Hiện còn tới gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung

Hiện còn tới gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung

Cần rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu sau IPO vào giao dịch

(ĐTCK) Số lượng doanh nghiệp lên sàn, nhất là đăng ký giao dịch trên UPCoM, đang bùng nổ. Tuy thời gian đưa cổ phiếu vào giao dịch sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đã được rút ngắn nhiều so với trước đây, song theo các công ty chứng khoán, cũng như nhà đầu tư, điều đó là chưa đủ.

Thực tế áp dụng cơ chế gắn IPO với đưa cổ phiếu lên sàn tại Thông tư 115/2016 sửa đổi Thông tư 196/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền từ cổ phần hóa, đang tạo ra sự bùng nổ số lượng doanh nghiệp lên sàn. Điều này được thể hiện rõ nét trên sàn UPCoM, khi từ đầu năm đến nay, đã có 160 doanh nghiệp lên sàn này. Riêng trong tháng 11/2016, có tới 100 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ lên UPCoM.

“Sau khi triển khai Thông tư 115/2016, thời gian tới, hoạt động đấu giá sẽ sôi động hơn, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia đấu giá. Trước khi có Thông tư 115/2016, doanh nghiệp phải làm 3 bộ hồ sơ riêng biệt để đăng ký đấu giá, lưu ký cổ phiếu và đăng ký giao dịch. Nhưng nay doanh nghiệp chỉ phải làm 1 bộ hồ sơ để thực hiện cả 3 khâu này. Đây là bước tiến lớn theo thông lệ quốc tế, giúp giảm thủ tục hành chính, tạo thanh khoản cho cổ phiếu”, ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Phòng Thẩm định niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhìn nhận.

Theo quy định tại Thông tư 115/2016, nhanh thì trong vòng khoảng 15- 20 ngày sau khi IPO, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ được đưa lên đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian tính từ thời điểm doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký giao dịch, cũng như lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký, còn với những trường hợp phải bổ sung hồ sơ, thậm chí bổ sung nhiều lần, thì thời gian đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch còn kéo dài hơn.

Khoảng thời gian này tuy rút ngắn hơn rất nhiều so với trước đây, khi có những doanh nghiệp đã cổ phần hóa cách đây 3-4 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn. Cụ thể, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, hiện còn tới gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung theo quy định.

Không phủ nhận Tổng công ty kinh doanh tốt, nhưng chính tôi cũng không hiểu tại sao cổ phiếu của Tổng công ty lại tăng mạnh đến vậy trước thời điểm lên sàn.

- ông Phạm Ngọc Minh,
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty
Hàng không Việt Nam.

Theo ý kiến từ phía nhà đầu tư, công ty chứng khoán, phải chờ đợi tới trên dưới 1 tháng sau khi mua cổ phiếu trong đợt IPO mới được giao dịch là khoảng thời gian dài. Sự sốt ruột của nhà đầu tư xuất phát từ thực tế là liên tiếp trong thời gian gần đây, giá nhiều cổ phiếu trước khi lên sàn tăng với tốc độ đáng kinh ngạc như Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam...

“Không phủ nhận Tổng công ty kinh doanh tốt, nhưng chính tôi cũng không hiểu tại sao cổ phiếu của Tổng công ty lại tăng mạnh đến vậy trước thời điểm lên sàn”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết.

Vì giá cổ phiếu đôi khi tăng gấp đôi, gấp ba trước thời điểm chào sàn, nên nhà đầu tư có tâm lý muốn bán ngay sau khi cổ phiên lên sàn để chốt lời. Mặt khác, sau nhiều năm mua cổ phiếu trong đợt IPO, nhà đầu tư muốn giao dịch cổ phiếu càng sớm càng tốt.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán cần có giải pháp rút ngắn thời gian hơn, để có thể sau 3-5 ngày có kết quả đấu giá IPO, thì cổ phiếu được đăng ký giao dịch ngay”, đại diện một công ty chứng khoán đề xuất.

Qua thực tế tư vấn IPO và đưa cổ phiếu lên sàn, phản ánh của các công ty chứng khoán cho thấy, theo quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục để đăng ký lưu ký cổ phần tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Câu hỏi đặt ra là với các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết và họ không muốn lên UPCoM, do thời gian hoàn tất, xét duyệt hồ sơ niêm yết thường kéo dài hơn so với khi đăng ký giao dịch và có thể vượt quá 90 ngày, điều này có bị coi là vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn không? Để tránh rủi ro bị xử phạt, liệu doanh nghiệp có phải đồng thời nộp hồ sơ đăng ký giao dịch và đăng ký niêm yết? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán cần có hướng dẫn cụ thể, hợp lý cho tình huống này, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lên sàn.

Tin bài liên quan