Bế tắc kinh doanh vì cổ đông ngoại

Bế tắc kinh doanh vì cổ đông ngoại

(ĐTCK-online) Tình trạng các DN niêm yết gặp vướng mắc khi bổ sung các ngành nghề kinh doanh có trong Quyết định 10/2007/QĐ-BTM hạn chế sự tham gia của DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp diễn, dù vấn đề này đã được các DN phản ánh từ mấy năm trước.

Mới đây, CTCP Dược phẩm Mekophar (MKP) cũng gặp phải vấn đề này và đang đứng trước 2 lựa chọn, hoặc hủy niêm yết, kiểm soát việc mua cổ phiếu của NĐT nước ngoài để tiếp tục hoạt động, hoặc ở lại sàn nhưng phải hạn chế kinh doanh.

 

Từ một lần xin giấy phép

Tháng 9/2010, trước nhu cầu mở rộng hoạt động, Mekophar tiến hành đăng ký kinh doanh lại, bổ sung ngành nghề "bán buôn, bán lẻ dược phẩm". Bà Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MKP cho biết, ngành nghề kinh doanh trước đó của Công ty là sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm…, nên việc MKP xin thêm chức năng "bán buôn, bán lẻ dược phẩm" tưởng sẽ không có gì trở ngại.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã không chấp nhận ngành nghề đăng ký mới của Công ty, bởi chiếu theo Luật Đầu tư, Nghị định 23/2007/NĐ-CP, Quyết định 10/2007/QĐ-BTM và Thông tư 09/2007/TT-BTM, Mekophar là công ty có vốn đầu tư nước ngoài (phía nước ngoài nắm giữ 4,7%) nên không được tham gia "bán buôn, bán lẻ dược phẩm".

Không được cấp lại đăng ký kinh doanh để thực hiện chức năng phân phối, Mekophar có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh do không được xét công nhận chuỗi nhà thuốc đạt GPP (thực hành tốt nhà thuốc) và GDP (thực hành tốt phân phối). Điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty không được tham gia đấu thầu, không được phân phối thuốc qua hệ thống nhà thuốc, đại lý, chi nhánh. Đặc biệt, theo bà Lan, nếu cứ theo các quy định đã liệt kê trên, việc kinh doanh dược phẩm của Mekophar thông qua 3 chi nhánh và 5 cửa hàng ở TP. HCM cũng là không hợp pháp. Hiểu rộng ra, tất cả những DN dược Việt Nam có NĐT nước ngoài mua cổ phần, nếu đang kinh doanh mua - bán dược phẩm đều vi phạm pháp luật.

Mekophar đã có kiến nghị lên Sở Y tế TP. HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, HOSE, Bộ Công thương, UBCK…, nhưng các đơn vị này đều trả lời  không đủ thẩm quyền để giải quyết bởi các văn bản pháp luật đã quy định.

Đầu tháng 6/2011, đơn kiến nghị từ Mekophar đã được trình lên văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Công ty đã tính đến giải pháp "tự cứu mình". Dự kiến, ngày 11/7/2011, Mekophar sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để bàn việc hủy niêm yết trên sàn HOSE, cố gắng đưa phần vốn nước ngoài về 0%.

 

Chờ một định nghĩa

Mekophar vẫn có thể kinh doanh không đúng luật theo định nghĩa về công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng bà Lan nói: "Là một DN lớn, với hơn 35 năm hoạt động, MKP không thể sống và làm việc ngoài pháp luật". Công ty từng tính đến giải pháp chỉ tập trung sản xuất, nhưng sau một thời gian thử nghiệm phân phối qua các đơn vị đối tác, kết quả kinh doanh không khả thi vì các DN chuyên phân phối dược thường ưu ái tiêu thụ sản phẩm ngoại nhập hơn là sản phẩm trong nước.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Mekophar có quyền bán buôn, bán lẻ dược phẩm tự sản xuất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Công ty sẽ bán buôn, bán lẻ sản phẩm của mình ở đâu khi không được đăng ký phân phối bán buôn, bán lẻ dược phẩm trong giấy phép kinh doanh?

Hiện tại, không riêng Mekophar mà hầu hết DN dược trên sàn đều triển khai bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Trong khi đó, 100% các DN này đều có sở hữu của NĐT nước ngoài, nhiều nhất là Dược Hậu Giang (47,33%), ít nhất là Vimedimex ( 0,51%). Nếu căn cứ theo luật định, các DN này đều vi phạm.

Không chỉ DN dược mà cách đây 2 năm, một DN niêm yết trong lĩnh vực bất động sản cũng gặp khó khăn trong đăng ký kinh doanh ngành "bán lẻ, kinh doanh xuất nhập khẩu", với lý do có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Quyết định 10/2007/QĐ-BTM. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời, công ty này là DN trong nước (có vốn đầu tư gián tiếp FII) chứ không phải DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhờ thế, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM mới chấp thuận đăng ký kinh doanh mới cho DN.

Cho đến nay, khái niệm thế nào là DN nước ngoài chịu sự chi phối của Quyết định 10/2007/QĐ-BTM vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng, khiến nhiều DN, nhất là DN niêm yết gặp khó khăn khi đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh mà khối DN FDI bị hạn chế tham gia. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan có trách nhiệm cần ban hành một văn bản hướng dẫn, định nghĩa chi tiết hơn về DN có vốn đầu tư nước ngoài dựa trên mức độ tham gia, với tỷ lệ sở hữu cụ thể. Có như thế, các công ty niêm yết mới hoạt động đúng luật và có thể huy động được vốn ngoại trên sàn chứng khoán.

DN có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm DN do NĐT nước ngoài thành lập để hoạt động đầu tư tại Việt Nam; DN Việt Nam do NĐT nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại" (Khoản 6, Điều 3, Luật Đầu tư).

 

Danh mục hàng hóa DN có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối gồm: lúa gạo; đường mía, đường củ cải; thuốc lá, xì gà; dầu thô và dầu đã qua chế biến; dược phẩm; thuốc nổ; sách, báo, tạp chí; kim loại quý, đá quý; vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu (theo Thông tư 09/2007/TT-BTM và Quyết định 10/2007/QĐ-BTM).

Trên thực tế, đối với các DN, chỉ cần NĐT nước ngoài mua 1 cổ phần sẽ bị xác định là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những công ty đại chúng như MKP không thể kiểm soát hoạt động mua - bán cổ phiếu trên sàn của NĐT nước ngoài.