Cận cảnh bức tranh lợi nhuận Top 10 thị phần môi giới

Cận cảnh bức tranh lợi nhuận Top 10 thị phần môi giới

(ĐTCK) Dẫu có biến động trong Top 10 thị phần môi giới, nhưng hiệu quả kinh doanh của các công ty ít có sự “đổi ngôi”.

Xét trên con số tuyệt đối, Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán VNDirect (VNDS) vẫn là nhóm dẫn đầu ngành về lợi nhuận.

Cụ thể, tại SSI, theo báo cáo tài chính riêng, doanh thu quý III chỉ giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 839 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 316 tỷ đồng, giảm tới 42%. Luỹ kế 9 tháng, SSI đạt 2.274 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 795 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với cùng kỳ 2018.

Với HSC, quý III, Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 388 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ.

Chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu vẫn là mảng môi giới và hoạt động cho vay margin, nhưng hai mảng này có diễn biến trái chiều. Cụ thể, doanh thu môi giới đạt 117 tỷ đồng, giảm 26%, trong khi doanh thu margin tăng 14%, đạt 129 tỷ đồng.

Theo thuyết minh của Công ty, doanh thu môi giới trong kỳ giảm do giá trị giao dịch của toàn thị trường sụt giảm so với cùng kỳ, đồng thời thị phần môi giới của Công ty cũng giảm.

Cụ thể, quý III/2019, thị phần môi giới của HSC trên HOSE và HNX lần lượt đạt 10,59% và 6,74%, trong khi con số cùng kỳ là 11,51% và 9,42%. Doanh thu cho vay margin của Công ty tăng so với cùng kỳ do giá trị cho vay ký quỹ tăng 18% trong quý III.

Điều này phù hợp với diễn biến thị trường khi giá trị giao dịch bình quân/ngày chỉ từ 4.000 - 4.500 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2018. Chưa kể, việc bỏ quy định sàn phí giao dịch 0,15% khiến nhiều công ty chứng khoán trường vốn với chi phí vốn rẻ đã mạnh tay giảm phí để thu hút khách hàng.

Phí môi giới chứng khoán cơ sở của HSC đã giảm 41% so với cùng kỳ; phí môi giới phái sinh giảm 60%, chủ yếu do giảm phí giao dịch và thị phần môi giới chỉ đạt 10,5%.

Trong kỳ, doanh thu mảng tự doanh cũng sụt giảm mạnh 41%, với 154 tỷ đồng doanh thu.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu HSC đạt 927 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 305 tỷ đồng.

Mới đây, HSC đã ký hợp đồng vay vốn tín chấp trị giá 50 triệu USD (tương đương 1.155 tỷ đồng) với nhóm 10 định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng SinoPac (Đài Loan).

Khoản vay có kỳ hạn 3 năm, mỗi khoản rút vốn có kỳ hạn không quá 12 tháng, với mức lãi suất theo thị trường tiền tệ quốc tế.

Số vốn chủ yếu sẽ được dùng cho đầu tư vào những trái phiếu niêm yết được phát hành bởi những doanh nghiệp lớn có mã chứng khoán đang được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, hoặc giải ngân vào hoạt động cho vay ký quỹ (margin) tùy từng thời điểm.

Khoản vay sẽ giúp HSC đa dạng cơ cấu tài chính và cân đối các hạn mức tín dụng với chi phí tối ưu.

Một trong các tiêu chí để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dưới hình thức này là doanh nghiệp phải có quy mô lớn, khả năng quản trị vượt trội, năng lực tài chính vững mạnh cùng với lịch sử tín dụng đáng tin cậy.

Trong cơ cấu nguồn vốn, HSC đang được 13 ngân hàng trong và ngoài nước cấp hạn mức vay tín chấp và thấu chi, trong đó tổng hạn mức tín chấp ký kết là 3.300 tỷ đồng.

Theo HSC, nguồn vốn mới bổ sung dồi dào, cộng với những khoản cấp vốn có lãi suất tốt từ ngân hàng đã giúp HSC có sức khoẻ tài chính tốt hơn nhiều so với những công ty cùng ngành và cải thiện biên lợi nhuận (trong kinh doanh vốn) so với việc huy động vốn bằng công cụ nợ trái phiếu như những năm trước.

Dù doanh thu môi giới có sụt giảm, nhưng doanh thu từ hoạt động cho vay margin ở nhiều công ty chứng khoán vẫn có sự tăng trưởng.

Doanh thu cho vay margin quý III của SSI tăng trưởng 15%, đạt hơn 180 tỷ đồng. Với HSC, dư nợ cho vay margin đạt 4.669,7 tỷ đồng, tăng 48,5% so với đầu năm.

Tại VNDS, doanh thu môi giới quý III giảm gần 24%, song lãi từ cho vay và khoản phải thu vẫn tăng gần 9%, đạt 96,7 tỷ đồng.

VCSC kỳ này tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng thị phần môi giới. Điều này được lý giải, ưu thế đặc thù của Công ty là mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), kéo theo đó là khối khách hàng tổ chức (tập trung lớn ở khách hàng tổ chức nước ngoài), nhưng trong kỳ, khối này có giao dịch kém tích cực.

Tổng doanh thu quý III của Công ty đạt 346 tỷ đồng, giảm 10%; trong đó, hoạt động môi giới đóng góp 137 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu 90,7 tỷ đồng. Cho vay ký quỹ của VCSC là 2.887 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong kỳ, VCSC cũng có sự điều chỉnh giảm lãi suất cho vay margin thông thường về mức 12,5%/năm.

Với VCSC, khoản mục không thể bỏ qua chính là danh mục cổ phiếu - “của để dành” của các công ty chứng khoán - ghi nhận khoảng 1.064 tỷ đồng, giá trị đầu tư ghi sổ 496 tỷ đồng. Nổi bật có thể kể đến là khoản đầu tư hơn 148 tỷ đồng vào cổ phiếu VPS. Công ty còn có gần 124 tỷ đồng cổ phiếu Masan MeatLife (sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán).

Với Công ty Chứng khoán Mirea Asset, sức bật về thị phần đã mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho Công ty trong quý III, với 254 tỷ đồng doanh thu, tăng 90% so với cùng kỳ 2018 và 104 tỷ đồng lợi nhuận, tăng mạnh 80% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, Công ty lãi ròng 285 tỷ đồng, tăng trưởng 84%. Đây là điểm sáng trong bối cảnh chung kém tích cực của ngành chứng khoán.

Sự tăng trưởng này của Mirea Asset có đóng góp chính từ hoạt động môi giới và cho vay margin.

Cụ thể, doanh thu môi giới trong kỳ đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 80%;  lãi từ các khoản phải thu và cho vay (chủ yếu cho vay margin) đạt 157 tỷ đồng, tăng 189%.

Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của Mirea Asset tại thời điểm cuối quý III lên tới 6.566 tỷ đồng, gần gấp đôi so với hồi đầu năm. Tại thời điểm cuối tháng 9, MAS cũng đang có hơn 1.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Đối với nhân tố thi thoảng có thị phần đột biến để lọt và Top 10 như Công ty Chứng khoán BOS (ART), nguyên nhân chính được thị trường nhìn nhận là nhờ các tài khoản lớn giao dịch nhóm cổ phiếu FLC (như FLC, ROS, GAB…) có giao dịch mạnh trong kỳ, quý III năm nay cũng báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 45 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2018, chủ yếu nhờ doanh thu môi giới tăng đột biến hơn 28 tỷ đồng (cùng kỳ 2018 chỉ hơn 5,7 tỷ đồng) và lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng tốt, ở mức 15,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 80,64%, đạt 14,5 tỷ đồng.

Xét trên chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trượt 4 quý gần nhất, vị trí dẫn đầu vẫn đang thuộc về VCSC (với 17,5%); tiếp theo là HSC (10,26%), thứ ba là VNDS (9,16%). Thấp hơn một chút là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) với 6,82%, KIS khoảng 5,7%. ART khoảng 4,96%... 

Cận cảnh bức tranh lợi nhuận Top 10 thị phần môi giới ảnh 1

Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE.

Tin bài liên quan