Bất ngờ vốn ngoại

Bất ngờ vốn ngoại

(ĐTCK) Các doanh nghiệp trong nước tỏ ra bất ngờ về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho họ.

Bất ngờ vốn ngoại ảnh 1

Trong khi dư luận còn nghi ngờ về những nhận định tốt cho TTCK Việt Nam của các tổ chức đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra bất ngờ về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho họ.

Tuần trước, một đoàn đầu tư Nhật Bản do CTCK Nhật Bản (JSI) tổ chức đã đến làm việc với Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Đây là lần thứ 2 họ đến tìm hiểu về doanh nghiệp này.

Được biết, trong chuyến đi của đoàn lần này, họ không chỉ đến thăm Hòa Phát mà còn ghé thăm một số công ty khác.

CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (CLG) cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản. Kể từ sau khi Tama Global Investments, một công ty của Nhật Bản trở thành cổ đông sở hữu 20% CLG, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác đã đưa CLG vào danh sách tìm hiểu của mình.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty CBRE, không chỉ đầu tư vào công ty bất động sản, vốn từ Nhật Bản còn đầu tư trực tiếp vào các dự án bất động sản. Một số thương vụ đã mua bán thành công mà không công bố, trong khi một số khác vẫn đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội.

Vì sao các nhà đầu tư Nhật Bản nhiệt tình đầu tư vào Việt Nam ở giai đoạn này? Không chỉ vì họ muốn tìm một điểm đầu tư an toàn khi thiên tai xảy ra ở Nhật Bản. Ông Marc đánh giá: “Lãi suất vay vốn ở Nhật Bản rất thấp, chỉ từ 2 - 4%/năm. Một số nhà đầu tư đã vay vốn để đầu tư vào các dự án ở Việt Nam . Mặt khác, đồng Yên đang lên giá so với VND”.

Có thể nói, các nhà đầu tư Nhật Bản đã quan tâm đến thị trường Việt Nam từ lâu. Nhưng trước đây, khi họ đến làm việc với các doanh nghiệp trong nước thì họ phải cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác (bỏ giá cao hơn) để có thể trở thành cổ đông chiến lược hay cổ đông lớn của doanh nghiệp Việt. Nhưng bây giờ, vị thế đàm phán đã thay đổi, bên mua chiếm ưu thế vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong tình cảnh khát vốn đã và sẽ chấp nhận bán cổ phần, tài sản với mức giá phải chăng hơn.

Trên sàn niêm yết, động thái của khối ngoại là quyết liệt mua vào cổ phiếu mục tiêu. Trong 2 phiên giao dịch cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cuối tuần trước, gần cuối phiên, mỗi khi cổ phiếu này giảm về gần giá sàn thì lệnh mua của khối ngoại lại xuất hiện và đẩy giá tăng trở lại trên giá tham chiếu và lên giá trần vào ngày cuối tuần. Trong khi đó, vẫn chưa đến thời hạn 5/3 - ngày bắt đầu thực hiện quyền mua vào 1 triệu cổ phiếu HSG của cổ đông lớn là Red River .

Điều tương tự cũng diễn ra đối với các cổ phiếu lớn khác. Như HPG, khối lượng mua của nhà đầu tư nước ngoài cũng chiếm 30 - 50% khối lượng cổ phiếu giao dịch trong những phiên mà thị trường tăng điểm 2 tuần qua.

Với cổ phiếu HAG, mặc dù một cổ đông lớn đang đăng ký vừa mua, vừa bán 24 triệu cổ phiếu, nhưng theo nguồn tin của ĐTCK, lượng cổ phiếu này sẽ có nhà đầu tư khác mua lại. Năm trước, một quỹ đầu tư ngoại đã thoái toàn bộ khoản đầu tư trong danh mục nhưng chỉ giữ lại cổ phiếu HAG. Quyết định này đang mang lại kết quả vì HAG -chiếm tỷ lệ lớn giá trị đầu tư của Quỹ đã tăng giá trở lại.

Theo thống kê, giá trị vốn ngoại vào thị trường Việt Nam từ đầu năm đến này là 32 triệu USD. Nhưng con số này sẽ còn tăng lên. Một doanh nghiệp niêm yết cho biết, họ đang đàm phàn với một công ty nước ngoài mua cổ phiếu mới phát hành với giá bằng giá trị sổ sách, gấp đôi thị giá cổ phiếu của công ty hiện nay.

Tuần trước, báo chí đưa tin về việc ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital (DC) phát biểu với báo chí nước ngoài về việc huy động quỹ mới khoảng 50 - 100 triệu USD để đầu tư vào 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là kế hoạch mà DC đã công bố từ lâu, đang tiến hành, nhưng chưa đến thời điểm đóng quỹ. Nhưng đây là thời điểm thích hợp nhất để DC thúc đẩy kế hoạch thành lập quỹ này. TTCK Việt Nam đang được các tổ chức nước ngoài quan tâm đặc biệt.

Năm ngoái, các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể tự tin nói với các cổ đông rằng, mức giảm NAV của chúng tôi ít hơn nhiều so với mức giảm của VN-Index. Nhưng ở thời điểm này, khi chỉ số của TTCK thẳng tiến thì họ phải lo lắng làm sao để NAV không bị bỏ lại xa so với VN-Index.