Theo Bloomberg, VN-Index đã tăng 13% trong tháng 5 (tính tới hết phiên 26/5), mức cao nhất trong các thị trường châu Á. Trong tháng 4, VN-Index cũng tăng 16%, là một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới.
“Chúng tôi đang đầu tư và tiếp tục tìm kiếm những cổ phiếu có câu chuyện cụ thể", Joshua Mock, quản lý danh mục đầu tư tại Robeco (Hồng Kông) cho biết và đánh giá triển vọng trung hạn đầy hứa hẹn tại thị trường Việt Nam.
Trong cùng thời gian, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 5,34%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 4,22%, trong chi chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đại lục giảm 0,47% và Hang Seng của Hồng Kông giảm 5,11%.
Triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ việc Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ cao nhất ở châu Á, thậm chí nhiều nước châu Á được dự báo sẽ bị suy thoái mạnh.
Biểu đồ diễn biến VN-Index và MSCI AC Asia Pacific Index
Một điểm đáng quan tâm nữa với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo Bloomberg, đó là các cổ phiếu Việt Nam có trong danh sách nâng hạng thị trường mới nổi của FTSE Russell kể từ năm 2018.
Giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) đã được nới lỏng vào năm 2015. Hầu hết các công ty được phép quyết định giới hạn sở hữu nước ngoài, chỉ có một vài công ty ở một vài lĩnh vực còn bị khống chế room ngoại.
Tuy nhiên, điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam chính là thanh khoản và vốn hóa thấp. Đây chính là một trong những thách thức lớn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ vào khoảng 170 tỷ USD, thuộc mức thấp nhất châu Á, ít hơn một nửa so với Singapore và Indonesia.