Bước tiến lớn trong tăng cường khả năng quản trị doanh nghiệp

Bước tiến lớn trong tăng cường khả năng quản trị doanh nghiệp

(ĐTCK) Việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước ban hành Sổ tay Hướng dẫn quyền biểu quyết và Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, theo đánh giá của giới chuyên gia đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc nâng cao hiệu lực quản trị của chính SCIC và các doanh nghiệp SCIC có cổ phần, phần vốn góp.

“Thông điệp rõ ràng đầu tiên về việc giới thiệu một hệ thống quản trị hiện đại”

Ông Takahashi Akito, Phó trưởng đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam 

Hiện tại JICA đang triển khai dự án hỗ trợ kĩ thuật về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với Bộ Tài chính và những đơn vị trực thuộc Bộ gồm cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Dự án này tập trung vào củng cố chức năng và vai trò của SCIC thông qua việc xây dựng Hướng dẫn quyền biểu quyết, sử dụng cho người đại diện vốn Nhà nước tại các công ty thành viên của SCIC.

Tài liệu này được xây dựng nhằm hỗ trợ các công ty thành viên tăng cường giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị cho cổ đông trong trung và dài hạn.

Đây là thông điệp rõ ràng đầu tiên về việc giới thiệu một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại và tăng cường giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam tuân theo chuẩn mực quản trị doanh nghiệp quốc tế do OECD yêu cầu.

SCIC hướng tới việc cải thiện tính minh bạch trong vấn đề ra quyết định tại các công ty đầu tư, thông qua việc làm rõ các mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông. Hướng dẫn này sẽ được chỉnh sửa hàng năm dựa trên hiện trạng kinh tế và tình hình quản trị doanh nghiệp ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Với cuốn Sổ tay Hướng dẫn quyền biểu quyết, các đại diện cổ đông Nhà nước tại SCIC được kỳ vọng sẽ nhận thức rõ hơn và nắm bắt vấn đề nhanh hơn trong quá trình nghiên cứu các tài liệu của doanh nghiệp phục vụ việc ra quyết định biểu quyết; tăng tính chuyên nghiệp của người đại diện.

Quyết định biểu quyết (hoặc đề xuất với SCIC để ra quyết định biểu quyết đối với các vấn đề phải xin ý kiến SCIC) phù hợp với lợi ích của SCIC theo nguyên tắc an toàn và nâng cao hiệu quả vốn, gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Cùng với tài liệu Hướng dẫn quyền biểu quyết, Dự án đã xây dựng Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp cũng với mục tiêu cải thiện hoạt động quản trị tại các công ty có vốn nhà nước mà SCIC đang nắm giữ. Được xây dựng dựa trên những thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới cũng như tình hình thực tế tại Việt Nam, Bộ quy tắc này đề cập đến các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến mà các công ty của SCIC nên tham khảo.

JICA hy vọng, với những nỗ lực của mình cùng những sản phẩm đầu ra của dự án, SCIC sẽ đóng vai trò là người tiên phong trong việc phổ biến các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, quản trị tốt là một trong những “yếu tố quyết định” trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. JICA cũng mong rằng, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi quan trọng trong việc duy trì và phát triển các hoạt động nhằm tăng cường khả năng quản trị tại các doanh nghiệp.

Trong số các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, vấn đề theo tôi nghiêm trọng và thách thức nhất là “Việc tách bạch chức năng sở hữu và quản lý nhà nước”. Tầm quan trọng của vấn đề này đã được nhấn mạnh tại: “Hướng dẫn của OECD về quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước".

Thông thường, khi đề cập đến quản trị doanh nghiệp, khái niệm này bao gồm các quy tắc để quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nhà nước đang là cổ đông lớn tại rất nhiều doanh nghiệp. Thực trạng này dẫn đến việc cần thiết phải thông qua một cơ chế quản trị thích hợp để quản lý những cổ đông lớn. Cụ thể, việc phát triển và công khai các “Quy tắc ứng xử”của cổ đông nhà nước sẽ là cần thiết để ngăn chặn việc can thiệp quá sâu của nhà nước vào hoạt động quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

“Đánh giá cao quyết tâm và cách làm của SCIC”

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Một trong những mục tiêu của cải cách doanh nghiệp nhà nước là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cải thiện quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước là một yêu cầu, một nghĩa vụ mà các bên có liên quan phải thực hiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp khác, việc cải thiện và nâng cao hiệu lực quản trị cũng chính vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Nhiều lợi ích của quản trị doanh nghiệp tốt cũng đã được chỉ ra, như: giúp cho doanh nghiệp phát triển vững chắc, ra quyết định tốt hơn, giảm thiểu tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, lòng tin của nhà đầu tư, nâng cao khả năng huy động vốn tốt hơn và theo đó giúp phát triển thị trường vốn…

Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, cải thiện quản trị doanh nghiệp còn cần thiết hơn so với doanh nghiệp khác. Bởi vì, trong doanh nghiệp nhà nước, vấn đề đại diện (agent issue) phức tạp hơn và có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng hơn; do đó, cải thiện quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước còn là nhu cầu cấp bách và cần thiết nhất.

Việc SCIC phối hợp với các bên liên quan để xây dựng, ban hành và áp dụng Sổ tay và Bộ quy tắc quản trị tốt đã thể hiện một quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc nâng cao hiệu lực quản trị của chính SCIC và các doanh nghiệp SCIC có cổ phần, phần vốn góp. Tôi đánh giá cao quyết tâm và cách làm này của SCIC.

Về nội dung của Sổ tay, tôi nhận thấy, sẽ giúp cho các người đại diện phần vốn có hướng dẫn để suy nghĩ, đánh giá nhiều hơn về chuyên môn khi tham gia gia quyết định trong doanh nghiệp mà họ đại diện. Điều này giúp tránh tình trạng người đại diện ỷ lại, chỉ đơn thuần xin ý kiến. Cần lưu ý, đó mới chỉ là những nguyên tắc gợi ý, người đại diện khi biểu quyết cần đánh giá vấn đề trên hoàn cảnh cụ thể của công ty và một nguyên tắc quan trọng “vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp”.

Bộ quy tắc đã phản ánh những thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp theo khuyến nghị mới nhất của OECD và G20. Ngoài ra, bộ quy tắc này cũng rất hữu ích khi đưa vào những nội dung tương ứng của luật nhằm tăng hiệu lực áp dụng của bộ quy tắc này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sẽ tốt hơn khi các công ty nghiên cứu kỹ các quy tắc này và ban hành dưới hình thức quy chế hoạt động trong quản trị công ty. Có như vậy, thì những nguyên tắc tốt này mới thực sự được áp dụng tốt trên thực tế.

“Ấn tượng với nội dung bộ quy tắc quản trị của SCIC”

Bước tiến lớn trong tăng cường khả năng quản trị doanh nghiệp ảnh 3

Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam 

Chính phủ đang nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng cường giám sát các doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua các chương trình đổi mới, cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý, luật và các quy định hướng dẫn cụ thể.

Về bản chất, các yêu cầu về giám sát tài chính, công bố thông tin và minh bạch hóa các mối quan hệ, giao dịch kinh tế và báo cáo tài chính đối với những doanh nghiệp có vốn nhà nước do Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành chính là các yêu cầu của một thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt.

Bên cạnh đó, cũng như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng hoạt động và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và chịu sự chi phối của các nguyên tắc thị trường. Do đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước muốn tồn tại và cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thì cũng phải tiệm cận và tuân thủ các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp như tất cả các doanh nghiệp khác.

Tôi rất ấn tượng về nội dung của Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp do SCIC ban hành và đánh giá cao phương pháp xây dựng khoa học và có tính bao trùm toàn bộ các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cơ bản trong các tài liệu này. Đây là những nguyên tắc và hướng dẫn mà không phải bất kỳ một tập đoàn hoặc doanh nghiệp lớn nào ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước có thể có được. Đây là bộ tài liệu đầu tiên thể hiện rõ nét sự gắn kết và tham chiếu giữa thông lệ (các nguyên tắc OECD) và các quy định hiện hành.

Bộ quy tắc được áp dụng theo phương thức áp dụng hoặc giải trình, tuy nhiên các doanh nghiệp thành viên, đặc biệt là các doanh nghiệp đại chúng và niêm yêt cần lưu ý việc tuân thủ các nguyên tắc QTDN theo yêu cầu của luật và quy định hiện hành, bao gồm các quy định của thị trường chứng khoán. Một phần lớn các nguyên tắc này được bao trùm và khuyến khích trong các bộ quy tắc của SCIC.

Nếu có điều kiện thì tôi cho rằng bộ quy tắc này nên được nhân rộng cho tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước (100% hoặc chi phối) cho mục đích tham khảo, không chỉ giới hạn cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của SCIC. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần xem xét khả năng áp dụng của bộ quy tắc cho các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC có tính đến tỷ lệ phần trăm sở hữu và/hoặc quyền chi phối hay không.

Nếu SCIC không có toàn quyền chi phối thì cần chủ động và khuyến khích các cổ đông khác ủng hộ việc áp dung bộ quy tắc này thông qua các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc của hội đồng quản trị.

Tiếp nối việc ban hành hai ấn phẩm mới này thì SCIC cũng nên xem xét tổ chức thêm các buổi hội thảo, tập huấn để phổ biến, hướng dẫn và cập nhật các nội dung triển khai quy tắc quản trị doanh nghiệp, cũng như hướng dẫn biểu quyết cho các thành phần và đối tượng có liên quan nhằm triển khai và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Bên cạnh cơ chế báo cáo định kỳ nên có cơ chế rà soát, giám sát và đánh giá việc thực hiện và áp dụng các quy tắc quản trị doanh nghiệp, cũng như cơ chế ràng buộc trách nhiệm của hội đồng quản trị và/hoặc ban điều hành của các đơn vị thành viên SCIC.

Tin bài liên quan