Những VIP tại công ty niêm yết phải có trách nhiệm phổ biến về nghĩa vụ công bố thông tin cho người thân của mình (Ảnh minh họa).

Những VIP tại công ty niêm yết phải có trách nhiệm phổ biến về nghĩa vụ công bố thông tin cho người thân của mình (Ảnh minh họa).

Bị phạt tiền mới biết mình là “VIP”

Một số nhà đầu tư phát hiện ra mình thuộc diện “VIP”, phải công bố thông tin khi mua hoặc bán cổ phiếu sau khi bị phạt tiền. Họ là thành viên quan trọng hoặc có mối liên quan với nhân vật chủ chốt của công ty niêm yết.

Cuối tháng 4, ông Phạm Hữu Thạo, thành viên HĐQT của CTCP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (YBC), bà Ngô Thị Thuận là người có liên quan với ông Vũ Văn Chiến, Ủy viên HĐQT của CTCP Hoá dầu Petrolimex (PLC) đều bị thanh tra Ủy ban Chứng khoán phạt 10 triệu đồng. Lý do là họ đã bán, mua YBC và PLC nhưng không báo cáo theo quy định.

 

Nhà đầu tư Đỗ Văn Lập thì bị phạt 15 triệu đồng do mua thêm 976.400 cổ phiếu SHS và trở thành cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (chiếm 5,73%) nhưng không công bố thông tin. Còn bà Lê Hải Yến, vợ ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc CTCP Thép Việt Ý (VIS) bị phạt 10 triệu đồng cũng vì không báo cáo với Uỷ ban Chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

 

Trong số những trường hợp bị thanh tra Ủy ban Chứng khoán ra quyết định phạt tiền, một số nhà đầu tư tỏ ra ngạc nhiên khi biết mình đã vi phạm quy định về công bố thông tin.

 

“Tôi là em ruột nhưng anh em tôi sống xa nhau nên rất ít khi gặp anh trai. Khi công ty mà anh tôi làm trong hội đồng quản trị niêm yết thì tôi cũng không được thông báo. Vậy mà khi tôi mua bán cổ phiếu thì lại bị phạt tiền”, một nhà đầu tư từng bị xử phạt hành chính trước đây khá lâu tâm sự.

 

Một nhà đầu tư khác là vợ của thành viên hội đồng quản trị cho biết: “Ông ấy đi suốt ngày, có nói gì với tôi về việc công bố thông tin đâu. Chỉ đến khi bị phạt tiền tôi mới biết là mình thuộc diện VIP, cần phải công bố thông tin khi mua bán cổ phiếu. Chứ nếu nói chuyện lợi dụng gì đó thì ai lại đi mua bán có vài nghìn cổ phiếu”.

 

Theo quy định, các nhà đầu tư mua bán cổ phiếu có mối quan hệ gần gũi với các thành viên quan trọng của công ty niêm yết (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, em..) phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Việc công bố này thường do công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư giao dịch thực hiện. Tuy nhiên, công ty chứng khoán không có nghĩa vụ phải làm mà về nguyên tắc thì nhà đầu tư phải gửi thông tin cho các đơn vị có liên quan.

 

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Seabank cho biết, nhiều nhà đầu tư không biết về các quy định phải công bố thông tin khi mua bán nên mới bị phạt tiền chứ họ cũng không có dụng ý che giấu hay trục lợi. “Còn việc bị phạt tiền cũng có lý do là hệ thống giám sát hiện nay còn thủ công. Nếu kiểm soát tự động, khi nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu có liên quan đến người thân của mình tại công ty niêm yết, hệ thống sẽ có cảnh báo để họ công bố thông tin theo quy định”, ông Trung nhận định.

 

Chuyên gia này cho rằng, bên cạnh công ty chứng khoán, những thành viên quan trọng của công ty niêm yết cũng phải có trách nhiệm phổ biến về nghĩa vụ công bố thông tin cho những người thân của mình để họ tránh các lỗi không đáng có.

 

Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại Hà Nội tiết lộ, có trường hợp tài khoản của thành viên hội đồng quản trị nhưng ủy quyền cho người khác giao dịch. Thế nhưng, người được ủy quyền lại thiếu ý thức về vấn đề công bố thông tin nên mới phát sinh lỗi vi phạm.

 

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán cũng thừa nhận thực tế là không ít nhà đầu tư có mối quan hệ liên quan với các VIP của công ty niêm yết nhưng lại không tìm hiểu kỹ quy định về công bố thông tin. Vì thế, các vi phạm của họ chủ yếu là do thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, sau khi bị phạt thì ý thức của họ về nghĩa vụ công bố thông tin sẽ tốt hơn nhiều, chuyên gia này nhận xét.