“Bảo lãnh phát hành sẽ loại bỏ nguồn cung kém chất lượng”

“Bảo lãnh phát hành sẽ loại bỏ nguồn cung kém chất lượng”

(ĐTCK-online) Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có Công văn số 498/HHĐTTC gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) kiến nghị bắt buộc phải có bảo lãnh phát hành với mọi trường hợp phát hành cổ phiếu ra công chúng. Kiến nghị này cũng là góp ý gửi lên Bộ Tài chính nghằm sửa đổi Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 (Nghị định 14) về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo VAFI, nếu chỉ dừng ở quy định bảo lãnh phát hành đối với trường hợp phát hành cổ phiếu ra công chúng có giá trị phát hành (theo mệnh giá) trên 100 tỷ đồng như trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 14 thì giải pháp này vẫn còn nhiều bất cập và thiếu khả thi. Do đó, không cần dựa vào quy mô của các đợt phát hành, hình thức bảo lãnh nên được tiến hành theo 2 hình thức: cam kết bảo lãnh 100% tổng số lượng cổ phiếu được phát hành ra công chúng hoặc cam kết bảo lãnh tối thiểu trên 30% của tổng số lượng cổ phiếu được chào bán ra công chúng. Để hiểu rõ hơn về kiến nghị này, ĐTCK- online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI.

VAFI vừa đánh giá nếu chỉ bảo lãnh đối với trường hợp phát hành đạt giá trị trên 100 tỷ đồng là bất cập và thiếu khả thi. Vậy, cụ thể của sự bất cập và thiếu khả thi này là gì, thưa ông?

Với quy định như vậy, các doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách phát hành ra công chúng với những đợt phát hành dưới 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp lớn thì có thể phát hành làm nhiều đợt dưới 100 tỷ đồng. Trong thực tế, hầu hết công ty phát hành đều có quy mô vốn nhỏ nên khả năng phát hành cổ phiếu ra công chúng trên 100 tỷ đồng/1 đợt là rất ít, do đó vô hình trung sẽ không bảo vệ quyền lợi cho đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Từ đó, sẽ không kiểm soát được nguồn cung cổ phiếu do được chấp thuận phát hành tăng vốn một cách tràn lan cùng với sự dễ dãi khi mua cổ phần của công chúng đầu tư làm thị trường bị bội thực về nguồn cung, ảnh hưởng tới sức cầu cổ phiếu.

Điều này cộng với việc mất niềm tin của các nhà đầu tư từ nhiều đợt phát hành (do nhiều đợt phát hành cổ phiếu với giá "trên trời" hay sử dụng vốn huy động không đúng, không đạt kết quả như trong bản cáo bạch) là nguyên nhân sâu xa và cơ bản làm cho TTCK giảm sút thời gian qua.

Kiểm soát nguồn cung cổ phiếu cũng đã được cơ quan quản lý thị trường thực hiện từ việc ban hành các biện pháp hành chính, nhằm đảm bảo sự ổn định của TTCK. Ông nghĩ sao về các giải pháp này?

Các biện pháp này của Bộ Tài chính, UBCK hay Ngân hàng Nhà nước chỉ là những biện pháp hành chính, mang tính tạm thời trong khi chưa có giải pháp khả thi thay thế và cũng chỉ nhằm làm chậm hoặc đình hoãn các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng. Về lâu dài, rất khó có thể áp dụng những biện pháp hành chính trong việc xét duyệt các đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng. Lý do là việc thẩm định phương án phát hành nếu cứ theo cơ chế nhà nước sẽ không đảm bảo cho một phương án phát hành cổ phiếu khả thi cũng như có thể bảo vệ cho nhà đầu tư cá nhân, nếu xét về chất lượng của các đợt phát hành này.

Thêm vào đó, thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng theo cơ chế nhà nước thường kéo dài khá lâu, thậm chí doanh nghiệp còn phải làm nhiều thủ tục “không tên” (không có trong quy định của phát luật) với chi phí “tư vấn” rất lớn. Trong khi đó, thời gian từ nộp hồ sơ cho đến khi được chấp thuận trong khoảng thời gian dài (khoảng 6- 9 tháng) như thế lại không đồng nghĩa với việc đảm bảo chất lượng hay sự thành công của một đợt chào bán và cũng không nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư mà chỉ mang nặng cơ chế xin - cho. Với cơ chế xin - cho như vậy, công tác thẩm định phương án phát hành (nếu có khả thi thì mới cho phép phát hành) đã gây không ít băn khoăn, nghi ngại trong giới đầu tư. 

Như vậy, cam kết bảo lãnh phát hành bắt buộc cho mọi đợt phát hành theo kiến nghị của VAFI có loại bỏ được các nguồn cung kém chất lượng?

Giải pháp mà VAFI đưa ra sẽ nhằm kiểm soát nguồn cung cổ phiếu sao cho hữu hiệu để không hành chính hoá, không tạo cơ chế xin - cho, không làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo chất lượng của các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Chỉ có doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có phương án phát hành khả thi (phương án sử dụng vốn huy động được), với giá phát hành hợp lý thì mới có cơ hội lựa chọn công ty chứng khoán (CTCK) có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh đứng ra bảo lãnh, như vậy đợt phát hành sẽ có nhiều cơ hội thành công. 

Còn với doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả hoặc phương án sử dụng vốn huy động không khả thi hoặc giá chào bán không hợp lý với tình hình thị trường thì sẽ khó có thể có CTCK nào can đảm đứng ra bảo lãnh. Như vậy đặt ra quy định bắt buộc bảo lãnh phát hành khi phát hành cổ phiếu ra công chúng là đã loại bỏ đi được nhiều nguồn cung cổ phiếu không có chất lượng, loại bỏ những CTCK yếu kém, đồng thời tăng cường trách nhiệm của CTCK trong vấn đề phát hành cổ phiếu ra công chúng để bảo vệ công chúng đầu tư. 

Song, khối doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn qua hình thức phát hành ra công chúng? 

Đúng vậy. Quy định hiện hành liên quan đến phát hành cổ phiếu ra công chúng không ràng buộc hình thức bảo lãnh phát hành dường như chỉ thiên về việc tạo cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp mà chưa chú trọng đến yếu tố bảo vệ quyền lợi tối đa đối với công chúng đầu tư. 

Mặc dù vây, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả vẫn có thể huy động vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác chiến lược. Có thể loại DN này không là điểm đầu tư hấp dẫn của các tổ chức tài chính, song vẫn được đối tác kinh doanh cùng ngành nghề quan tâm, vô hình trung góp phần thúc đẩy công tác quản trị doanh nghiệp. Trong cơ cấu cổ đông, nếu tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức chiếm không nhỏ thì đó sẽ là lợi thế rất lớn cho DN.