụ thể, kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài cho thấy, khi công ty chứng khoán bị phát hiện ở lần vi phạm thứ nhất thì bị phạt tiền, cảnh cáo.
Nếu tái phạm ở lần thứ 2 thì đối mặt với việc bị tạm ngừng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến hành vi sai phạm trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn 30-45 ngày tùy tính chất và mức độ vi phạm.
Sau khi bị xử phạt lần 2 mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị tăng thời gian ngừng kinh doanh lên dài hơn.
Cách thiết kế chế tài xử lý theo hướng tăng nặng như trên vừa giúp ngăn chặn tình trạng các công ty chứng khoán tái diễn hành vi phạm, vừa tạo sức ép thúc đẩy công ty chứng khoán phải chú trọng nâng cao đạo đức hành nghề của đội ngũ nhân sự, quản lý chặt chẽ các hoạt động giao dịch, gia tăng quản trị rủi ro để không đối mặt với các án phạt nặng.