Bầu Đức say… cây cao su

Bầu Đức say… cây cao su

(ĐTCK-online) Ai cũng biết Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAG) là người đầu tiên sở hữu máy bay riêng từ sau giải phóng đến nay. Nhưng ít ai biết rằng, sở thích của ông Đức không phải là ngồi máy bay, mà là tự lái ôtô đi thăm rừng cao su.

"Bình thường tôi ở Sài Gòn một tháng gần 30 ngày, nhưng giờ chắc chỉ vài ba ngày, còn lại là theo cây cao su", ông Đức nói.

Khác với hình ảnh vườn cao su ở trong nước, đứng ở hàng cây đầu tiên vẫn thấy hàng cây cuối cùng, rừng cao su của HAG ở Lào chạy dài tít tắp, cây trồng theo hàng, theo lối, đi trên đường nhìn sang không thể thấy hàng cây cuối. Ông Đức thường lái xe ôtô chạy trên đường đất, đi giữa rừng cao su của HAG. Nhanh nhất cũng mất 2 giờ đồng hồ để lướt qua, từ khu cây 2 năm tuổi đến cây non mới trồng, đất vừa khai hoang, đất trải phân chờ cây giống, vườn ươm cây giống…

Để trồng cây cao su, HAG có gần 100 xe ủi khai hoang đất, làm đường, hệ thống các nông trường và một nhà máy sản xuất phân vi sinh ở Gia Lai. "Mua phân bón trên thị trường, mỗi công ty một giá, một chất lượng khác nhau, nên HAG tự làm lấy cho đảm bảo", ông Đức phân trần.

Ông Đức đang “say” cây cao su mà không phải cổ đông nào cũng hiểu vì sao HAG quyết tâm với cây cao su như thế. "Tôi trồng cao su đã lâu với 500 héc-ta đang khai thác mủ nên tôi hiểu rõ hiệu quả của cây cao su. Giá trồng 1 héc-ta cao su là 100 triệu đồng, tính cả chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, sau 5 năm, 1 héc-ta cho thu hoạch ít nhất 2,5 tấn mủ/năm. Một tấn mủ cao su giá thành từ 720 đến 1.000 USD, tính cả chi phí vốn, nếu tính rộng rãi. Còn giá bán mủ cao su hiện nay là 5.200 USD/tấn. Năm 2007, khi HAG bắt đầu trồng cao su, giá mủ cao su trên thế giới đạt đỉnh cao là 3.200 USD/tấn. Năm sau, do khủng hoảng nên giảm còn 1.400 USD/tấn, nhưng HAG vẫn quyết tâm trồng", ông Đức nói.

Ông Đức kể, trồng cao su hiệu quả đến nỗi nếu thế giới có tạo ra được một chất gì đó thay thế nguyên liệu cao su thì tiền bán gỗ cao su cũng đủ bù đắp chi phí đầu tư. Còn tiền thu được từ bán mủ cao su là lãi ròng.

"Nếu nghe HAG nói lợi nhuận trồng cây cao su như thế, nhiều người không hiểu, tưởng là nói phét. Nhưng không thể lấy tỷ suất lợi nhuận của các công ty cao su niêm yết để tính ra lợi nhuận trồng cao su của doanh nghiệp tư nhân, vì phương thức quản lý khác nhau. Công ty nhà nước chi phí cho quỹ lương tính theo phần trăm doanh thu, còn HAG trả lương cho người lao động theo tháng và khoán theo cây. Cứ 550 cây là một héc-ta. Thêm nữa, hiện nay giống cao su cao sản của Malaysia cho năng suất mủ cao hơn giống cũ nhiều", ông Đức giải thích.

Nhìn lại con đường phát triển của HAG mới thấy tầm nhìn xa, dám nghĩ, dám làm của Bầu Đức. Bởi trồng cây cao su không khó, nhưng khó nhất là phải có đất. Đất trồng cao su ở Việt Nam đã có chủ hết và giá sang nhượng rất  cao. Nhiều năm trước, ông Đức đã nhắm đến Attapeu (Lào), tỉnh giáp biên giới Việt Nam. Nhưng xin được đất ở Lào cũng không phải là chuyện dễ.

Bước đi đầu tiên của HAG vào Lào là từ bóng đá. Năm 2009, HAG khởi công Làng vận động viên Sea Games ở Lào với tổng vốn đầu tư 19 triệu USD, trong đó 4 triệu USD tài trợ không hoàn lại, 15 triệu USD cho vay không lấy lãi trong 3 năm. Đổi lại, HAG được Lào cấp 10.000 héc-ta đất trồng cao su, nâng tổng diện tích trồng cao su ở Attapeu lên 15.000 héc-ta trong năm đó. Đến nay, diện tích trồng cao su của HAG ở Lào là 30.000 héc-ta, trong tổng số 51.000 héc-ta diện tích đất trồng cao su của Tập đoàn.

"Năm vừa qua, lợi nhuận trước thuế của HAG tăng trưởng 52% so với năm trước đó, nhưng 2006 - 2011 chưa phải là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của HAG, mà là từ năm 2012 đến 2016, khi lứa cao su đầu tiên cho thu hoạch mủ và các lĩnh vực dài hạn khác cùng cho lợi nhuận", ông Đức khẳng định. Nếu nhiều năm trước, ông Đức không tính đến chuyện sang Lào đầu tư thì HAG cũng không thể thực hiện được kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận như ngày hôm nay.

Năm 2010, nhiều nhà đầu tư còn nghi ngờ về chiến lược phát triển đa ngành, ngoài bất động sản của HAG. Khi những nhà đầu tư đại diện cho các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước lần đầu tiên mục sở thị rừng cao su của HAG trồng ở Lào và thực sự ấn tượng với những gì HAG đang làm, thì nghi ngờ tan biến.

Lợi nhuận từ cao su cùng với khoáng sản và thủy điện là cơ sở để HAG trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế mà không cần bảo lãnh. Đầu tư lớn, cần vốn lớn, việc phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế giúp HAG chủ động nguồn vốn để không bị lệ thuộc vào bất kỳ nguồn vốn nào.  "Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu tư nước rút", ông Đức chia sẻ.

Nếu như cổ đông nào có dịp sang thăm rừng cao su của HAG ở Lào, sẽ thấy ông Đức không giấu giếm ý định tiếp tục đầu tư các công trình trường học, bệnh viện, nhà tái định cư ở tỉnh Attapeu, phát triển một thị trấn nhỏ ở khu vực lâm trường Attapeu - HAG để những người lao động Việt Nam và Lào sinh sống, an cư lạc nghiệp. Cây cao su trồng 5 năm cho thu hoạch mủ 25 năm, nên một đời cây cũng là gần nửa đời người.

Còn ở Việt Nam, dù cổ đông lớn hay nhỏ, khi hỏi Bầu Đức về cao su sẽ được ông trút bầu tâm sự. Bầu Đức sẽ còn “say” với cao su ít nhất hai đời rừng cao su nữa.