Cách nào để TTCK Việt Nam sớm nâng hạng?

Cách nào để TTCK Việt Nam sớm nâng hạng?

(ĐTCK) Theo các tiêu chí của thị trường mới nổi của MSCI, TTCK Việt Nam thực tế đã đạt được các tiêu chuẩn mà MSCI đưa ra về mặt định lượng. 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay trên thế giới, có một số tổ chức chuyên xây dựng các bộ chỉ số về thị trường nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư quốc tế trong đánh giá các cơ hội đầu tư trên toàn cầu. Một số tổ chức tiêu biểu là MSCI, S&P, FTSE, Dow Jones và Russell.

Các TTCK trên thế giới về cơ bản được phân loại làm 3 nhóm là nhóm thị trường phát triển - nhóm này được cho là có độ mở lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài; tiếp theo là nhóm thị trường mới nổi (Emerging Markets) và thị trường cận biên (Frontier Markets).

Theo MSCI, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các thị trường cận biên và tiến sát tới các thị trường mới nổi. Theo các tiêu chí của thị trường mới nổi của MSCI, TTCK Việt Nam thực tế đã đạt được các tiêu chuẩn mà MSCI đưa ra về mặt định lượng. Cụ thể, TTCK Việt Nam có đủ số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI như Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát...

Ngoài yếu tố định lượng, MSCI cũng đặt ra các yêu cầu định tính, trong đó có một số yếu tố Việt Nam cần phải cải thiện như giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; các quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản... Theo đó, nhà quản lý đang và sẽ thực thi các giải pháp để gỡ vướng trên con đường nâng hạng thị trường.

Cụ thể, về vấn đề tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng, hiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã đưa vào các nội dung về xác định rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời rà soát điều kiện trình tự thủ tục đối với khối ngoại theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ...

Về quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, công việc trọng tâm đã hoàn thành là hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty (Nghị định 71/2017/NĐ-CP). Công việc tiếp theo là tăng cường thanh tra giám sát và xử lý vi phạm nhằm nâng cao kỷ luật và lòng tin của nhà đầu tư, khuyến khích công ty đại chúng có trang web hoặc công bố thông tin bằng tiếng Anh, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tập trung về các công ty đại chúng....

Về các vướng mắc liên quan vấn đề giao dịch và thanh toán,  tự do hóa thị trường ngoại hối, các vướng mắc hiện nay giữa pháp luật ngân hàng và chứng khoán liên quan đến việc mở và vận hành tài khoản tiền phục vụ giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, các quy định hạn chế việc tham gia các sản phẩm phái sinh tiền tệ của nhà đầu tư nước ngoài, việc tăng sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng... 

Đây là các vấn đề đòi hỏi sự phối hợp, xử lý liên ngành mới có thể giải quyết được.

Bên cạnh những giải pháp trên, UBCK cho biết, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên TTCK.

Theo đó sẽ rút gọn, đơn giản hóa thủ tục cấp mã số giao dịch; đơn giản hóa thủ tục đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ mở; hướng dẫn cập nhật thông tin rút gọn; cho phép thực hiện bỏ phiếu điện tử và họp trực tuyến...

Theo MSCI, việc phân hạng thị trường không được lượng hóa cụ thể, mà được tổng hợp đánh giá từ các nguồn thông tin đa dạng như các chỉ số về thị trường trong nước và trong khu vực, đánh giá của các nhà đầu tư và thành viên thị trường, các số liệu tính toán, thu thập từ nhiều nguồn khác nhau.

Nói cách khác, việc xếp hạng TTCK phụ thuộc nhiều vào kết quả khảo sát của các nhà đầu tư là khách hàng của MSCI và đánh giá nội bộ của MSCI đối với TTCK đó. Việc nâng hạng thị trường, vì thế, đòi hỏi sự nỗ lực tự thân đồng thời với việc những nỗ lực đó được các nhà đầu tư đánh giá và ghi nhận.

Tin bài liên quan