Các thành viên Nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững.

Các thành viên Nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững.

Bước tiến lớn trong mùa báo cáo phát triển bền vững 2018

(ĐTCK) Báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết năm nay đã có những tiến bộ đáng kể. 

Những điểm sáng

Đi qua 6 mùa bình chọn báo cáo phát triển bền vững tốt nhất, có thể thấy, chất lượng tổng thể báo cáo năm sau luôn được nâng lên so với năm trước. Số báo cáo phát triển bền vững độc lập cũng gia tăng. Năm nay, có 11 đơn vị làm báo cáo độc lập so với 6 đơn vị của năm trước. Số lượng các doanh nghiệp có báo cáo bằng tiếng Anh chất lượng tốt tăng lên.

Các doanh nghiệp có báo cáo thuộc Top 10 và Top 20 phần lớn đều áp dụng các tiêu chuẩn công bố thông tin cao hơn so với quy định. 6 báo cáo trong Top 10 đã áp dụng các chuẩn mực báo cáo GRI. 4 báo cáo còn lại trong Top 10 (TRA, SSI, STK, PVD) cũng áp dụng hướng dẫn của GRI G4.

Một số báo cáo đã được đầu tư hài hòa cả hình thức lẫn nội dung. Cá biệt, một số báo cáo có tính sáng tạo và mỹ thuật rất độc đáo, không thua kém gì báo cáo của các công ty đa quốc gia.

Một xu hướng mới năm nay là việc gắn kết các hoạt động phát triển bền vững của công ty với các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG). Đa số báo cáo trong Top 10 (BVH, VNM, DHG, NVL, PAN, STK, TRA) đã liên kết các hoạt động của mình với một hoặc nhiều trong 17 mục tiêu SDG.

Đặc biệt, VNM có liên kết hoạt động của mình với Chương trình hành động quốc gia (theo Quyết định 622/QĐ-TTg). Điều này cho thấy sự tích hợp giữa các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp với quốc gia và thế giới.

Tính tin cậy của các báo cáo được tăng lên thông qua cơ chế quản trị nội bộ cũng như bảo đảm từ bên ngoài. Năm nay, VNM có hoạt động đảm bảo từ bên ngoài giống như BVH trước đây. BVH giới thiệu đảm bảo nội bộ từ Ban Kiểm toán nội bộ của Tập đoàn. PAN giới thiệu Tiểu ban Môi trường và xã hội trực thuộc Hội đồng quản trị chuyên về các hoạt động phát triển bền vững. 

… và sai sót không đáng có

Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể, vẫn còn một số báo cáo có nội dung, cấu trúc chưa đầy đủ vì không theo một chuẩn mực nào nên thiếu những nội dung rất cơ bản như thông tin liên hệ, phạm vi báo cáo, kỳ báo cáo, đối tượng sử dụng báo cáo, cơ chế thông tin và phản hồi, hồ sơ về các vấn đề tuân thủ, không tuân thủ pháp luật và các thành tích…

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng  Anh quốc, Trưởng nhóm đánh giá chuyên môn về báo cáo phát triển bền vững. 

Đây là các thông tin cơ bản tương đối dễ tập hợp, cung cấp nhưng sẽ nâng cao được nhiều sự đầy đủ và tin cậy của báo cáo. Không chỉ đối với các báo cáo đơn giản, tích hợp ít đầu tư, mà ngay cả các báo cáo phát triển bền vững riêng với rất nhiều thông tin chi tiết cũng mắc phải lỗi tương tự vì không theo các thông lệ tốt nhất, ví dụ không có đánh giá các bên liên quan, đánh giá trọng yếu...

Một số báo cáo (ngay cả nằm trong Top 10) đã tuân thủ theo GRI, nhưng vẫn có các lỗi cơ bản như không nói rõ là "cốt lõi" hay "toàn diện". Hoặc nhiều công ty đã đạt được các yêu cầu chung của GRI, nhưng "quên" không tham chiếu đến các hướng dẫn ngành. Ngoài ra, có báo cáo còn chưa có tham chiếu GRI hoàn chỉnh, số trang không được cập nhật trong phần GRI Content Index mà vẫn để là xxx.

Một lỗi “ngớ ngẩn” khác là có báo cáo công bố thông tin về việc có tồn tại hay không một báo cáo phát triển bền vững độc lập một cách "nước đôi": "Báo cáo bền vững được công ty tiến hành công bố hàng năm tích hợp cùng với báo cáo thường niên hoặc được phát hành riêng rẽ"(!?).

Về mặt chiến lược, mặc dù nhiều công ty có tham chiếu đến SDG của Liên hợp quốc, nhưng rất hiếm công ty đề cập đến các mục tiêu SDG ở Việt Nam.

Đối với các chỉ tiêu số liệu, báo cáo phải miêu tả cho người đọc hoàn cảnh cụ thể, không nên chỉ nêu lên một con số, ví dụ một doanh nghiệp báo cáo là lượng nước tiêu thụ trong năm 2017 ở trụ sở chính của tập đoàn là 16.000 mét khối.

Thông tin này đặt ra nhiều câu hỏi ở người đọc: Sử dụng nước như vậy có quá nhiều không? Khối lượng sử dụng trên đầu người là bao nhiêu? Ngoài sử dụng cho hoạt động hành chính, còn có các hoạt động nào khác không? Tăng, giảm qua các năm? Các biện pháp cụ thể để hạn chế ngoài việc kêu gọi chung chung?…

Do vậy các báo cáo nên đưa ra các chỉ tiêu trên đơn vị (theo đầu người, trên sản phẩm hoặc khối lượng sản phẩm…) và qua các năm để có thể so sánh.

Sẽ tốt hơn nữa nếu báo cáo có thêm các phân tích đơn giản về nguyên nhân, xu hướng thay đổi và được trình bày trực quan bằng biểu đồ, hình ảnh. Những điểm này doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện ngay với đầu tư tối thiểu, nhưng lại làm tăng đáng kể chất lượng các chỉ tiêu của báo cáo.

Tuy một số công ty đã bắt đầu quan tâm đến chuỗi cung ứng của mình trong các hoạt động phát triển bền vững, vẫn còn nhiều công ty mới chỉ báo cáo các vấn đề của bản thân mình mà chưa quan tâm đến toàn chuỗi cung ứng.

Còn nhiều báo cáo (kể cả báo cáo Top 5) vẫn còn có những lỗi chính tả, cú pháp không đáng có! Các sai sót này sẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy của báo cáo trong người đọc. 

Các nội dung có thể làm tốt hơn trong mùa sau

Quy trình kiểm tra và rà soát nội bộ báo cáo có thể làm tốt hơn để tránh những lỗi nhỏ về chính tả, cú pháp không đáng có. Trong một chừng mực nào đó, việc này cũng phản ánh độ tin cậy của quy trình lập báo cáo.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ nêu các tác động môi trường biến đổi khí hậu chung chung, các tác động chính (trực tiếp và gián tiếp) về kinh tế,  xã hội, môi trường và các vấn đề kinh doanh nên được phát hiện, lượng hóa, xem xét và giải trình một cách logic và thuyết phục hơn.

Với 6 năm lập báo cáo, chắc chắn cơ sở dữ liệu đã tương đối đủ cho việc phân tích xu hướng, dự báo… cho hoạt động phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết. Sẽ rất có ích cho nhiều bên liên quan nếu các xu hướng này được tổng hợp, mô hình hóa nhằm mang tính ứng dụng cao hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp non trẻ.

Tuy áp dụng GRI, nhưng một số công ty tập trung và đầu tư rất nhiều vào các thông tin và chỉ số. Tuy nhiên, các thông tin này chưa được kể theo một cách có logic dựa trên các đánh giá các bên liên quan, gắn kết với chiến lược phát triển bền vững, phân tích trọng yếu. Điều này dẫn đến công sức chuẩn bị báo cáo không được đền bù một cách xứng đáng.

Vẫn còn các hạn chế phổ biến, chẳng hạn, chưa gắn kết rõ ràng chiến lược phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh; chưa có các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về phát triển bền vững và nếu có thì cũng không mang tính chiến lược dài hạn; thiếu sự phân tích, nêu lên ý nghĩa và tác động của kết quả thực hiện; ít công ty nào có cơ chế khen thưởng cụ thể liên quan đến phát triển bền vững...

Những điều này, nếu được khắc phục, các doanh nghiệp niêm yết sẽ có báo cáo phát triển bền vững tốt hơn trong những mùa lập báo cáo sau.

Tin bài liên quan